Ảnh minh họa.
Ngày 06/5 tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo triển khai dự án “Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua thí điểm mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng ở cấp quận và nhân rộng trên toàn quốc”. Với mong muốn góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định về môi trường không khói thuốc, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá xây dựng ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động, nhắm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc. Phần mềm được triển khai thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) trong năm 2022.
Mặc dù, mới là áp dụng thí điểm nhưng dư luận lo ngại về tính khả thi của việc xử lý hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc qua ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động (gọi tắt là qua ứng dụng) vì những lý do sau:
Thứ nhất, hiện nay tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng nơi có quy định cấm hút thuốc lá như cơ quan, bệnh viện, trường học,… xảy ra phổ biến nhưng việc xử lý các hành vi vi phạm này là rất hạn chế. Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm mà không sợ bị xử lý. Việc kiểm tra, nhắc nhở và xử lý của các cơ quan chức năng đối với người vi phạm chưa được thường xuyên, kịp thời. Chính vì vậy, việc triển khai ứng dụng để xử lý hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc sẽ càng khó khăn hơn.
Thứ hai, hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng xảy ra nhanh chóng, đối tượng vi phạm chủ yếu là người vãn lai. Sau khi hút thuốc xong, người vi phạm sẽ di chuyển đi nơi khác nên không thể có các thông tin như tên, địa chỉ người vi phạm; đồng thời, hành vi vi phạm này cần phải bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ và xử lý mới đảm bảo tính khả thi. Do đó, việc người dân quay video hoặc chụp ảnh các hành vi vi phạm và gửi về cơ quan chức năng sẽ rất khó xử lý do thiếu thông tin của đối tượng vi phạm.
Thứ ba, về quy trình xử lý, thông tin phản ánh của người dân sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi Ủy ban nhân dân cấp quận và chuyển xuống cấp xã, phường nơi có cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đồng thời chuyển lại kết quả để người dân theo dõi, giám sát quá trình xử lý. Quy trình này phải tốn rất nhiều thời gian, nguồn nhân lực và phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Mặt khác, một số thông tin phản ánh của người dân không có nghĩa là đã đầy đủ, chính xác, rõ ràng mà phải thông qua việc kiểm tra, xác minh, nhiều trường hợp việc xác minh, kiểm tra sẽ không có kết quả nên không thể xử lý hành vi vi phạm. Việc này có thể làm cho người dân đã phản ánh thông tin sẽ nản lòng và không tiếp tục phản ánh nữa.
Thiết nghĩ, việc phản ánh hút thuốc lá nơi công cộng qua ứng dụng di động là cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân về các vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các hành vi vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay chưa phát huy hiệu quả. Việc phản ánh của người dân về hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng qua ứng dụng chỉ có thể giúp chính quyền cơ sở và cơ quan, đơn vị, quản lý các địa điểm công cộng nơi cấm hút thuốc lá tăng cường các biện pháp quản lý như kiểm tra, nhắc nhở và xử lý hành vi vi phạm, chứ không thể giúp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã xảy ra và được người dân quay video hoặc chụp ảnh cung cấp.
ĐỖ VĂN NHÂN