/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Nước Nga Bolshevik đã giúp hình thành Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại như thế nào?

Nước Nga Bolshevik đã giúp hình thành Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại như thế nào?

13/03/2021 23:52 |

(LSVN) - Mặc dù không cùng hệ tư tưởng, nước Nga Xô viết và nước Thổ Nhĩ Kỳ của Kemal đã tạm thời liên minh với nhau trong cuộc chiến chống kẻ thù chung.

Thế chiến I kết thúc bằng thảm họa cho Đế chế Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ). Đế chế này khi đó đã bị tước mất hầu hết lãnh thổ rộng lớn của mình trước đó, quân đội thì bị tước khí giới, còn thành phố Istanbul thì bị quân Đồng minh chiếm đóng.

Chân dung Mustafa Kemal – quốc phụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RBTH.

Do chính quyền của Quốc vương Mehmed VI sẵn sàng nhượng bộ Anh và Pháp, thực tế trở thành chính quyền bù nhìn cho các nước này, một trung tâm quyền lực mới đã hình thành bên trong đế chế cũ. Dưới sự lãnh đạo của tướng Mustafa Kemal (sau này được gọi là Atatürk có nghĩa là “Cha của người Turk”), phong trào giải phóng dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ dần vượt qua được sự thống trị của các cường quốc phương Tây và tránh được sự sụp đổ. Vào ngày 23/4/1920, những người theo Kemal đã lập được nghị viện riêng – Đại Quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ, ở Ankara.

Nhưng Atatürk khi đó không được ai công nhận và phải đối mặt với kẻ thù ở tứ bề. Do vậy ông ta rất cần một đồng minh. Và cuối cùng ông tìm được một đồng minh, cũng đang bị cô lập trên trường quốc tế khi ấy, đó chính là nước Nga Xô viết do đảng Bolshevik lãnh đạo.

Đồng minh tạm thời

Vào ngày 26/4/1920, Mustafa Kemal chính thức tiếp cận nhà lãnh đạo Xô viết Vladimir Lenin với đề xuất hai bên công nhận lẫn nhau, đồng thời xin Nga viện trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ. Và những người Bolshevik cầm quyền ở Nga khi đó đã phản ứng một cách hồ hởi.

Nước Nga XHCN lúc đó đang bị bao vây cô lập và bị nước ngoài can thiệp quân sự. Nội chiến vẫn diễn ra khốc liệt bên trong nước Nga. Trong bối cảnh ấy, đảng Bolshevik tính toán rằng nếu liên minh với phong trào dân tộc chủ nghĩa đang phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể có được một đồng minh chống lại khối Hiệp ước và củng cố biên giới phía nam của mình.

Viện trợ quân sự của Nga cho phe Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu gần như ngay sau khi Moscow và Ankara bắt liên lạc với nhau.

Trong thời kỳ từ năm 1920 đến 1922, nước Nga Xô viết đã gửi cho Atatürk gần 80 triệu lire (gấp đôi ngân sách bộ quốc phòng nước này), cung cấp cho phong trào Thổ 39.000 súng trường, 327 súng máy, 147.000 đạn pháo, máy móc và vật liệu thô để sản xuất đạn, cộng thêm 2 tàu khu trục Zhivoy và Zhutky. Dưới sự dìu dắt của các chuyên gia Liên Xô, hai nhà máy thuốc súng đã được xây ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào cuối năm 1921, lãnh tụ vô sản Lenin nói với đặc phái viên của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Semyon Aralov, như sau: “Chúng ta có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ về tài chính, mặc dù bản thân chúng ta cũng đang rất nghèo”.

Vào ngày 16/3/1921, ở Moscow, chính phủ Lenin và các đại diện của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được “Hiệp ước Hữu nghị và Huynh đệ” – thỏa thuận này giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa phe Kemal (Thổ Nhĩ Kỳ) và phe Bolshevik (Nga). Biên giới đông bắc của Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập khi đó vẫn không thay đổi cho tới tận ngày nay.

Viện trợ quân sự của Nga đóng một vai trò trọng yếu trong việc giúp quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại lực lượng của hai đối thủ chính của họ là Cộng hòa Dân chủ Armenia về phía đông và quân đội Hy Lạp về phía tây. Hy Lạp trước đó nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây đã chiếm phần phía tây của Tiểu Á.

Một nhóm chuyên gia Liên Xô dưới sự lãnh đạo của một trong các viên chỉ huy xuất sắc nhất của Hồng quân, Mikhail Frunze, đã tham gia vào cuộc tiến công thắng lợi chống lại quân đội Hy Lạp. Tượng tự, viên chỉ huy Semyon Aralov với nhiều kinh nghiệm tác chiến, đã chia sẻ với các sĩ quan của Atatürk kiến thức về chiến tranh du kích. Có lúc, thậm chí cả Nguyên soái tương lai của Liên Xô là Kliment Voroshilov đã đóng vai trò cố vấn cho Kemal.

Thắng lợi trên chiến trường dẫn tới thành công trong cuộc tranh chấp chính trị bên trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 1923, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố độc lập, với Mustafa Kemal Atatürk làm tổng thống đầu tiên của nhà nước này.

Bộ binh Hy Lạp trong cuộc chiến tranh Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ (1919-1922). Ảnh: Pulic domain.

Từ hữu nghị chuyển sang thù địch

Cả Moscow và Ankara đều hiểu rằng hợp tác giữa các nhân vật dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ và những người cộng sản Nga sẽ chỉ mang tính tạm thời. Thủ lĩnh Kemal thấy rõ sự khác biệt giữa một người Bolshevik và một đồng minh của phe Bolshevik. Đến lượt mình, khi đã đạt được mục đích, những bộ óc thực tiễn bên trong điện Kremlin ít thấy triển vọng Xô viết hóa Thổ Nhĩ Kỳ.

Mahmut Soydan, Tổng biên tập tờ báo Hâkimiyet-i Milliye (“Chủ quyền dân tộc”) của phái Kemal viết vào ngày 25/4/1921 như sau: “Những ai tin rằng tình hữu nghị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất thiết đồng nghĩa với việc lựa chọn hệ thống chính trị Bolshevik là không hiểu rõ về các vấn đề chính trị.... Sự thật là chúng ta chưa bao giờ nghe những lời như vậy từ những người bạn Nga của chúng ta, rằng vì chúng ta hữu nghị với nhau và gắn số phận chính trị với nhau thì các bạn phải chấp hệ thống chính quyền của chúng tôi”.

Chỉ thời gian ngắn sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ phe Nga để ủng hộ các đối thủ của Nga.

Vào năm 1923, Đảng Cộng sản bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung lực lượng quân sự lớn ở biên giới để sẵn sàng xâm lược vùng Kavkaz của Liên Xô nếu Hồng quân tan rã.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mustafa Kemal Atatürk đã không lãng quên sự giúp đỡ mà nước Nga Xô viết đã dành cho ông này vào lúc nguy nan. Do vậy, bên cạnh tượng “Cha già dân tộc Thổ” ở Đài tưởng niệm Cộng hòa dựng ở Istanbul vào năm 1928 có cả các bức tượng của Kliment Voroshilov và Semyon Aralov.

TRUNG HIẾU/VOV

Câu chuyện có thật về nữ điệp viên người Pháp gốc Do Thái

Nguyễn Lâm