(LSO) - Vụ án Robert Chaillard cùng đồng bọn can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” và “Xâm phạm mồ mả hài cốt” đã kết thúc điều tra và truy tố trước TAND TP. Hồ Chí Minh. Lợi dụng chính sách nhân đạo trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, Robert Chaillard đã tung nhiều tin đồn và tự đứng ra thu gom hài cốt, kéo theo nhiều người cả tin đến mức tiền mất tật mang. Chính từ Robert Chaillard, tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đã hình thành 6 nhóm thu gom hài cốt lính Mỹ, trong đó phải kể đến nhóm Nguyễn Bạch Nhạn đã hai lần ra trước vành móng ngựa... Bọn chúng còn dựng lên cả các hồ sơ về người Mỹ mất tích còn sống, thuê người đóng giả lính Mỹ, gây rối ren cho chương trình hợp tác POW/MIA giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ. 742 bộ hài cốt thu của Robert và 6 nhóm nói trên khi được giám định đều là hài cốt của người châu Á da vàng, không có một bộ hài cốt nào của lính Mỹ cả.
Câu chuyện dưới đây chỉ là một phần nhỏ trong vụ án này.
Kỳ 1: Thỏa thuận trên những bộ hài cốt
Tin đồn về ông Robert (tức Hai Robert) nhận thu gom hài cốt Mỹ, ai đem nộp cho chính phủ Việt Nam thì sau này sẽ được Chính phủ Mỹ thưởng nhiều tiền lan rộng khắp nơi. Xung quanh căn nhà ở đường Điện Biên Phủ quận 3 nơi ông Robert cư ngụ lúc nào cũng có người vào ra, mang theo lỉnh kỉnh hòm xẻng...
Một ngày cuối tháng 3/1989, một người đàn ông khoảng trên 50 tuổi đi cùng 3 thanh niên bước vào căn nhà nói trên vào khoảng chập tối, mang theo 5 thùng carton. Sau khi giới thiệu tên là Trần Đình Hoàng, nhà ở xã Linh Trung, huyện Thủ Đức, ông ta đang ngồi nói chuyện với Hai Robert.
Trên 70 tuổi nhưng ông Hai Robert dáng vẻ còn khỏe mạnh, nói năng lưu loát. Ông ta nói chỉ cần đem nộp hài cốt có kèm theo thẻ bài lính Mỹ, và thu lệ phí từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (tương đương 1 đến 2 chỉ vàng thời đó) sẽ được thưởng và được phép xuất cảnh sang Mỹ... Buổi đầu gặp, Hoàng còn biết thêm Hai Robert là dân “Tây” quen biết nhiều lắm, nên chỉ tuần sau, Hoàng dẫn cô cháu tên Gái đến nhà Hai Robert một lần nữa...
Cô gái trông tiều tụy, ngồi khúm núm ở góc nhà. Phía dưới hầm tầng trệt, nhiều người đang lúi húi đóng gói thùng...
- Ông Hai ạ, tôi có đứa cháu con ông Đội Pháo, chắc ông còn nhớ? Hoàn cảnh thật đáng thương, ông Đội Pháo đang bệnh nặng, muốn nhờ ông giúp đỡ...
Ông Hai Robert nhìn thăm dò như chưa hiểu ý:
- Vậy đây là con ông Đội Pháo hả? Có chuyện gì không?
Hoàng tiếp lời :
- Nghe nói ông quen lãnh sự quán, nhờ ông hỏi giùm xem xin truy lĩnh tiền hưu trí từ sau giải phóng đến nay của cha nó.
Cô gái cố gắng không để nước mắt chảy dài trên má, quệt ngang một cái, tiến đến gần ông Hai Robert:
- Xin ông giúp con. Ba con bệnh nặng sắp chết, không tiền thuốc thang gia đình không còn ai cả...
- Việc này có thể được, nhưng cũng phải tốn kém công sức - Hai Robert nói lấp lửng...
Cô gái như van lạy:
- Ông giúp con, mọi sự con xin hậu tạ...
- Thôi được, chú Hoàng về làm cho nó tờ đơn đưa ra chính quyền địa phương, xác nhận là từ sau giải phóng đến nay cam kết chưa lãnh tiền, rồi kèm thêm một chút chi phí tôi sẽ giúp cho.
Cô gái cả mừng, vội đứng dậy xin cáo lui ra về, riêng Trần Đình Hoàng nán lại, lân la hỏi chuyện:
- Vậy ông Hai thu gom hài cốt người ta mang đến hiện được bao nhiêu?
- Nếu không có vụ ông Nhạn bị bắt trong đó có 50 bộ hài cốt của tôi thì bây giờ cũng khá. Hiện tôi còn chỉ hơn 50 bộ nữa, chú có muốn xem không?
- Ấy chết, tôi hỏi là hỏi thế thôi! Nhưng mà ông Hai không sợ sao? Nhỡ chính quyền địa phương biết thì...
Hai Robert khoát tay tỏ ý bất cần:
- Tôi là dân Tây, chú đừng lo. Mọi việc có sứ quán lo liệu. Nếu ai làm khó dễ, tôi “bay” về Pháp là xong... Này, chú hỏi thế có ý gì hả?
Trần Đình Hoàng gãi tai phân trần:
- Tôi cứ nghĩ chuyện hài cốt này nên khai báo với chính quyền Việt Nam, chứ lãnh sự quán Pháp liên quan gì ở đây hả ông Hai? Tôi có quen biết nhiều bên lãnh đạo Trung ương...
- Ờ, chuyện này rồi cũng phải tính. Để tôi trao đổi lại với các ông Đặng Minh Triều và Võ Thanh Thương, có gì tính sau...
Hơn nửa tháng sau, theo hẹn, Trần Đình Hoàng mang theo cô cháu con ông Đội Pháo đến nhà ông Hai Robert để bổ sung đơn xin lãnh tiền hưu, không quên kèm theo 5 chỉ vàng để ông Hai “chi phí”. Lần này, nhà ông Hai Robert dễ đến 10 người khách. Đi lên lầu, thấy một người đàn bà đã đứng tuổi, ngồi đánh máy trên bàn, xung quanh la liệt giấy tờ hồ sơ. Bên cạnh có ba người đọc để đánh máy. Ông Hai Robert giới thiệu ông Chín Thương và Tư Triều đang ngồi ở bàn.
- Chú đăng ký mấy bộ hài cốt? Chín Thương hỏi Hoàng.
- Cũng ít thôi, đó là của mấy đứa cháu ngoài quê đưa vào nhờ tôi xem giùm, chúng đòi bán nhưng tôi không cho...
- Thế nhà chú ở đâu? Tư Triều tham gia câu chuyện.
- Tôi ở gần nhà máy dệt Việt Thắng - Thủ Đức.
- Chú có biết bà đang ngồi trên bàn đánh máy kia không?
- Dạ, không biết...
- Ở sát nhà chú mà không biết hả? Bà Hiền đó...
- Tôi không rành hàng xóm vì lo đi làm ăn, sáng đi chiều về phụ vợ con, còn đâu mà quan hệ...
Tư Triều nói:
- Nhà bà này ở dốc nhà thờ Thủ Đức. Thôi lúc nào chú rảnh mời đến tôi chơi. Chỗ tôi cũng nhiều hài cốt lắm, thứ “xịn” không hà! Tôi nghe nói chú khuyên nên khai báo với chính quyền Việt Nam phải không? Bộ chú muốn chúng tôi mất của như ông Nhạn hử?
Nói vậy thôi chứ ít bữa sau, khi Trần Đình Hoàng đến, cả bộ ba gồm Hai Robert, Chín Thương và Tư Triều đang lúi húi làm đơn gọi là báo cáo cho chính quyền Việt Nam biết họ đang cất giữ rất nhiều hài cốt lính Mỹ. Trần Đình Hoàng quên béng việc lo xin tiền hưu trí cho ông Đội Pháo, nhảy vào tham gia việc “báo cáo” này.
Hoàng tự nhận là Đại tá an ninh quân đội, được Hai Robert giới thiệu với các nhóm thu gom hài cốt. Nhân một buổi đi dự đám cưới của con một người bạn, Hoàng làm quen được với bà Cao Thị Quỳnh Liên là Trung tá quân đội đã nghỉ hưu ngụ tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận... Nghe nói bà này trước làm y sĩ cho một vị chỉ huy trong quân đội, quen biết nhiều. Khi biết việc này, bà Liên được Hoàng giới thiệu với nhóm của Hai Robert, nhận cùng Hoàng lo việc liên hệ các cơ quan chức năng để giao nộp hài cốt.
Trần Đình Hoàng cùng bà Liên nhiều lần đi Hà Nội liên hệ Bộ quốc phòng nộp danh sách hài cốt, tờ trình cùng băng video, nhưng nào ngờ Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án tàng trữ hài cốt. Các nhóm của Hai Robert nghe chuyện, hoảng quá lại nhờ Hoàng và bà Liên ra Hà Nội “lo” sao để đừng bị khởi tố. Bất đắc dĩ, Đăng Thanh Triều và Nguyễn Thị Thanh Hiền đại diện cho 6 nhóm thu gom giao cho Hoàng 15,9 triệu đồng và 15 chỉ vàng, Hai Robert giao 39 chỉ vàng. Sau này theo lời Trần Đình Hoàng khai nhận thì số tiền trên được chi phí đi Hà Nội hết 10 triệu, đưa bà Liên 44 chỉ vàng và 2 triệu chi phí. Hoàng giữ tiêu xài cá nhân 3,9 triệu và 1 lượng vàng... Trong chuyện thu gom hài cốt này, Hai Robert đặt điều kiện là nếu ai không có hài cốt mà muốn đi xuất cảnh thì phải đóng 5 chỉ vàng/người. Chỉ riêng 4 người mà Hai Robert “lừa phỉnh” nhận là 4,9 lượng vàng. Hai Robert mới trả lại được cho bà Kim 2 lượng...
