/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Những vướng mắc thường gặp trong thực tiễn hành nghề Luật sư

Những vướng mắc thường gặp trong thực tiễn hành nghề Luật sư

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Thực tiễn cho thấy, trong 8 quy tắc ứng xử giữa Luật sư với đồng nghiệp thì những vướng mắc thường gặp và phức tạp nhất là vấn đề liên quan đến xung đột về quan điểm xem xét và đánh giá vụ việc. Quan hệ giữa Luật sư với trưởng tổ chức hành nghề, giữa Luật sư thuộc hai tổ chức hành nghề khác nhau bảo vệ cho một khách hàng trong cùng một vụ việc... đều là những tình huống có thể xảy ra vướng mắc tranh chấp.

Ảnh minh họa.

1. Những vướng mắc thường gặp trong quan hệ Luật sư với khách hàng

Bản chất quan hệ của Luật sư với khách hàng là quan hệ pháp luật dân sự, được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận với sự tự nguyện của các bên. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành bao gồm 27 quy tắc đã quy định rất cụ thể, xác định tương đối rõ ràng các ranh giới xử sự của luật sư trong quan hệ với khách hàng từ việc nhận vụ việc của khách hàng, tính thù lao Luật sư đến thực hiện vụ việc của khách hàng, từ chối nhận vụ việc của khách hàng hoặc từ chối tiếp tục thực hiện dịch vụ, đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý, giải quyết xung đột lợi ích, giữ bí mật thông tin, tiếp nhận khiếu nại của khách hàng và thực hiện đúng quy định những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng.

Những vướng mắc trong quan hệ Luật sư với khách hàng trong thực tế thường gặp là vướng mắc về thù lao, các biểu hiện cụ thể như sau:

- Trường hợp giữa Luật sư và khách hàng thiết lập hợp đồng dịch vụ pháp lý lỏng lẻo, thiếu những điều khoản cụ thể cần thiết dẫn đến khó xác định một cách rành mạch, rõ nét quyền và nghĩa vụ của các bên.

- Trường hợp công việc đã hoàn tất, khách hàng không muốn thực hiện cam kết trong hợp đồng về nghĩa vụ thanh toán (nhất là vấn đề thưởng khi đạt được mục tiêu trong vụ việc dân sự, kinh tế).

- Trường hợp chấm dứt nửa chừng việc thực hiện hợp đồng.

- Trường hợp phải thay thế luật sư này bằng một luật sư khác trong cùng một tổ chức hành nghề đối với một vụ việc cụ thể.

- Trường hợp kết thúc vụ việc pháp lý nhưng kết quả không như mong muốn của khách hàng nhưng luật sư đã thực hiện hết những công việc cần thiết.

- Trường hợp xuất hiện những nhân tố mới phát sinh trong vụ việc...

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để ngăn chặn và giải quyết tốt các vướng mắc, tranh chấp hoặc khiếu kiện với khách hàng, Luật sư cần nắm vững kiến thức pháp luật, có kỹ năng hành nghề tốt và tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, nhất là các vấn đề cụ thể như sau:

Đàm phán và ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý

Đây là khâu rất quan trọng nhưng rất tiếc thời gian qua khá nhiều tổ chức hành nghề đã sơ xuất hoặc thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên đã phát sinh nhiều vướng mắc, tranh chấp với khách hàng.

Ngoài việc tuân thủ các nội dung cơ bản theo Điều 26 của Luật Luật sư, khi đàm phán và ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, cần phải lưu ý mô tả rõ ràng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của hai bên, dự kiến các tình huống có thể phát sinh cũng như các nguyên tắc, giải pháp cụ thể để có thể khắc phục, giải quyết tốt các tình huống đó.

