/ Luật sư trực ban
/ Phân biệt hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phân biệt hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

22/11/2021 04:05 |

(LSVN) - Tôi có nhập hàng từ nước ngoài về bán mà chưa thông qua sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng, sau đó tôi bị kiểm tra và lập biên bản xử phạt nhưng phía cán bộ chưa lập xong biên bản mà hẹn tôi lên cơ quan để xử phạt. Khi hỏi bản thân vi phạm về hành vi gì thì có người nói vi phạm vì “Buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, có người lại nói là vi phạm vì “Buôn bán hàng nhập lậu”. Vậy, hai hành vi trên khác nhau như thế nào? Họ có được yêu cầu tôi lên cơ quan để lập biên bản và nộp phạt hay không? Hành vi của tôi có bị xử lý hình sự không? Bạn đọc P.K.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho hay, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc mua bán, vận chuyển hàng hóa không được diễn ra một cách tùy tiện mà được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa. Hành vi phạm "Buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ" và hành vi "Buôn bán hàng nhập lậu" là hai hình thức kinh doanh và hành vi khác nhau. Cụ thể:

Tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật”.

Tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập lậu gồm: “Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng”.

Như vậy, hành vi của bạn đã xác định rõ việc hàng hóa bạn nhập về có bao bì nhãn mác nước ngoài và do bạn nhập từ nước ngoài về và bán tại Hà Nội. Do đó, hành vi của bạn là hành vi "Buôn bán hàng nhập lậu" nên Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bạn lên Cơ quan để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và bạn sẽ phải nộp phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng, tùy theo mức độ thực hiện hành vi vi phạm mà áp dụng mức xử phạt theo quy định. Ngoài ra, bạn còn phải tiêu hủy hàng hóa trên và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Hành vi nhập hàng nước ngoài của bạn về Việt Nam để bán trái phép qua biên giới là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi là trái với các quy định của pháp luật về xuất – nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Do đó, nếu hàng hóa của bạn có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bạn có thể bị xử hình sự về tội "Buôn lậu" với mức hình phạt phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm. Tùy theo mức độ thực hiện hành vi phạm tội mà áp dụng mức hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội.

Ngoài ra, bạn còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc kinh doanh hàng hóa trên thị trường phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định tại Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007. Do đó, khi kinh doanh bất kỳ hàng hóa nào cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc và cần phải có giấy phép kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

TRẦN QUÝ

Công ty tuyên bố phá sản, người lao động có được thanh toán tiền lương?

Admin