(LSO) - Phiên tòa giám đốc thẩm được mở theo kháng nghị của VKSND tối cao. Hầu như toàn bộ quan điểm của VKS nêu trong kháng nghị đều trùng khớp với những nhận định của luật sư.
Ngày 22/11/2019, Viện KSND tốicao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7, với nội dung đềnghị hủy toàn bộ hai bản án kết tội Hồ Duy Hải, điều tra lại vụ án.
Theo Viện KSND tối cao, bảnán sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiếtkhách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiềunội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Trước đó, tại cả hai phiêntòa sơ thẩm và phúc thẩm Hồ Duy Hải đều kêu oan, không thừa nhận mình là ngườiđã thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết - thể hiện trong bản án sơthẩm và biên bản phiên tòa phúc thẩm. Trong lời nói sau cùng trước khi tòatuyên án phúc thẩm, Hồ Duy Hải đã nói “đề nghị xem xét lại vụ án này”.
Điều đáng nói, là toàn bộ nhữngnội dung và phân tích của Viện KSND tối cao nêu trong Quyết định kháng nghịhoàn toàn trùng khớp với nội dung nêu trong các đơn kêu oan của gia đình Hồ DuyHải trong suốt thời gian qua.
Luật sư Trần Hồng Phong,Đoàn Luật sư TP. HCM – người bảo vệ cho Hồ Duy Hải cho biết, để đi đến quyết địnhnhận làm đơn giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứusâu tài liệu suốt nhiều tháng. “Chúng tôi thống nhất rằng nếu hung thủ là Hảithì tại sao dấu vân tay không phải của Hải? Điều đó cho thấy có một người kháctại hiện trường gây án”, Luật sư Phong nói.
Trong quá trình điều tra,CQĐT đã giám định dấu vân tay của Hồ Duy Hải, so sánh với dấu vân tay của hungthủ thu giữ được tại hiện trường vụ án cho thấy không trùng khớp. Theo Luật sưPhong, đây chính là chứng cứ ngoại phạm cho thấy chắc chắn Hồ Duy Hải không phảilà hung thủ giết người.
“Cáo trạng quy kết Hồ Duy Hảilà hung thủ duy nhất giết người dựa trên ba điểm chính là: Dùng con dao tại bưuđiện; có nhân chứng Đinh Vũ Thường nhìn thấy và Hải nhận tội. Tuy nhiên, thực tếthể hiện hung khí đi mua ở chợ để minh họa, dấu vân tay thì của người khác,nhân chứng thì không khẳng định đó là Hải và bản thân Hải thì kêu oan. Như vậylà không đủ căn cứ để kết tội Hải, đó là những lý do khiến tôi kiên định cùnggia đình Hải đề nghị xem xét lại vụ án”, Luật sư Phong cho biết.
Trong bản cáo trạng viết:“nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện"tại thời điểm gây án. Với tình tiết này, cho thấy đây là nhân chứng có vai tròđặc biệt quan trọng trong việc xác định hung thủ là ai.
Thế nhưng khi xét xử, tòa ánđã không triệu tập nhân chứng này tham gia phiên tòa. Trong khi đó, biên bảnghi lời khai, nhân chứng Thường chỉ khai "nhìn thấy một thanh niên, vàkhông thể nhận diện được".
Về việc này, Luật sư Trần HồngPhong cho biết: “Việc đầu tiên là tôi tìm gặp nhân chứng Đinh Vũ Thường, theocáo trạng anh là nhân chứng duy nhất trong vụ án ‘nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưuđiện Cầu Voi lúc 19h39 tối 13/01/2008’ - sát giờ gây án. Thật bất ngờ, anh Thườngnói với tôi rằng cáo trạng ghi như vậy là không đúng sự thật. Anh Thường khôngquen biết Hải và cũng chỉ nhìn loáng thoáng vào ban đêm nên không thể nhận dạngđó là ai chứ đừng nói chính xác là Hải. Mặt khác biển số chiếc xe máy dựngngoài sân bưu điện anh Thường cũng không nhớ”.
Đặc biệt, anh Thường nóimình không hề được CQĐT mời nhận dạng, cũng như không được triệu tập tham gia cảhai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. “Những vấn đề này tôi đã nhờ anh Thường ghilại trong giấy xác nhận và tôi đã gửi cho TAND tối cao”, Luật sư Phong nói.