Vấn đề nhiều khách hàng mời một luật sư

Trường hợp nhiều khách hàng mời một Luật sư trong một vụ việc tư vấn hoặc tranh tụng xảy ra không ít trong thực tiễn. Có trường hợp có vài chục, thậm chí hàng trăm khách hàng cùng mời một Luật sư tham gia tố tụng, ví dụ trong vụ án đòi tiền bồi thường thu hồi đất của các hộ dân trong phạm vi vài xã, hoặc những người bị hại trong một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một trường hợp đã xảy ra cách đây vài năm: một tổ chức hành nghề kết hợp với vài chủ thể khác (do tổ chức hành nghề đứng tên ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng) trong việc đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh trả hết phần tiền do thu hồi đất của nhiều hộ dân trong phạm vi một số xã, với tổng số tiền khoảng 18 tỷ đồng. Vấn đề này ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản khẳng định việc tỉnh giữ lại số tiền này là cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Số lượng hộ dân rất đông tới hàng trăm hộ, đã làm giấy ủy quyền cho một nhóm người đứng ra ký kết hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư, nội dung là tổ chức hành nghề được hưởng 50% giá trị đòi được. Sau đó, ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định trả lại số tiền này cho người dân. Khi các hộ dân nhận được tiền và trả cho tổ chức hành nghề được khoảng vài tỷ đồng thì trong cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh tuyên bố người dân đương nhiên được nhận số tiền này, luật sư không có vai trò gì, nên các hộ dân đã không tiếp tục trả tiền cho luật sư nữa. Khi đó cũng xuất hiện vướng mắc, không thống nhất giữa tổ chức hành nghề với vài chủ thể khác đã tham gia cùng giải quyết dịch vụ này. Vướng mắc và tranh chấp nhiều bên đã xảy ra.

Như vậy, để tránh tranh chấp xảy ra, phải thiết lập hợp đồng đầy đủ, rõ ràng. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu các chủ thể làm giấy ủy quyền cho người đại diện đúng theo quy định của pháp luật. Nếu không xác định rõ, có thể phát sinh tranh chấp khi những người này không thống nhất về quan điểm xem xét giải quyết vụ việc. Trường hợp một luật sư vì lý do khách quan không thể tham gia một thời điểm tố tụng nào đó hoặc trường hợp phải thay đổi luật sư này bằng một luật sư khác trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng đều là những vấn đề luật sư cần phải cân nhắc và thống nhất ngay từ khi đàm phán và ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng.

Giải quyết vướng mắc với khách hàng

Vướng mắc giữa luật sư với khách hàng phổ biến nhất là tranh chấp vấn đề thù lao. Bởi vậy, khi đàm phán và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư phải nêu rõ căn cứ và phương thức tính thù lao, đồng thời xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong một số tình huống cụ thể. Thực tiễn giải quyết tranh chấp của lĩnh vực này rất phong phú.

Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp: phải nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề tranh chấp, nội dung đã thỏa thuận giữa hai bên liên quan đến việc tranh chấp, nguyên nhân và bản chất của tranh chấp… từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Trên cơ sở giải pháp đó phải cân nhắc lựa chọn người thực hiện cũng như tiến trình giải quyết, cách thức giải quyết. Cần lưu ý nguyên tắc linh hoạt, mềm dẻo và thiện chí để tránh phát sinh phức tạp kéo dài.

2. Những vướng mắc thường gặp trong quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp

Quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp là những nghĩa vụ và ứng xử giữa Luật sư với Luật sư (các Luật sư trong cùng một tổ chức hành nghề, các Luật sư giữa các tổ chức hành nghề khác nhau), giữa Luật sư với tổ chức xã hội nghề nghiệp mà Luật sư là thành viên và giữa Luật sư với những người đang tập sự hành nghề Luật sư. Mỗi Luật sư phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự của giới luật sư, của đồng nghiệp như bảo vệ uy tín, danh dự của chính mình để nghề Luật sư thật sự trở thành một nghề được xã hội yêu quý và tôn vinh. Những vướng mắc trong quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp trong thực tế thường gặp là các vướng mắc về tinh thần, thái độ ứng xử trong quá trình hành nghề.

Thực tiễn cho thấy, trong 8 quy tắc ứng xử giữa Luật sư với đồng nghiệp thì những vướng mắc thường gặp và phức tạp nhất là vấn đề liên quan đến xung đột về quan điểm xem xét và đánh giá vụ việc. Quan hệ giữa Luật sư với trưởng tổ chức hành nghề, giữa Luật sư thuộc hai tổ chức hành nghề khác nhau bảo vệ cho một khách hàng trong cùng một vụ việc... đều là những tình huống có thể xảy ra vướng mắc tranh chấp. Ví dụ: Luật sư A và Luật sư B giả thiết cùng bảo vệ bị cáo trong phiên tòa hình sự sơ thẩm, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, đối chiếu quy định của pháp luật thì hai Luật sư lại đưa ra quan điểm ngược nhau trong việc giải quyết vụ án, như việc đưa ra hai tội danh khác nhau.

