1. Đặt vấn đề
Theo nội dung Bản án sơ thẩm số 09/2025/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2025 về tranh chấp về thừa kế tài sản, yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ, sau khi cố nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Linh - tên khai sinh là Võ Văn Ngoan qua đời, tranh chấp thừa kế di sản đã phát sinh giữa bà Võ Thị Hồng Nhung (bà Nhung), em gái cố nghệ sĩ, người thuộc hàng thừa kế thứ hai theo quy định pháp luật thừa kế với bà Võ Thị Hồng Loan (bà Loan), con nuôi hợp pháp và thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tòa án sơ thẩm đã tuyên chia 15% di sản của cố nghệ sĩ cho bà Nhung, dựa trên lý do bà có công chăm sóc mẹ chung, quản lý tài sản, và hỗ trợ sự nghiệp của cố nghệ sĩ [1].
Quyết định này viện dẫn án lệ số 05/2016/AL [2] và lẽ công bằng làm cơ sở [3], song đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến căn cứ pháp lý và tính hợp lý trong bối cảnh pháp luật thừa kế đã quy định rõ. Vấn đề chính đặt ra trong vụ án này là xác định đúng bản chất pháp lý của tranh chấp. Liệu đây có phải là tranh chấp về thừa kế, tài sản chung hay hợp đồng dịch vụ, thực hiện công việc không có ủy quyền? Việc không làm rõ bản chất của quan hệ tranh chấp có nguy cơ dẫn đến áp dụng sai pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của các bên liên quan. Đồng thời, có những sai sót pháp lý cần được làm rõ, bao gồm việc áp dụng án lệ số 05/2016/AL khi bà Nhung không có quyền hưởng di sản, và việc sử dụng lẽ công bằng trong trường hợp pháp luật đã quy định rõ ràng, liệu có dẫn đến xâm phạm quyền lợi hợp pháp của bà Loan hay không.
Bên cạnh các vấn đề pháp lý, quyết định này cũng đặt ra hệ quả xã hội đáng lưu ý. Việc công nhận “công sức đóng góp” trong hoàn cảnh gia đình có thể xung đột với đạo đức xã hội, khi những nghĩa vụ đạo đức vốn thuộc về gia đình lại chuyển thành tranh chấp pháp lý (nghĩa vụ tài sản). Điều này không chỉ làm suy giảm giá trị nhân văn trong các mối quan hệ gia đình mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra tiền lệ xấu, khuyến khích những tranh chấp tương tự trong tương lai, làm mất đi tính ổn định trong quan hệ gia đình và xã hội.

Ảnh minh hoạ.
2. Phân định các quan hệ pháp lý trong vụ án
Quyền thừa kế và hưởng di sản: Quan hệ thừa kế trong vụ án phải được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, một người có quyền thừa kế và hưởng di sản của người chết để lại nếu được chỉ rõ trong di chúc, thừa kế theo pháp luật hoặc theo pháp luật [4]. Trong vụ án trên, NSƯT Vũ Linh trước khi chết không tạo lập di chúc [5], do vậy, việc xác định quyền thừa kế và hưởng di sản được tuân thủ theo hàng thừa kế. Khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ: “những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”. Do vậy, như Tòa án đã xác định, bị đơn - bà Loan - là con nuôi hợp pháp, là người thừa kế duy nhất ở hàng thừa kế thứ nhất [6]. Do vậy, toàn bộ di sản của NSƯT Vũ Linh phải được chuyển giao cho bà Loan [7]. Trên cơ sở đó, bà Nhung - em gái ruột của NSƯT Vũ Linh - ở hàng thừa kế thứ hai - sẽ không có quyền được hưởng di sản thừa kế [8].
Dù chỉ có một người thừa kế duy nhất, Tòa án vẫn phân chia di sản dựa vào công sức đóng góp: Tòa án đã nhận định rằng, NSƯT Vũ Linh là diễn viên sân khấu, đi lưu diễn khắp nơi để tạo nên sự nghiệp, danh tiếng và tài chính. Khi đó, bà Nhung đã ở cùng mẹ (mẹ chung với NSƯT Vũ Linh), chăm sóc mẹ già để NSƯT Vũ Linh có thời gian tập trung lo cho sự nghiệp. Ngoài ra, bà còn có công quán xuyến nhà cửa và sau khi NSƯT Vũ Linh nhận bà Loan là con nuôi (năm 1987), bà đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng, góp phần quan trọng cho ông lo cho sự nghiệp, tăng thu nhập, ổn định tài chính. Những năm cuối đời, bệnh nặng, bà Nhung ở chung nhà với NSƯT Vũ Linh nên có công chăm sóc, chia sẻ, an ủi ông [9]. Đây là một phần nhận định cơ sở của Tòa án để xác định bà Nhung có công sức trong việc giúp NSƯT Vũ Linh có được khối tài sản. Tuy nhiên, cơ sở để Tòa án đưa ra nhận định trên là áp dụng Án lệ số 05/2016/AL và lẽ công bằng.
