(LSVN) - Trong giải quyết vụ án hành chính nói chung, đặc biệt các vụ án hành chính liên quan đến đất đai, việc xác định đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện và thành phần tham gia tố tụng luôn là những vấn đề phức tạp, do đó, sai sót của các tòa án về vấn đề này khá thường xuyên.
Về đối tượng khởi kiện
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Thực tiễn xét xử các vụ án hành chính cho thấy: quyết định hình chính bị kiện rất đa dạng cả về hình thức và nội dung, ngoài các quyết định hình chính như: quyết định thu hồi đất; quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định giải quyết khiếu nại… còn có thông báo, công văn, giấy báo liên quan đến các quyết định hành chính.
Nội dung của văn bản cũng rất đa dạng, như: việc khiếu nại đã hết thời hiệu khiếu nại, đã được giải quyết đúng pháp luật, nên ủy ban nhân dân không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại nữa; hoặc có trường hợp thông báo thời gian đo vẽ, xác định ra giới, cắm mốc giao đất theo quyết định của ủy ban nhân dân. Cùng một sự kiện pháp lý, một quan hệ khiếu kiện, nhưng cơ quan hành chính ban hành rất nhiều văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Để xác định văn bản hành chính nào là đối tượng khởi kiện, thẩm phán cần nắm vững, hiểu đúng nội dung các quy định tại Điều 3 và Điều 30 Luật Tố tụng hành chính, đồng thời căn cứ vào hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại phiên giải đáp trực tuyến ngày 18/5/2020 để xác định chính xác văn bản hành chính là đối tượng khởi kiện.
Trong trường hợp tòa án xác định văn bản hành chính bị kiện không tồn tại dưới hình thức quyết định hành chính nhưng được coi là quyết định hành chính và là đối tượng khởi kiện, thì tòa án phải nhận định rõ trong bản án lý do văn bản hành chính được coi là đối tượng khởi kiện.
Ví dụ: Bản án hành chính sơ thẩm số 360/2017/HC-ST ngày 31/3/2017 của Tòa án nhân dân thành phố H. xét xử vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Hồng M. với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H.M. Gia đình bà M. và gia đình ông B. tranh chấp đất đai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H.M., Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố H. đã ra các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và các quyết định giải quyết khiếu nại của các bên. Sau đó, ngày 21/02/2012, Thanh tra xây dựng huyện H.M ra Thông báo số 04/TB-TTXD có nội dung thông báo ngày, giờ đo vẽ hiện trạng và cắm ranh giới đất để thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. |
Như vậy, Thông báo số 04/TB-TTXD là văn bản hành chính trong quá trình triển khai thi hành quyết định hành chính, không chứa đựng nội dung của quyết định hành chính và không làm phát sinh, thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên nên không thể coi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án nhân dân thành phố H xác định Thông báo số 04/TB-TTXD nêu trên là đối tượng khởi kiện là không đúng. Khi tiến hành việc đo vẽ, cắm mốc đất, nếu có căn cứ cho rằng việc đo vẽ, cắm mốc không đúng, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, thì các đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính về hành vi đo vẽ, cắm mốc đất của thanh tra xây dựng. Vấn đề này, đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải đáp ngày 18/5/2020 và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết luận ngày 04/8/2020.
Về thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là vấn đề khá phức tạp và hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau. So với Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010, thì Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định mở rộng phạm vi thời hiệu đối với trường hợp người khởi kiện đã khiếu nại theo thủ tục giải quyết khiếu nại. Khi khiếu nại không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, người khởi kiện mới khởi kiện vụ án tại tòa án. Trường hợp này, thời hiệu khởi kiện tính từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại hoặc kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại.
Như phần trên đã nêu, quyết định hành chính tồn tại dưới nhiều hình thức văn bản khác nhau. Việc xác định văn bản hành chính nào là đối tượng khởi kiện có liên quan trực tiếp đến vấn đề thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền của tòa án. Trường hợp quyết định hành chính bị khiếu nại đã hết thời hiệu khởi kiện, nhưng văn bản trả lời của ủy ban nhân dân được coi là quyết định hành chính, là đối tượng khởi kiện và còn trong thời hiệu khởi kiện, thì tòa án phải xem xét tất cả các quyết định hành chính có liên quan đến quan hệ khiếu kiện.
