Ngày 13/3 chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức được mở cửa đón khách trở lại.
Ngày 06/02, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1053/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng. Mục đích của Hướng dẫn này là phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19 tại cộng đồng nhằm thực hiện chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.
Theo Quyết định số 1053/QĐ-BYT thì nơi tập trung đông người: Chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh; sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời; khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe, khu vực hoạt động ngoài trời; điểm dừng khi tham gia giao thông.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa điểm tham quan, du lịch, giải trí; khu tâm linh tại Quyết định số 1053/QĐ-BYT như sau:
- Tất cả những người tham gia khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian ở địa điểm tham quan, du lịch, giải trí; khu tâm linh phải đeo khẩu trang trừ những người đang phát biểu, biểu diễn.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại địa điểm tham quan, du lịch, giải trí; khu tâm linh phải đeo khẩu trang.
Bên cạnh việc đeo khẩu trang y tế đúng cách, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng,...
Đồng thời Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự tạm dừng tổ chức các hoạt động tôn giáo tập trung đông người. Đối với những cuộc lễ, những hoạt động tôn giáo bắt buộc phải tổ chức, thì chỉ tổ chức quy mô nhỏ, với thời ngắn; đồng thời, không tổ chức đông tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm nằm trong vùng dịch. Các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Việc làm này cũng góp phần tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng.
Một số địa phương trên cả nước cũng đã triển khai việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 khi các lễ hội được tổ chức trở lại. Cụ thể:
Tại Hà Nội: Theo UBND phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên người dân ra vào lễ phủ được hướng dẫn tuân thủ đeo khẩu trang; lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở người dân đảm bảo biện pháp phòng dịch bằng loa hay trực tiếp. Trong khi đó, tại chùa Vạn Niên (đường Lạc Long Quân, Tây Hồ), rất đông người đến lễ và được Ban tổ chức yêu cầu thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang.
Để chuẩn bị mở cửa đón khách tại chùa Hương ngày 13/3, Ban tổ chức lễ hội cần xây dựng kịch bản chi tiết hơn nữa, phân công công việc cho từng thành viên một cách rõ ràng; xây dựng nội dung tuyên truyền về những biện pháp phòng, chống dịch để tuyên truyền cho tất cả du khách khi đến với chùa Hương. Tại các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn. Các chủ cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường; các bàn ăn phải có vách ngăn, bàn ghế ngồi ăn uống đảm bảo giãn cách theo đúng quy định.
Tại Vĩnh Phúc: Tại đền Bắc Cung, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, từ ngày 20 tháng chạp năm Canh Tý, Ban quản lý di tích đã treo áp phích trước cổng đền yêu cầu khách đến hành lễ đeo khẩu trang và rửa tay trước khi vào đền. Trước cửa đền bố trí 2 chiếc bàn để khẩu trang và nước sát khuẩn, có nhân viên bảo vệ trực và thường xuyên nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Hằng ngày, cứ 5 giờ chiều, bộ phận y tế xã lại tiến hành phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên đền. Lực lượng công an đặt 2 chốt kiểm soát, đi tuần tra quanh và trong đền, khi có người không đeo hoặc đeo khẩu trang không đúng cách sẽ kịp thời nhắc nhở.
Tại Thái Nguyên: Lượng người dân và du khách tới các điểm di tích tâm linh trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 70% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các điểm di tích tâm linh như: Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Đuổm (Phú Lương); chùa Hang (TP. Thái Nguyên); đền Đá Thiên (Đồng Hỷ)… vẫn là những nơi thu hút đông người dân và du khách tới dâng hương.
Là một trong những di tích thu hút rất đông người dân và du khách tới dâng hương, đi lễ đầu năm, Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Đuổm (Phú Lương) đã chủ động thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường tuyên truyền tới người dân và du khách. UBND huyện Phú Lương đã bố trí cán bộ, phối hợp với Ban quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa phun khử khuẩn toàn bộ đền ngay từ trước Tết. Tổ chức khu vực khai báo y tế, bố trí các bàn đặt nước sát khuẩn, phát khẩu trang, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Đồng thời có sự điều tiết số lượng người dân, du khách để đam bảo giãn cách an toàn.
Tại Thanh Hóa: Công tác phòng dịch đều được thực hiện nghiêm túc. Ngoài việc nhắc nhở quy định phòng dịch trên hệ thống loa truyền thanh; các đền, chùa đã bố trí đội tình nguyện viên ở cổng và khuôn viên chùa để kịp thời nhắc người dân và phật tử nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi vào chùa.
VŨ THỦY
Triển khai quy trình tiêm vaccine chặt chẽ, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất