/ Trao đổi - Ý kiến
/ Phân biệt tội 'Làm nhục người khác' và tội 'Vu khống'

Phân biệt tội 'Làm nhục người khác' và tội 'Vu khống'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến hành vi vu khống, làm nhục người khác của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng thường nhầm lẫn trong việc xác định tội danh giữa tội "Làm nhục người khác" và tội "Vu khống", do dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm này còn có nhiều điểm tương đồng về chủ thể, khách thể và mặt chủ quan của tội phạm. Để phân biệt giữa hai loại tội phạm này cần căn cứ vào hành vi khách quan và điều kiện thực tế để đánh giá…

Ảnh minh họa. 

Tội "Làm nhục người khác" và tội "Vu khống" đều là tội xâm phạm đến khách thể là uy tín, nhân phẩm, danh dự, lòng tự trọng của con người, được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại phải bị hạ thấp về danh dự, nhân phẩm. Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào không lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tội "Làm nhục người khác" và tội "Vu khống" cũng có đặc điểm riêng khác nhau.

Đối với tội "Làm nhục người khác"

Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội "Làm nhục người khác" được thực hiện bằng hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”. Các hành vi có thể bằng lời nói hoặc hành động với lỗi cố ý trực tiếp, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bằng một trong các hành vi như: lăng mạ, chửi rủa, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… nhằm mục đích hạ thấp nhân cách, danh dự, nhân phẩm của người khác, hành vi này thường diễn ra trực tiếp và công khai trước đám đông hoặc tại nơi có nhiều người. Ngoài ra, để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm, đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, mục đích hướng đến là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bị hại. Đối với tội danh này thì dư luận xã hội và ý thức của bị hại về hành vi của người phạm tội đối với họ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá hành vi đó có phải là Tội làm nhục hay không, bởi vì đối với nhiều người thì hành vi này là nhục nhưng đối với nhiều người khác thì hành vi đó rất có thể là bình thường không nhục.

Ví dụ: A vì chưa đòi được khoản nợ 1 triệu đồng mà B đã vay của mình tháng trước nên đã chặn đường lột quần áo của B, đồng thời quay phim chụp ảnh nói B lừa đảo chiếm đoạt tài sản để hạ thấp nhân cách của B.

Đối với tội "Vu khống"

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì tội "Vu khống" xuất hiện ngày càng nhiều với những hình thức, thủ đoạn khá tinh vi và phức tạp. Nhiều người lợi dụng mạng xã hội, điển hình là Facebook, Zalo… để đưa hình ảnh, video clip, phát tán thông tin xuyên tạc nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, gây bức xúc trong dư luận. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội "Vu khống" người khác là tội được thực hiện bằng một trong các hành vi sau:

- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.  

Hành vi bịa đặt thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những nội dung không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của bị hại hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hình thức thể hiện có thể bằng nói trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động…

Ví dụ: A là nhân viên trong cơ quan đã sử dụng tin nhắn điện thoại đưa tin cấp trên của mình là B có hành vi đồi bại, dâm ô đối với với chị C (mặc dù không có thật) nhằm để hạ uy tín và làm cho B bị kỷ luật.

Hành vi loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa đặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó (như nói cho những người khác biết, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng…). Việc loan truyền có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sao chép làm nhiều bản gửi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng… Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội "Vu khống".

Ví dụ: X là nhân viên công nghệ thông tin thuộc công ty Z, trong khi vào mạng Internet phát hiện hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác rất giống với Y là nhân viên cùng công ty nhưng biết rõ đây chỉ là ảnh ghép photoshop chứ không phải Y, sau đó X vẫn photo hình ảnh thành nhiều bản và gửi đi nhiều nơi với mục đích loan truyền để hạ thấp uy tín của Y.

- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Đây là dạng hành vi đặc biệt của hành vi phạm tội "Vu khống". Là hành vi tố cáo trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát…) về một tội phạm xảy ra mà hoàn toàn không có thực. Trong trường hợp này, người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác họ.

Ví dụ: C là thư ký đã có hành vi tố cáo D là thủ quỹ công ty về hành lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của khách hàng, nhưng trên thực tế D không có hành vi đó.

Như vậy, tội "Làm nhục người khác" và tội "Vu khống" đều xâm phạm đến khách thể là nhân phẩm, danh dự con người được thực hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp; chủ thể của hai tội đều là bất kỳ người nào không lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định. Tội "Làm nhục người khác" thường thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, sỉ nhục ở nơi đông người, bằng viết, vẽ hay những hành động khác có tính chất bỉ ổi. Để làm nhục người bị hại, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Còn tội "Vu khống" thể hiện ở hành vi phao tin bịa đặt, loan truyền tin biết rõ là bịa đặt để làm giảm uy tín, gây thiệt hại cho nhân phẩm, danh dự của bị hại hoặc tung tin đồn thất thiệt về tội phạm, tố cáo người khác phạm tội bằng tin bịa đặt.

HỒ NGUYỄN QUÂN

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Xử lý kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng?

Lê Minh Hoàng