Theo đó, Tòa án cho rằng, yêu cầu được công nhận toàn bộ di sản thừa kế của bà Nhung lớn hơn việc xem xét tính công sức nên được xem xét quyết định trong cùng vụ án [10]. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý của Án lệ số 05/2016/AL là: “Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức”. Nghĩa là, điều kiện cơ sở để áp dụng giải pháp pháp lý nhằm xem xét đến công sức đóng góp của đương sự khi và chỉ khi đương sự đó phải thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế. Nhìn lại quyết định của Tòa án cho rằng, bà Nhung không thuộc diện được hưởng thừa kế của NSƯT Vũ Linh, do vậy, việc Tòa án áp dụng Án lệ số 05/2016/AL để làm căn cứ xác định bà Nhung được hưởng một phần thừa kế là hoàn toàn không chính xác.
Áp dụng án lệ và lẽ công bằng: Nguyên tắc áp dụng án lệ và lẽ công bằng được xác định theo khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng án lệ, lẽ công bằng. Theo đó: (1) Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố; (2) Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó. Khi thực hiện đúng theo các nguyên tắc luật định, án lệ và lẽ công bằng chỉ được áp dụng khi pháp luật không có quy định (Điều 4, Điều 5, Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong trường hợp trên, pháp luật đã quy định cụ thể để có thể xử lý vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án mà không cần phải áp dụng án lệ và lẽ công bằng. Theo đó, Tòa án xác định bà Nhung có công sức trong mối quan hệ với khối di sản do NSƯT Vũ Linh để lại cho người thừa kế duy nhất là bà Loan, tuy nhiên, các quan hệ với khối di sản đó phải được phân định cụ thể:
Trường hợp bà Nhung có công sức đóng góp trong việc tạo lập nên khối di sản: Tức, khi còn sống, khối tài sản của NSƯT Vũ Linh sở hữu có một phần đóng góp của bà Nhung (đóng góp có thể bằng mọi dạng thức [11]). Lúc này, quan hệ tranh chấp là tranh chấp tài sản chung giữa NSƯT Vũ Linh và bà Nhung. Trường hợp bà Nhung được Tòa án tuyên có quyền sở hữu một phần tài sản trong khối tài sản đó thì bà Loan có nghĩa vụ hoàn trả một phần tài sản cho bà Nhung từ khối di sản thừa kế (khi đã được xác định là người thừa kế duy nhất), giúp cho NSƯT Vũ Linh (thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết [12]). Lúc này, di sản của NSƯT Vũ Linh được xác định chỉ là một phần trong khối di sản tranh chấp (giả sử quyết định tại Bản án sơ thẩm được áp dụng, có thể xác định rằng khối tài sản của NSƯT Vũ Linh chiếm 85% trong tổng khối di sản đang tranh chấp. Khi đó, bà Loan – với tư cách là người thừa kế duy nhất – sẽ được hưởng toàn bộ phần di sản này, tức là 100% của 85% trong khối di sản tranh chấp). Nếu như vậy: (1) Tòa án sẽ chỉ đưa ra căn cứ rõ ràng để xác định một cách hợp lý phần tài sản của bà Nhung trong khối tài sản chung (có thể là tỷ lệ 15%) mà không phải áp dụng pháp luật tùy tiện khi xác định bà Nhung vẫn được hưởng 15%, trong khi bà Loan là người có quyền thừa kế duy nhất. (2) Gánh nặng chứng minh sẽ đặt ra cho bà Nhung. Theo đó, bà Nhung phải đưa ra được các chứng cứ để chứng minh cho công sức giúp NSƯT Vũ Linh tạo lập nên khối tài sản đó một cách hợp pháp, cũng như có thể phải chứng minh tỷ lệ đóng góp vào khối tài sản. Các cơ sở pháp lý có thể áp dụng để giải quyết trường hợp này tại Điều 210, khoản 1 Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trường hợp xác định là quan hệ hợp đồng dịch vụ hoặc quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền: Nếu bà Nhung không có công sức trong việc tạo lập khối tài sản chung với NSƯT Vũ Linh, nhưng cho rằng bà đã có công quán xuyến, trông coi và chăm sóc gia đình (bao gồm mẹ và con gái nuôi), mối quan hệ này có thể được xem xét dưới góc độ pháp lý như quan hệ hợp đồng dịch vụ hoặc quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền. Đây không phải là tranh chấp về quyền thừa kế và hưởng di sản mà là tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản [13]. Trường