Thực tiễn pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

07/02/2021 08:47 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là phải bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện quyền. Được coi là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, quyền bào chữa cần được thực thi trong thực tế. Vấn đề này được đặt ra không chỉ nhằm cung cấp cho các chủ thể những yếu tố cần thiết để thực hiện quyền mà còn nhằm bảo đảm tính công bằng trong hệ thống tư pháp.

Bài viết này đi sâu phân tích thực tế việc thực hiện pháp luật về quyền bào chữa dựa trên Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 dưới góc tiếp cận của một trong những lý thuyết được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam phân loại việc thực hiện pháp luật thành bốn dạng thức:

i) Tuân thủ pháp luật;

ii) Chấp hành pháp luật;

iii) Sử dụng pháp luật;

iv) Áp dụng pháp luật.

Quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự được xem như một trong những quyền con người cơ bản nhất. Do vậy, việc thực hiện pháp luật về quyền bào chữa là yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong một nhà nước pháp quyền.

Khái niệm thực hiện pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự 

Thực hiện pháp luật thực chất là đưa các quy định của pháp luật vào đời sống thực tế, do vậy, thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Hành vi của chủ thể pháp luật có thể tồn tại dưới dạng hành động hoặc không hành động.

Ví dụ: Việc tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo là hành thực hiện pháp luật phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Để một quy phạm pháp luật hay một đạo luật có ý nghĩa thực tiễn, các chủ thể pháp luật thực hiện nó trong đời sống xã hội. Ví dụ: Các cá nhân, tổ chức liên quan khi thực hiện quy định tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự), có nghĩa là quy định này của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được thực thi trên thực tế.

Thực hiện pháp luật do nhiều chủ thể khác nhau tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Thực hiện pháp luật có thể do cá nhân, tổ chức hoặc pháp nhân,... tiến hành. Quy phạm pháp luật có nhiều loại khác nhau và ứng với mỗi loại quy phạm pháp luật đó thì chủ thể thực hiện pháp luật sẽ xác định xử sự cụ thể của mình, sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, có thể cho rằng khái niệm “thực hiện pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự” như sau: Thực hiện pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự  là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật về bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

Các hình thức thực hiện pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự 

Các quy phạm pháp luật rất phong phú, đa dạng nên cách thức thực hiện pháp luật cũng rất phong phú và đa dạng. Có nhiều cách để phân loại các hình thức thực hiện pháp luật. Giữa các hình thức thực hiện pháp luật luôn có sự liên kết, tác động qua lại lẫn nhau trong thực tiễn xã hội.

Hiện nay, theo lý luận được thừa nhận rộng rãi về thực hiện pháp luật, tiêu chí cơ bản để xác định hình thức thực hiện pháp luật là căn cứ vào cách thức thực hiện các quy định pháp luật: cấm; bắt buộc thực hiện nghĩa vụ; cho phép. Đây cũng là tiền đề để phân loại các hình thức thực hiện pháp luật: i) tuân thủ pháp luật; ii) chấp hành pháp luật; iii) sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật.

Tuân thủ pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự 

Tuân thủ pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế, không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Các quy phạm luật cấm được thực hiện ở hình thức này. Nói cách khác, các chủ thể không xâm phạm các điều cấm trong luật có nghĩa là đang tuân phủ quy phạm pháp luật mang tính chất ngăn cấm một hành vi cụ thể.

Đối với việc tuân thủ pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự trong tố tụng hình sự, Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 có quy định tại Điều 9 về một số điều mà luật sư không được làm. Ngày 13/12/2019 Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thay thế cho Bộ Quy tắc ban hành ngày 20/7/2011, trong đó có các quy định cụ thể về đạo đức và ứng xử của luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Việc tuân thủ pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự được thể hiện ở việc trong các vụ án cụ thể, luật sư không được phép vi phạm những điều cấm trên. Tuy nhiên, không chỉ riêng luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khác cũng phải tuân thủ pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự.

Chấp hành pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự 

Đây là hình thức thực hiện pháp luật mà trong đó, các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Trong hình thức này, các chủ thể chấp hành các nghĩa vụ bắt buộc mà luật quy định. Việc chấp hành pháp luật là nghĩa vụ đối với mọi cá nhân, tổ chức.

