/ Luật sư - Bạn đọc
/ Những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn địa ốc Alibaba

Những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn địa ốc Alibaba

03/08/2021 08:45 |

(LSVN) - Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ra hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội, số người bị hại rất lớn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, đến ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Hậu quả không biết bao giờ mới có thể khắc phục được. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm đưa vụ án ra xét xử đảm bảo công bằng, công minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người bị hại.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, CEO Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992, Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 16 người khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cũng trong vụ án này, Công an TP. HCM đề nghị truy tố Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện, SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành), Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba Law Firm) về 2 tội "Rửa tiền" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Riêng kế toán trưởng Công ty Alibaba là Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, quê Quảng Ngãi) bị đề nghị truy tố tội "Rửa tiền".

Tất cả 23 bị can trong vụ án này đã cùng nhau thành lập các công ty bất động sản, lập ra 58 dự án "ma", sau đó quảng cáo rầm rộ bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho 3924 người, chiếm đoạt số tiền 2.373 tỉ đồng.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện cầm đầu đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ trước. Tuy nhiên do thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, sự nhẹ dạ cả tin và có cả lòng tham của nhiều nạn nhân nên các đối tượng này đã chiếm đoạt được số tiền lên tới 2.400 tỉ đồng của gần 4000 người bị hại.

Trong vụ án này cơ quan điều tra khởi tố các bị can về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có chế tài cao nhất là tù chung thân. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì với số tiền chiếm đoạt lên đến 2.400 tỉ đồng, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

Còn đối với các đối tượng thực hiện hành vi “rửa tiền” thì cũng sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật, mức hình phạt có thể tới 15 năm tù

“Rửa tiền” là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy. Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới. Hành vi rửa tiền có từ thời xa xưa trong các triều đình phong kiến khi các quan lại triều đình tham mưu được tài sản của nhà nước. Rửa tiền để che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội, là nguyên nhân thúc đẩy tội phạm tham nhũng phát triển. Những thập niên gần đây hoạt động này đã bùng nổ với toàn cầu hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc chuyển tiếp. Ở các nước phương tây, tội "Rửa tiền" đã được quy định trong luật hình sự từ rất lâu và xử lý thường xuyên để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng và đấu tranh với tội phạm về kinh tế.

Luật sư phân tích thêm, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội "Rửa tiền" có thể là tội phạm có tổ chức, tội phạm về chức vụ hoặc các tội phạm về kinh tế. Thông thường, người ta chia tội phạm rửa tiền làm ba nhóm:

- Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…).

- Những người tham nhũng.

- Những người muốn tránh thuế, nói chung là những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.

Nếu không thực hiện hành vi rửa tiền thì những đồng tiền, tài sản đó là tài sản bất hợp pháp, là tài sản do phạm tội mà có hay còn gọi là “tiền bẩn”. "Tiền bẩn" có thể từ các doanh nghiệp làm ăn công khai, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ nước này sang nước khác để tránh thuế. Có hai phương pháp để làm việc này. Một là khai gian giá trị những dịch vụ mà bản chất là hợp pháp. Hai là khai (như trong hóa đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc lập công ty ma). Trong các nguồn tiền cần rửa thì có lẽ nguồn kinh doanh là phản ánh tính toàn cầu hóa nhiều nhất, mà một trong những biểu hiện là việc khai man giá chuyển giao (transfer price) để tránh thuế của các công ty xuyên quốc gia.

Ba nhóm trên không hoàn toàn biệt lập: tham nhũng, rửa tiền và kinh doanh bất chính có nhiều chỗ giống nhau, cấu kết với nhau, và tiếp sức cho nhau. Hiện nay, hoạt động rửa tiền nhiều nhất là từ các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp, xuyên quốc gia, tội phạm về tham nhũng và các đối tượng phạm tội về kinh tế lớn. Hoạt động rửa tiền khiến cho việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung nhiều nội dung của tội "Rửa tiền" trong đó có mở rộng chủ thể là pháp nhân thương mại để làm cơ sở xử lý đối với các đối tượng che giấu tài sản do phạm tội mà có, hạn chế hành vi tẩu tán tài sản trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu, các tội phạm về kinh tế, chức vụ.

Theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể của tội "Rửa tiền" là cá nhân, là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã mở rộng phạm vi chủ thể, đó là ngoài cá nhân, thì pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này. Việc đưa thêm chủ thể là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng và cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có”.

Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ra hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội, số người bị hại rất lớn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, đến ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Hậu quả không biết bao giờ mới có thể khắc phục được. Vì vậy cơ quan chức năng cần sớm đưa vụ án ra xét xử đảm bảo công bằng, công minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người bị hại.

Đối với những bị can, bị cáo là người giúp sức, phạm tội lần đầu mà thành khẩn khai báo ăn năn hối cải thì cũng cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt để cho thấy sự khoan hồng của pháp luật.

Luật sư Cường đánh giá, vụ án này cũng sẽ là bài học cho nhiều người trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Số người nhẹ dạ cả tin có lẽ không nhiều mà phần nhiều là vì lòng tham, vì số lợi nhuận mà các đối tượng cam kết, đưa ra lớn nên nhiều người đã mờ mắt, phớt lờ cảnh báo của các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương cuối cùng trở thành bị hại, mất tài sản. Số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt lên đến 2.400 tỉ đồng, tuy nhiên số tiền mà cơ quan điều tra xác minh thu giữ có lẽ chỉ là một phần nhỏ, bởi vậy không phải bị hại nào cũng có cơ hội được nhận lại tài sản của mình. Đây là cái giá phải trả quá đắt cho nhiều người khi không tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án, không có kinh nghiệm đầu tư, vì lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố pháp lý.

HỒNG HẠNH

Người bị cách ly y tế cần thực hiện các thủ tục gì để nhận hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết 68

Lê Minh Hoàng