Mặt khác, khi hai Luật sư thuộc hai tổ chức hành nghề khác nhau nếu bảo vệ cho hai khách hàng có quyền lợi đối nghịch nhau trong cùng một vụ việc thì cần cẩn trọng trong giao tiếp. Trước khi Luật sư tiến hành gặp gỡ trao đổi với nhau cần phân tích rõ với khách hàng của mình về sự cần thiết cũng như mục tiêu, cách thức của quá trình gặp gỡ để khách hàng của mình hiểu và đồng thuận. Đôi khi hoạt động chính đáng này nếu thiếu cẩn trọng cũng có thể bị chính khách hàng của mình hoặc Luật sư đồng nghiệp hiểu lầm dẫn đến khiếu kiện phức tạp không cần thiết. Có trường hợp hai Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai khách hàng có quyền lợi đối nghịch nhau trong một tranh chấp dân sự; khi một trong hai Luật sư này chủ động đến chia sẻ một số biện pháp và cách thức giải quyết sự việc ở giai đoạn thi hành án với Luật sư kia nhằm sớm kết thúc vụ việc, đã phát sinh vướng mắc khiến người này làm đơn tố cáo người kia vi phạm pháp luật.

3. Những vướng mắc thường gặp trong quan hệ giữa Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng

Quan hệ giữa Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng là mối quan hệ do các quy định của pháp luật về tố tụng điều chỉnh. Khi tham gia tố tụng, Luật sư sẽ phải tiếp xúc, trao đổi với những người tiến hành tố tụng. Thực chất mối quan hệ này là mối quan hệ giữa Luật sư với những người có thẩm quyền của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, cụ thể là điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán. Mối quan hệ này thể hiện đặc thù vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau. Một mặt, các cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, tôn trọng nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong khuôn khổ pháp luật để cùng tìm ra sự thật của vụ án, để có được phán quyết chính xác đối với vụ án. Mặt khác, họ lại giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy đòi hỏi cả những người tiến hành tụng và Luật sư không chỉ biết áp dụng đúng các quy định của pháp luật mà còn phải có sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ trên nguyên tắc tuân thủ và thực hiện đúng pháp luật.

Trong quá trình hành nghề Luật sư, mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu tập trung vào các hành vi ứng xử sau:

- Luật sư tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục tham gia tố tụng, tham gia các buổi hỏi cung, tham gia những buổi làm việc giữa các bên trong khi giải quyết vụ án, tiến hành một số hoạt động, thao tác, kỹ năng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các giai đoạn tố tụng.

- Luật sư tham gia phiên tòa góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án trên cơ sở bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

- Luật sư ứng xử trong cuộc sống hàng ngày đảm bảo cho việc xử lý các quan hệ giữa luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng diễn ra một cách lành mạnh, chuẩn mực, không có hành động lôi kéo, làm trung gian, móc nối để làm trái pháp luật, lợi dụng các phương tiện truyền thông nhằm bôi xấu, xúc phạm, làm ảnh hưởng đến uy tiến của cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn cho thấy, trong các hành vi ứng xử giữa luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng thì những vướng mắc thường gặp và phức tạp nhất là vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ có tính chất đối trọng, giám sát lẫn nhau. Để giải quyết những vướng mắc này, luật sư phải biết vận dụng, ứng xử linh hoạt đúng đắn khi tham gia vào từng giai đoạn tố tụng, đưa ra được những đề xuất, kiện nghị một các chính xác và phù hợp. Một số vướng mắc, tranh chấp thường gặp như sau:

Cơ quan điều tra thông báo bị can từ chối Luật sư

Đây là vấn đề rất thường gặp mà đôi khi thông báo này không phản ánh đúng bản chất sự việc, thực chất bị can không từ chối luật sư. Vậy luật sư phải xử lý thế nào trong những trường hợp đó?

Một tình huống rất hay gặp và có khá nhiều vấn đề thú vị: một khách hàng ở địa bàn cách trụ sở công ty luật khá xa, khoảng hơn 600 km, đến mời Luật sư bảo vệ cho con gái (sinh năm 1973) là bị can đang bị tam giam gần một tháng về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với số tiền 17,5 tỷ đồng. Khách hàng đề nghị Luật sư khẩn trương tham gia vụ việc nên Luật sư đã giao các giấy tờ cần thiết (giấy giới thiệu, giấy mời Luật sư của gia đình bị can, photocopy thẻ Luật sư) để khách hàng chuyển trực tiếp cho cơ quan điều tra. Ngày hôm sau, khách hàng điện cho Luật sư là từ từ hãy vào vì cơ quan điều tra cho rằng vụ này không cần thiết phải có Luật sư tham gia. Khoảng 3 tuần sau, khách hàng lại gấp gáp điện thoại mời Luật sư vào vì nhận ra sự thật không giống như trước đây nhận định. Sau đó Luật sư từ sân bay cùng với khách hàng đến thẳng cơ quan điều tra để làm việc ngay. Điều tra viên cho biết bị can không nhất trí mời Luật sư. Thông thường Luật sư phải ra về và chuyến đi nhiều tốn kém đó không đạt được kết quả nào. Nhưng thực tế Luật sư sau đó đã được gặp bị can, được cấp giấy chứng nhận Luật sư và ít ngày sau bị can được tại ngoại, vài tháng sau bị can được đình chỉ điều tra.

