/ Góc nhìn
/ Những quyết sách kịp thời, nhân văn để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’

Những quyết sách kịp thời, nhân văn để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’

31/07/2021 15:47 |

(LSVN) – Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những quyết sách không chỉ phù hợp với tình hình thực tế mà còn thể hiện rõ tính nhân văn, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỉ được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Ngay sau đó, đến ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Quyết định này quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục để người lao động và người sử dụng lao động nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP.

Với các nguyên tắc được nêu rõ trong Nghị quyết 68 như bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương (tỉnh, thành phố). Sau gần 1 tháng triển khai, các địa phương trên cả nước đã và đang ban hành văn bản cụ thể để thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo đặc thù của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn; căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Đặc biệt như tại TP. HCM, chỉ sau hơn nửa tháng triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, 100% lao động tự do (tương ứng với 284.465 người) đã được hỗ trợ, với số tiền 426 tỉ đồng. TP. HCM cũng đang thống kê lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết số 09 của HĐND TP. HCM, gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo,… Sau khi có thống kê từ các quận, huyện và TP. Thủ Đức, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất Thành phố bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Tại Hà Nội, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đến cuối ngày 29/7, toàn thành phố đã hỗ trợ tổng số hơn 54 tỉ đồng cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Có thể nói, những quyết sách trên của Chính phủ và các địa phương như một “cánh cửa” mở ra đúng thời lúc, đúng thời điểm, có tác dụng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước đại dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã phải đương đầu với đợt dịch Covid lần thứ ba và lần thứ tư diễn ra liên tiếp. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 và đang tiếp tục có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của cả các doanh nghiệp và người dân. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Nghị quyết 68 đã mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ so với Nghị quyết 42 trước đây, cụ thể với 12 chính sách hỗ trợ. Điều này thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Hình ảnh hàng trăm lao động tự do tại các tỉnh nhờ có hỗ trợ đã giúp họ có thêm nghị lực để bắt tay cùng nhau vượt qua khó khăn; hay những bà bán vé số, cô bán hàng rong nhận tiền hỗ trợ mà ánh mắt toát lên niềm vui sướng, đến những doanh nghiệp tưởng chừng như không thể tiếp tục hoạt động vì quá khó khăn nhưng với các chính sách vay vốn, hỗ trợ kịp thời như tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua đại dịch. Quả thật, các quyết sách này vô cùng kịp thời, đúng lúc, thể hiện sự nhân văn của một chính phủ kiến tạo, vì dân, đúng là "cách cho hơn của đem cho". Nó không chỉ mang giá trị vật chất mà còn mang đậm giá trị tinh thần, tiếp sức cho người dân trước những khó khăn của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì việc đưa những quyết sách này vào thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, là khâu quyết định, là thước đo sự thành công của một quyết sách. Hy vọng rằng, từ những kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện Nghị quyết 42 trước đây, các cấp, các ngành sẽ nhanh chóng tiếp tục thực hiện, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

THANH THANH

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày

Lê Minh Hoàng