(LSVN) - Theo quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hình thức xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ được cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh thông qua bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
Ảnh minh họa.
Triển khai quy định này, hiện nay rất nhiều địa phương đang triển khai việc bốc thăm hoặc sử dụng mền máy tính để xác minh, tài sản thu nhập, việc này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, việc này có tính chất "may, rủi" và bỏ sót người kê khai tài sản, thu nhập thuộc đối tượng phải xác minh.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc này dẫn đến tính không khách quan, công bằng trong việc lựa chọn đối tượng để xác minh tài sản, thu nhập.
Theo đó, việc xác minh tài sản, thu nhập chủ yếu thực hiện đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Theo quy định, hàng năm cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều phải thực hiện và nộp Bản kê khai tài sản thu nhập cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Nhưng việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ diễn ra khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức. Do việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập không được thực hiện thường xuyên nên không có cơ sở để đánh giá việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có trung thực hay không, dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập nhập chưa cao.
Việc bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập là phù hợp với quy định của pháp luật. Với tỷ lệ 10% cán bộ, công chức/cơ quan, đơn vị để tiến hành xác minh nhưng phải đảm bảo có ít nhất 01 người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, cần phải xác định nhóm đối tượng bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập để đảm bảo công bằng.
Ví vụ: Nhóm 1 là thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan, đơn vị; nhóm 2 là thủ trưởng, phó thủ trưởng cấp phòng thuộc cơ quan, đơn vị; nhóm 3 là cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Như vậy, trong tổng số 10 % cán bộ, công chức được bốc thăm để kê khai tài sản, thu nhập đều có các nhóm đối tượng thuộc diện phải xác minh tài sản, thu nhập, việc này sẽ khắc phục tình trạng bốc thăm rơi vào một nhóm đối tượng cụ thể.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả cán bộ, công chức lẫn người thân của họ. Cơ chế này phải kiểm soát được tình trạng kê khai tài sản không trung thực, phát hiện và xử lý các trường hợp tẩu tán tài sản hoặc chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình nhằm né tránh việc kê khai hoặc đảm bảo việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, để triển khai việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cần thiết phải xây dựng và ban hành quy định bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức để đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả. Đặc biệt, việc sử dụng và vận hành phần mềm máy tính phải đảm bảo chất lượng và không có sự can thiệp, tác động của con người để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện.
ĐỖ VĂN NHÂN
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Không nên quy định chỉ được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá kèm theo xe ôtô