hợp mối quan hệ được xác định là quan hệ hợp đồng dịch vụ, theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 [14], bà Nhung cần chứng minh rằng giữa bà và NSƯT Vũ Linh đã tồn tại một thỏa thuận. Thỏa thuận này có thể thể hiện qua lời nói, hành vi cụ thể, hoặc văn bản, rằng bà sẽ quán xuyến, chăm sóc gia đình đổi lại tiền công hoặc lợi ích vật chất. Đồng thời, bà Nhung cũng phải chứng minh rằng mình đã thực hiện công việc này với giá trị cụ thể của công việc mang lại. Nếu mối quan hệ này được xác lập, bà Nhung có quyền yêu cầu thanh toán tiền công từ di sản của NSƯT Vũ Linh trước khi tài sản được chia thừa kế.
Trong trường hợp không có thỏa thuận hợp đồng rõ ràng, mối quan hệ có thể được xem là nghĩa vụ thanh toán thông qua quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền, căn cứ vào Điều 574, Điều 576 Bộ luật Dân sự năm 2015. Để được thanh toán, bà Nhung cần chứng minh rằng công việc bà thực hiện đã mang lại lợi ích thực tế cho NSƯT Vũ Linh và/hoặc gia đình ông. Điều này đồng nghĩa với việc xác định nghĩa vụ mà NSƯT Vũ Linh phải thực hiện và chứng minh rằng bà Nhung đã thay ông thực hiện nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, nếu những nghĩa vụ liên quan đến gia đình ông không phát sinh trách nhiệm pháp lý đối với ông, thì việc bà Nhung thực hiện công việc mà không có ủy quyền cũng không thể làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa bà và NSƯT Vũ Linh. Bà Loan có quyền đưa ra chứng cứ để chứng minh điều ngược lại nhằm bác bỏ yêu cầu của bà Nhung. Nếu bà Loan không chứng minh được, Tòa án có quyền đánh giá chứng cứ dựa trên những tài liệu, lập luận do bà Nhung cung cấp và xem xét tính hợp lý của chúng. Khi này, bà Nhung có quyền yêu cầu thanh toán tương ứng với giá trị công việc đã thực hiện, và số tiền cũng sẽ được thanh toán từ di sản của cố nghệ sĩ. Dù được xác định dưới dạng hợp đồng dịch vụ hay quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền, mối quan hệ pháp lý này không ảnh hưởng đến phần di sản thừa kế của bà Hồng Loan, người thừa kế hợp pháp. Quyền lợi của bà Nhung (nếu có) sẽ được thanh toán như một nghĩa vụ tài sản từ khối di sản trước khi di sản được chia theo quy định pháp luật. Điều này đảm bảo quyền lợi của bà Nhung nhưng đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc pháp luật thừa kế.
Chi phí quản lý di sản: Quan hệ quản lý di sản phát sinh sau khi NSƯT Vũ Linh chết, liên quan đến việc bảo quản, sử dụng và giữ gìn tài sản trong thời gian trước khi tài sản được chia thừa kế. Nếu bà Nhung cho rằng mình đã có công trong việc quản lý, bảo vệ tài sản của cố nghệ sĩ, thì cần xem xét vấn đề này dưới góc độ pháp lý như tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán chi phí quản lý di sản [15], thay vì coi đây là tranh chấp về quyền thừa kế và hưởng di sản. Theo quy định tại Điều 616, Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2015, người quản lý di sản có trách nhiệm giữ gìn tài sản, ngăn chặn việc mất mát hoặc giảm giá trị của di sản. Nếu bà Nhung đã thực hiện các công việc quản lý tài sản (như quản lý nhà cửa, bảo vệ tài sản cá nhân, hoặc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của cố nghệ sĩ), bà có thể yêu cầu thanh toán một khoản chi phí hợp lý tương ứng với công sức và chi phí mà bà đã bỏ ra trong quá trình thực hiện công việc này. Để quyền yêu cầu thanh toán được công nhận, bà Nhung cần chứng minh rằng mình đã thực sự thực hiện các công việc quản lý tài sản của cố nghệ sĩ. Điều này bao gồm việc cung cấp bằng chứng cho thấy bà đã tham gia bảo vệ, duy trì giá trị của di sản hoặc ngăn chặn tổn thất xảy ra. Đồng thời, các công việc bà thực hiện phải mang lại lợi ích trực tiếp cho khối di sản và không nhằm mục đích cá nhân. Nếu được xác định là người quản lý di sản có thực hiện công việc quản lý, bà Nhung có quyền yêu cầu thanh toán chi phí quản lý từ khối di sản trước khi di sản được chia cho người thừa kế hợp pháp.