Về thành phần và tư cách tham gia tố tụng
Thành phần tham gia tố tụng trong vụ án hành chính đã được quy định tương đối đầy đủ tại Chương IV, từ Điều 53 đến Điều 64 Luật Tố tụng hành chính. Việc xác định thành phần và tư cách tham gia tố tụng trong một vụ án còn tùy thuộc vào quan hệ tố tụng trong từng vụ án cụ thể. Thực tiễn xét xử các vụ án hành chính cho thấy, các sai sót liên quan đến việc xác định tư cách tham gia tố tụng thường thuộc trường hợp xác định không đầy đủ người tham gia tố tụng, xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đây là sai sót xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, trong đó có Tòa án nhân dân thành phố H.
Ví dụ 1: Vụ ông Trần Ngọc Sơn kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố H. (Bản án sơ thẩm số 683/2016/HC-ST ngày 30/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H.). |
Vụ án này có nội dung khiếu kiện liên quan đến nhà đất tại số 438/14 Lê Hồng Phong, phường 1, quận I. Nội dung vụ án có nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc, như: việc giải quyết hậu quả của việc bán nhà theo Nghị định 61/CP; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho bà X. Nhưng về tố tụng, thì có đủ cơ sở để kết luận đây là sai sót nghiêm trọng, cần rút kinh nghiệm, cụ thể là: người khởi kiện đã khởi kiện đối với 03 quyết định hành chính, gồm Quyết định số 10324/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân quận 10, Quyết định giải quyết khiếu nại số 1564/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 10 và Quyết định số 554/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố H.
Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố H. là người bị kiện; còn Ủy ban nhân dân quận 10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 10 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời trong phần quyết định của bản án sơ thẩm, tòa án cũng tuyên hủy Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố H. Trong vụ án này, tòa án phải xác định Ủy ban nhân dân quận 10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 10 và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố H. là người bị kiện. Trong phần quyết định của bản án, tòa án phải tuyên hủy cả 03 quyết định hành chính, nếu cả 03 quyết định này trái pháp luật hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người bị kiện đối với các quyết định hành chính nêu trên.
Ví dụ 2: Vụ ông Hoàng Văn Thông kiện Ủy ban nhân dân thành phố H., liên quan đến nhà đất tại 12/7 đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận T.Đ. (Bản án sơ thẩm số 1155/2014/HC-ST ngày 22/5/2014 của Tòa án nhân dân thành phố H.). |
Nhà đất này có nguồn gốc là của cụ Trần Thoại L. thuê của nhà thờ họ T.Đ. trước năm 1975. Cụ L. có 08 người con, trong đó có bà Nguyễn Thị H. và ông Nguyễn Ngọc T. Năm 1984, cụ L. chết; bà H. (có chồng là ông Võ Văn H., đã chết năm 1997) lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, và đã được Ủy ban nhân dân thành phố H. cấp giấy chứng nhận năm 2000 cho bà H. và ông H. (đã chết). Tháng 8/2005, bà H. lập hợp đồng tặng cho vợ chồng con trai là Võ Hoàng T. và vợ là Lê Thị Kim L. nhà đất nói trên. Anh T., chị L. đã thực hiện việc đăng ký biến động nhà đất.
Năm 2011, ông T. (là con cụ L. và em bà H.) có đơn khiếu nại việc Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy chứng nhận cho vợ chồng bà H. Ủy ban nhân dân thành phố H. đã tiến hành việc thanh tra và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận; tòa án đã thụ lý, giải quyết vụ án, nhưng không đưa ông Nguyễn Ngọc T. tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trên đây là một số sai sót về tố tụng mà các thẩm phán thường mắc phải trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính liên quan tới đất đai trong thời gian vừa qua. Người viết tập hợp, tổng kết lại để chúng ta cùng bàn luận, nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu, tranh tụng và tiến hành tố tụng tại tòa án được tốt hơn.
ThS. CHU HẢI ĐĂNG Thẩm tra viên chính, TAND Tối cao |