Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh những vấn đề sau:
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
- Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
- Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Vấn đề đầu tiên cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh là mặt khách quan và khách thể của tội phạm: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội.
Đây là những vấn đề cần chứng minh về mặt thực tế để khẳng định về sự xuất hiện của tội phạm. Việc chứng minh này có ý nghĩa đối với việc định tội danh đúng hành vi và suy cho cùng có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh: Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội. Việc chứng minh này xác định chủ thể của tội phạm, theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổ, bổ sung năm 2017) quy định về chủ thể của tội phạm bao gồm hai loại: cá nhân và pháp nhân thương mại.
Việc chứng minh trên có ý nghĩa khái quát các đặc điểm liên quan đến mặt chủ quan của tội phạm.
Thứ ba, vấn đề cần phải chứng minh là: Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 và 52 của Bộ luật Hình sự cùng với các đặc điểm nhân thân của người phạm tội (trong đó nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm riêng về mặt xã hội hoặc có ý nghĩa về mặt xã hội của người phạm tội) như: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, có án tích (tái phạm, tái phạm nguy hiểm...), trình độ văn hóa, hệ thống giá trị, thái độ... có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt đổi với bị cáo.
Thứ tư, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là một trong những vấn đề phải được chứng minh trong tiến trinh giải quyết vụ án hình sự. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự và tính chất nguy hiểm do hành vi của bị can, bị cáo gây ra. Đồng thời còn có ý nghĩa đối với việc xác định mức độ bồi thường thiệt hại cho bị hại.
Thứ năm, nguyên nhân và điều kiện phạm tội cùng với những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt là những vấn đề tuy không thuộc bản chất của vụ án, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm hình sự và hình phạt. Do đó, cần được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứng minh khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự.
Về nghĩa vụ chứng minh: Điều 15. Xác định sự thật của vụ án trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định:
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
VŨ THỦY