Tuy nhiên, quyền này không làm phát sinh quyền thừa kế hay bất kỳ quyền được hưởng di sản thừa kế nào. Đây chỉ là quyền yêu cầu bồi hoàn chi phí hợp lý mà người quản lý di sản được hưởng theo quy định pháp luật. Như vậy, công sức quản lý di sản của bà Nhung (nếu có) cần được giải quyết dưới dạng tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán, không phải tranh chấp về quyền thừa kế và hưởng di sản. Việc xử lý theo hướng này không chỉ giúp phân định rõ ràng quyền, nghĩa vụ giữa bà Nhung và người thừa kế hợp pháp mà còn bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc pháp luật về thừa kế và quản lý di sản.
3. Đánh giá các quyết định của Tòa án
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi phân chia 15% di sản của NSƯT Vũ Linh cho bà Võ Thị Hồng Nhung bộc lộ nhiều sai sót trong việc xác định bản chất pháp lý của tranh chấp và áp dụng pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền thừa kế được xác định dựa trên thứ tự thừa kế theo luật định. Trong trường hợp này, không có di chúc, toàn bộ di sản phải được thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất là bà Loan, con nuôi hợp pháp của NSƯT Vũ Linh. Vì bà Nhung thuộc hàng thừa kế thứ hai nên bà không có quyền thừa kế trừ khi không có người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất hoặc có thỏa thuận hoặc di chúc hợp lệ. Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm phân chia 15% di sản cho bà là không phù hợp với các quy định này.
Không phân định rõ bản chất các quan hệ pháp lý: Tòa án đã không phân biệt được các quan hệ pháp lý khác nhau trong tranh chấp này. Các yêu cầu khởi kiện của bà Nhung và được Tòa án nhận định là công sức đóng góp có thể được đánh giá là tranh chấp về tài sản chung, hợp đồng dịch vụ, thực hiện công việc không có ủy quyền hoặc nghĩa vụ liên quan đến quản lý di sản, thay vì là tranh chấp về quyền thừa kế và hưởng di sản thừa kế. Do không làm rõ bản chất của những quan hệ pháp lý này nên Tòa án đã đưa ra các quyết định sai lệch và không đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
Áp dụng sai án lệ số 05/2016/AL: Việc tòa án dựa vào Án lệ số 05/2016/AL để biện minh cho quyết định của mình cũng là không đúng. Án lệ chỉ áp dụng khi một bên có quyền đối với một phần di sản với tư cách là người thừa kế hợp pháp và đã đóng góp vào việc quản lý hoặc duy trì di sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bà Nhung không đủ điều kiện là người thừa kế hợp pháp theo Bộ luật Dân sự. Do đó, việc sử dụng án lệ này để phân chia một phần di sản cho bà là không đúng về mặt pháp lý và thể hiện việc Tòa án đã áp dụng sai cơ sở pháp lý.
Lạm dụng lẽ công bằng: Theo Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015, lẽ công bằng chỉ được áp dụng với điều kiện ban đầu là không có quy định pháp luật điều chỉnh. Trong trường hợp này, pháp luật đã quy định rõ về hàng thừa kế và quyền thừa kế tại Điều 651, Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng như về nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản. Do đó, việc áp dụng lẽ công bằng để chia 15% di sản cho bà Nhung là không cần thiết và không phù hợp. Quyết định này có thể tạo tiền lệ xấu, mở đường cho các yêu cầu không chính đáng trong các vụ án thừa kế khác.