Tự lúc nào không biết, Trần Đình Hoàng trở thành cộng tác đắc lực cho Hai Robert, đến mức trở thành như người trong nhà. Một bữa, nhân đến dự đám giỗ tại nhà Hai Robert, bỗng nhiên ông Hai Robert nổi hứng ôm hôn Hoàng trước bàn thờ ông bà, nói to cho cả gần 20 quan khách:
- Gia đình tôi mang ơn chú Hoàng suốt đời, không lấy gì trả nổi. Ơn này tôi nói trước bàn thờ cha mẹ tôi và các bạn làm chứng...
Mọi người chưng hửng không biết tại làm sao bữa nay ông Hai Robert lại nói năng kỳ lạ vậy? Khi tan tiệc, ngồi vào bàn uống nước, mọi người mới nghe Trần Đình Hoàng kể lại:
- Ồ, chuyện cũng chẳng có gì, cách đây nửa tháng, vào lúc 6 giờ chiều, trời đổ mưa lớn lắm, tự nhiên ông Hai lên nhà tôi, mặc cả áo mưa bước vào nhà. Sau khi làm ly rượu cho ấm, ông Hai nói có thằng Đức chuyên đi xe mô tô 300 phân khối đòi ném lựu đạn vào nhà, đe dọa sẽ bắt cóc con gái ông Hai là Michell... Số là có mấy thùng hài cốt của cháu Đàn, đã ghi chủ quyền cho chị của Đức, lại bị chú Sáu Xê lên bắt ghi lại tên Đàn. Tôi nói vậy thì ông Hai có lỗi rồi, thằng Đức nóng lòng mất của nên đòi làm bậy... Tôi hứa sẽ nói chuyện này với Đức rồi cầm 50.000 đồng buổi sáng hôm sau dẫn Đức đi uống café. Đức phân trần là “hàng” của chị bên vợ, đã đóng tiền “bác Hai” đầy đủ, chuyện xảy ra nó làm sao phân trần với gia đình? Tôi nói là ông Hai hứa sẽ ghi tên số thùng đó cho chị vợ Đức. Sau buổi đó, Đức vui vẻ trở lại, không xảy ra chuyện gì cả...
Đang hào hứng kể, Hoàng không biết Hai Robert đứng bên cạnh từ lúc nào, kéo ghế ngồi xuống, hể hả nói trong hơi men:
- Tôi thề rằng không bao giờ quên ơn chú em. Nếu sau này lãnh thưởng như họ đã hứa thì chú em sẽ được một phần...
Hoàng giả bộ hỏi:
- Vậy anh nói cho em một phần là bao nhiêu?
- Thì cũng không dưới 1 triệu đô la!
- Ôi dào, chuyện hứa hão, vậy ông Hai thề đi!
Nghe chừng câu chuyện rôm rả, cả hai ông Chín Thương và Tư Triều phụ họa theo, thề thốt giữ lời hứa, có cả bao nhiêu người làm chứng... Hoàng nghe vậy không khỏi phì cười:
- Thôi xin ba ông anh! Các ông anh có nhớ rằng trước bàn thờ Chúa, Phật các ông anh đã thề trong lễ cưới là sẽ chung thủy với vợ con. Vậy tôi thử hỏi có anh nào chung thủy chưa? Ví dụ anh Hai đây, ở khắp địa cầu đã có 8 bà, hai mấy đứa con. Ông Chín Thương đây “chính” hai bà, còn “phụ” là bao nhiêu hả ông Chín? Ông Tư Triều “chính” 3 bà, với ba dòng con, còn “phụ” mấy ai biết? Trước giải phóng anh Hai làm Phòng nhì Pháp, anh Chín đi “Phượng Hoàng”, quyền thế ẩn nên tiền bạc ẩn. Còn anh Tư Triều thì là quan cận thần của tướng Khang - Tư lệnh thủy quân lục chiến...
Nói đến đây, ông Hai Robert bật cười ha hả, còn ông Chín Thương và Tư Triều tỏ ý khó chịu và đánh lảng qua câu chuyện khác...
Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Những quả lừa từ hội chứng POW/MIA (Kỳ 2): Nới rộng phạm vi “dịch vụ” sẽ được đăng tải vào ngày 22/7/2020).
PHONG LINH