Như vậy, nếu Luật sư nắm vững quy định của pháp luật, nghiên cứu kỹ thực trạng của vụ việc và qua đó phát hiện ra được những sai sót (nếu có) của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc sai sót của người tiến hành tố tụng, kết hợp với việc đối thoại và đấu tranh một cách khôn khéo, hợp lý thì vẫn có thể đạt được những kết quả tốt cho dù có gặp phải những khó khăn trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua được.

Điều tra viên, kiểm sát viên không hợp tác với Luật sư

Việc bất đồng quan điểm giữa luật sư tham gia tố tụng với điều tra viên, kiểm sát viên là bình thường. Khi tham gia tố tụng, giữa những chủ thể này đôi khi tranh luận nhau rất gay gắt, quyết liệt nhưng mỗi chủ thể đều là những người làm công tác pháp luật, thường phải tiếp xúc, thực hiện nhiều vụ việc khác nhau trong hoạt động tố tụng nên về cơ bản vẫn giống như những đồng nghiệp gần gũi của nhau. Tuy nhiên, do đặc thù của địa vị pháp lý, các chủ thể này thường phải phản biện, đối trọng nhau nên cũng dễ phát sinh những vướng mắc, tranh chấp, thậm chí cá biệt có cả những biểu hiện sai phạm.

Do vậy, Luật sư tham gia tố tụng vừa phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng, bảo vệ pháp chế và sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phải có nghĩa vụ phối hợp tốt với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng để phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ việc. Nếu không nắm vững pháp luật, thiếu cẩn trọng hoặc thiếu kỹ năng hành nghề rất dễ dẫn đến vướng mắc, tranh chấp, thậm chí gây bất lợi cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Kết luận

Thực tiễn luôn luôn là thước đo của chân lý. Mỗi sinh viên luật cũng như mỗi học viên trong các tổ chức đào tạo nghề Luật sư, bên cạnh việc nắm vững, củng cố kiến thức chuyên ngành luật rất cần có kiến thức thực tiễn về hoạt động và kỹ năng hành nghề Luật sư, đặc biệt là Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Khi nắm vững những kiến thức và kỹ năng này, giúp học viên sớm có định hướng nghề nghiệp cũng như xác định rõ những mục tiêu phải phấn đấu, những kỹ năng phải rèn luyện, những kiến thức phải trau dồi, đó chính là hành trang quan trọng cho hoạt động thực tiễn sau này.

Đối với mỗi Luật sư đã hành nghề, thông qua việc nhận diện đúng và đầy đủ các Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, tổng hợp những vấn đề vướng mắc thường gặp hoặc nổi cộm, nhất là qua một số ví dụ tình huống, luật sư có thêm kiến thức thực tiễn về hành nghề luật sư, qua đó tự suy ngẫm và đưa ra bài học kinh nghiệm cho mình trong hành nghề, trong các mối quan hệ cụ thể: luật sư với khách hàng, với đồng nghiệp, với cơ quan tiến hành tố tụng, với cơ quan nhà nước khác và với báo chí. Thông qua việc chia sẻ các nội dung kể trên, giúp cho mỗi Luật sư có thêm kinh nghiệm và kỹ năng phòng tránh những sự cố và cạm bẫy trong hành nghề Luật sư.

Như vậy, đào tào và bồi dưỡng kỹ năng hành nghề Luật sư là hoạt động rất quan trọng và cần thiết, nếu xác định đúng và có phương pháp phù hợp thì Việt Nam mới có thể có đội ngũ Luật sư đông về số lượng, đảm bảo về chất lượng và có khả năng tốt trong hội nhập quốc tế.

Ths.LS ĐÀO NGỌC LÝ

/nghia-vu-chiu-an-phi-dan-su-so-tham-trong-truong-hop-thuan-tinh-ly-hon.html