Hệ quả pháp lý và xã hội: Quyết định của Tòa án không chỉ dẫn đến những sai sót pháp lý mà còn tiềm ẩn nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội, đặc biệt trong việc áp dụng pháp luật thừa kế và bảo vệ các giá trị đạo đức gia đình. (1) Xung đột với nguyên tắc pháp luật thừa kế: Việc Tòa án tự ý chia di sản cho người không thuộc hàng thừa kế, cụ thể là bà Nhung, đã vi phạm quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Quyết định này làm suy giảm tính minh bạch, rõ ràng trong việc áp dụng pháp luật thừa kế, gây hoài nghi về tính công bằng và nghiêm minh trong các vụ án thừa kế. (2) Tạo tiền lệ nguy hiểm: Quyết định này có nguy cơ khuyến khích các yêu cầu đòi quyền lợi không chính đáng, dựa trên lý do “công sức đóng góp” mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Nếu tiền lệ này lan rộng, nó có thể dẫn đến sự bất ổn trong việc giải quyết các tranh chấp thừa kế, làm tăng số lượng các vụ kiện không hợp lý và gây thêm áp lực cho hệ thống tư pháp. (3) Suy giảm giá trị đạo đức: việc công nhận “công sức đóng góp” trong hoàn cảnh gia đình mà không dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng có thể làm xói mòn các giá trị đạo đức gia đình. Trong văn hóa truyền thống, các hành động chăm sóc, hỗ trợ giữa các thành viên gia đình thường được coi là nghĩa vụ đạo đức và tình cảm, chứ không phải cơ sở để đòi hỏi quyền lợi tài sản. Quyết định này có thể dẫn đến sự thực dụng hóa các mối quan hệ gia đình, làm mất đi tinh thần tương thân tương ái, đạo đức thiêng liêng của con cái và cha mẹ, vốn là nền tảng của đạo đức xã hội [16].
4. Kiến nghị áp dụng pháp luật
Xác định rõ bản chất tranh chấp: Việc đầu tiên và quan trọng nhất là cần xác định đúng bản chất của quan hệ tranh chấp. Nếu tranh chấp liên quan đến tài sản chung, bà Nhung phải chứng minh sự đóng góp cụ thể của mình vào việc tạo lập, duy trì hoặc phát triển khối tài sản chung với cố NSƯT Vũ Linh. Trường hợp tranh chấp được xác định là quan hệ hợp đồng dịch vụ hoặc thực hiện công việc không có ủy quyền, Tòa án cần xem xét quyền yêu cầu thanh toán tiền công, từ đó xác định đúng quyền và nghĩa vụ liên quan. Hoặc được xác định là tranh chấp về chi phí quản lý di sản thì Tòa án phải áp dụng quy định có liên quan để giải quyết mà không phải xác định tranh chấp về quyền thừa kế và được hưởng di sản.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật thừa kế: Trong mọi trường hợp, việc phân chia di sản cần được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc theo di chúc hợp pháp của người để lại di sản. Chỉ người thuộc hàng thừa kế hoặc được chỉ định trong di chúc, theo pháp luật mới có quyền hưởng di sản. Việc tự ý chia di sản cho người không thuộc hàng thừa kế mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng là trái quy định và cần được khắc phục.
Không lạm dụng án lệ và lẽ công bằng: Án lệ và lẽ công bằng không được áp dụng khi pháp luật quy định rõ ràng điều chỉnh vấn đề tranh chấp. Trong trường hợp pháp luật đã có quy định đầy đủ, việc lạm dụng án lệ và lẽ công bằng không chỉ dẫn đến sai sót pháp lý mà còn làm giảm tính minh bạch và công bằng của hệ thống tư pháp. Việc này cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh tạo ra tiền lệ không phù hợp.
Tăng cường đào tạo và hướng dẫn áp dụng pháp luật: Để tránh các sai sót tương tự, cần tăng cường công tác đào tạo và hướng dẫn thực tiễn cho đội ngũ thẩm phán. Việc nắm vững quy định pháp luật và kỹ năng phân định đúng bản chất của quan hệ tranh chấp không chỉ giúp nâng cao chất lượng xét xử mà còn đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, từ đó củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp.
Những kiến nghị này nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp tuân thủ pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan một cách công bằng và minh bạch.