Cũng có định nghĩa khác về chấp hành pháp luật như sau: 

Thi hành (chấp hành) pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thế pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Các quy phạm pháp luật bắt buộc (các quy phạm quy định nghĩa vụ chủ thể phải tiến hành những hành vi tích cực nhất định) được thực hiện ở hình thức này.

Chấp hành pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự được thể hiện ở việc các cơ quan tiến hành tố tụng như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra chấp hành những quy định của pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ án hình sự. Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp tại Điều 14 như sau:
“... Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự khác trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Như vậy, nghĩa vụ của tòa án là bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự. Tòa án thực hiện chấp hành pháp luật bằng các hành vi tích cực như bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; tuyệt đối ngăn cấm mọi hành vi gây phương hại đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.

Ngoài ra, còn có quy định tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

Quy định này càng làm rõ hơn nghĩa vụ chấp hành pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.

Sử dụng pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự 

Sử dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền, tự do pháp lý của mình (những hành vi mà pháp luật cho phép chủ thể tiến hành). Các quy phạm pháp luật quy định về quyền và tự do pháp lý của các tổ chức, cá nhân được thực hiện ở hình thức này. Vì đây là quyền tự do pháp lý của mỗi chủ thể nên chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện tùy theo ý chí của mình.

Mặc dù sử dụng pháp luật không phải là hình thức thực hiện pháp luật mang tính chất bắt buộc, nhưng nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm những điều kiện cần thiết để các cá nhân sử dụng pháp luật một cách đúng pháp luật, góp phần bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, phát hiện, ngăn ngừa vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và của các cá nhân. Đồng thời, nhà nước và xã hội cần thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật để nâng cao tính tích cực pháp luật của công dân về sử dụng các quyền đã được hiến pháp và luật quy định một cách hợp pháp, có văn hóa pháp luật .

Sử dụng pháp luật về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự được thể hiện như sau:

Trong quá trình người bào chữa tiến hành bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự, người bào chữa có những quyền sau được quy định tại khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;

b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;

m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

o) Kháng cáo bản án, quyết định của tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhằm phục vụ quá trình làm sáng tỏ vụ án cũng như bảo vệ một cách có hiệu quả nhất cho thân chủ của mình, người bào chữa có thể sử dụng những quyền trên. Nhưng tùy vào từng trường hợp cụ thể, xét thấy cần thiết hoặc không cần thiết, người bào chữa có thể không sử dụng quyền của mình mặc dù pháp luật cho phép người bào chữa được sử dụng quyền đó.

Phía ngược lại, các cơ quan tiến hành tố tụng (hoặc các cơ quan, đơn vị khác) phải tạo điều kiện tối đa để người bào chữa thực hiện quyền của mình.

Khoản 5 Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi. Đối với điều khoản này, ngoài việc cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi, các cơ quan này phải có nghĩa vụ thông báo, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội về quyền được bào chữa của họ. Điều này nhằm mục đích giúp người dưới 18 tuổi nói riêng và các trường hợp khác nói chung biết, hiểu được quyền của mình, từ đó sử dụng pháp luật một cách có hiệu quả.

Áp dụng pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự 

Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể.

Đối với các hình thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và sử dụng pháp luật, mọi chủ thể đều có thể tham gia thực hiện. Còn trong hình thức áp dụng pháp luật, bắt buộc phải có sự tham gia của nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền.

Những trường hợp cần thiết phải áp dụng pháp luật:

- Truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật;

- Khi xảy ra tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà các bên không tự giải quyết được;

- Khi quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước;

- Khi cơ quan nhà nước thấy cần phải kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia một số quan hệ pháp luật quan trọng hoặc nhà nước xác nhận sự tồn tại hay không tồn tại của một sự kiện thực tế nào đó.

Tựu trung

Quyền bào chữa là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định để người bị buộc tội,  đương sự có thể sử dụng nhằm bác bỏ toàn bộ hoặc một phần sự buộc tội của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với họ. Quyền này còn được thể hiện thông qua việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng.
 

Luật sư LÊ HỒNG LAM

Giám đốc Công ty Luật TNHH Lạc Việt

Các quy định về vấn đề đăng ký nhãn hiệu và thủ tục pháp lý