Luật sư Phong đánh giá, haicấp sơ thẩm và phúc thẩm không triệu tập anh Thường là nhân chứng duy nhất thamgia phiên tòa là vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng. Thiếu sót này ảnh hưởng đếntính khách quan và kết quả xét xử của tòa. Vì HĐXX và luật sư không thể thẩm vấnlàm rõ hàng loạt điểm mâu thuẫn, vô lý giữa cáo trạng và các biên bản lời khai.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Phong nhận định về khả năng có một nghi can khác trong vụ án này. Việc này được thể hiện qua khá nhiều tình tiết, trong đó quan trọng nhất là dấu vân tay thu được tại hiện trường không phải là của Hải. Như vậy tức là có một người khác đã cầm dao, tay dính máu và để lại dấu vân tay tại hiện trường. Người đó là ai và dấu vân tay đó của ai, đến nay vẫn chưa được làm rõ. “Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và xác minh, tôi thấy rằng bạn trai của nạn nhân là N. V. N. có nhiều tình tiết thể hiện đã có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra án mạng. Thế nhưng toàn bộ thông tin về người này lại bị rút khỏi hồ sơ vụ án”.
Về người yêu của hai nạnnhân thì tòa có mời nhưng mời không đủ và xác định là người liên quan chứ khôngphải nhân chứng. Hồ sơ thể hiện nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng có hai bạn trai làN. V. N. và N. M. S. Nhưng CQĐT rút hầu như toàn bộ thông tin về anh N. (chỉcòn một chữ N. trong một bản khai nhân chứng), coi như không có tên trong hồ sơvụ án. Còn anh S. thì chỉ mời nhận dạng về vài món đồ vật, nữ trang... chứkhông thấy thể hiện những nội dung về thời gian, hoạt động của những người nàytrong đêm xảy ra vụ án mạng. “Theo tôi, điều này là rất bất thường”. Luật sưPhong nhận định.
Từ đó, Luật sư Phong đã giúpgia đình Hồ Duy Hải làm đơn tố giác, theo hướng đề nghị CQĐT làm rõ sự có mặtvà liên quan của N. trong đêm xảy ra vụ án. Ngoài ra, cần kiểm tra xem dấu vântay của người này có trùng khớp với dấu vân tay thu giữ tại hiện trường haykhông.
Luật sư Phong cũng cho biết,qua nghiên cứu hồ sơ thấy vụ án này có nhiều dấu hiệu thể hiện điều tra viên vàkiểm sát viên cố ý chỉnh sửa lời khai, rút bớt tài liệu, kết luận giám định, códấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án... Chẳng hạn, việc không đưa kết luận giám địnhdấu vân tay vào cáo trạng, khi ra tòa kiểm sát viên nói rằng không giám định đượcdấu vân tay. Hoặc việc chỉnh sửa kích thước con dao, ghi thêm vào biên bản lờikhai của nhân chứng Thường...
Dự kiến, phiên xét xử giám đốcthẩm sẽ kéo dài 3 ngày, từ ngày 06 đến 08/5/2020 do Chánh án TAND tối cao NguyễnHòa Bình làm chủ tọa phiên tòa.
Ngoài ra, phiên xử giám đốcthẩm còn có các thành phần tham dự: Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Viện KSNDtối cao, TAND tối cao, Cơ quan tố tụng và TAND tỉnh Long An.
TAND tối cao đã mời Luật sư Trần Hồng Phong tham dự phiên tòa.
“Tôi thấy vui vì mình có cơ hội trình bày nội dung bào chữa cho Hải, bổ sung thông tin hoặc thậm chí là đưa ra ý kiến tranh luận khi được hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu. Tôi tự nhận thấy mình có trách nhiệm hoàn thành sứ mệnh của một Luật sư, góp phần bảo vệ pháp luật”, Luật sư Phong chia sẻ.
Vụ án tử tù Hồ Duy Hải phạm hai tội "Giết người" và "Cướp tài sản" kéo dài 13 năm qua với nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều. Năm 2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có quyết định không kháng nghị vụ án này. Nội dung vụ án được thể hiện năm 2007, Hồ Duy Hải quen biết với 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Sáng 14/01/2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Sau đó, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM đã tuyên tử hình bị cáo Hồ Duy Hải. Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ bị cáo Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con, đến tháng 10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải. Tuy nhiên ngay sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ. Tại quyết định kháng nghị mới nhất, Viện KSND tối cao nhận định bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; vụ án có nhiều nội dung cần chứng minh nhưng chưa được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Do đó, VKSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị đề nghị TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. |
LÊ HOÀNG