6. Kết luận
Bài viết phân tích bản án sơ thẩm về tranh chấp di sản của NSƯT Vũ Linh làm rõ nhiều vấn đề trong việc áp dụng pháp luật thừa kế và phân định bản chất pháp lý. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, quyền thừa kế phải được xác định theo hàng thừa kế. Trong trường hợp này, bà Loan, con nuôi hợp pháp, là người thừa kế duy nhất. Việc chia 15% di sản cho bà Võ Thị Hồng Nhung là trái pháp luật, bởi bà không có quyền thừa kế. Tòa án đã sai lầm khi áp dụng án lệ số 05/2016/AL vì án lệ này chỉ áp dụng cho người thuộc diện thừa kế hợp pháp. Đồng thời, việc sử dụng lẽ công bằng khi pháp luật đã quy định rõ ràng là không phù hợp, làm suy giảm tính minh bạch của hệ thống tư pháp. Bản chất tranh chấp cần được phân định rõ ràng. Nếu bà Nhung có công đóng góp vào tài sản, tranh chấp cần được xem xét như tranh chấp tài sản chung. Nếu bà Nhung có công quản lý hoặc chăm sóc tài sản, tranh chấp nên được giải quyết dưới dạng nghĩa vụ thanh toán chi phí quản lý hoặc hợp đồng dịch vụ, thực hiện công việc không có ủy quyền, không phải tranh chấp về quyền thừa kế và hưởng di sản. Nếu là công sức quản lý di sản sau khi NSƯT Vũ Linh chết phải được xác định là tranh chấp về quan hệ nghĩa vụ quản lý di sản thừa kế. Quyết định của Tòa án không chỉ sai về pháp lý mà còn có nguy cơ tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các yêu cầu không chính đáng trong thừa kế và làm suy giảm các giá trị đạo đức gia đình. Điều này đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và tăng cường đào tạo cho thẩm phán để tránh các sai sót tương tự trong tương lai.
- - -
[1] Tại nhận định số 2.4. Yêu cầu xác định những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông Võ Văn Ngoan gồm: bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của ông Võ Văn Ngoan (trang 19, 20 của Bản án).
[2] Án lệ số 05/2016/AL về về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
[3] Tại nhận định số 2.4. Yêu cầu xác định những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông Võ Văn Ngoan gồm: bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của ông Võ Văn Ngoan (trang 20, 21 của Bản án).
[4] Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5] Tại nhận định 2.3. Yêu cầu xác định ông Võ Văn Ngoan không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Bà Loan không được hưởng di sản (trang 17, 18, 19 của Bản án).
[6] Tại quyết định thứ tư: Xác định bà Võ Thị Hồng Loan là con nuôi của ông Võ Văn Ngoan, là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, duy nhất của ông Võ Văn Ngoan tại thời điểm mở thừa kế (trang 24 của Bản án).
[7] Tại quyết định thứ tư, thứ năm về xác định quyền thừa kế và tổng số di sản được hưởng của bà Võ Thị Hồng Loan (trang 24, 25 của Bản án).
[8] Tại quyết định thứ hai: Không chấp nhận những yêu cầu của bà Võ Thị Hồng Nhung về xác định toàn bộ di sản của ông Võ Văn Ngoan do người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai là ông Võ Văn Nhiêu và bà Võ Thị Hồng Nhung (trang 24 của Bản án).
[9] Tại nhận định số 2.4. Yêu cầu xác định những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông Võ Văn Ngoan gồm: bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của ông Võ Văn Ngoan (trang 20 của Bản án).
[10] Tại nhận định số 2.4. Yêu cầu xác định những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông Võ Văn Ngoan gồm: bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của ông Võ Văn Ngoan (trang 20, 21 của Bản án).
[11] Tùy thuộc vào tình tiết vụ án, Tòa án có thể xác định các dạng thức đóng góp, bao gồm đóng góp bằng vật chất hoặc tinh thần. Nếu đóng góp bằng tinh thần có thể dẫn đến việc tạo ra tài sản vật chất, Tòa án có thể xem xét áp dụng tương tự pháp luật hoặc vận dụng phương pháp phân tích luật để giải quyết.
[12] Khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[13] Ở trường hợp này, Tòa án có thể áp dụng thời hiệu nếu có yêu cầu của các bên dựa trên cơ sở luật định.
[14] Căn cứ này được xác định dựa trên cơ sở luật định hiện hành nếu các bên có tranh chấp đến cả thời điểm NSƯT Vũ Linh chết. Do đó, tùy thuộc vào thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nhung bị xâm phạm (yêu cầu) mà Tòa án áp dụng căn cứ pháp lý phù hợp.
[15] Khoản 3 Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[16] Pháp luật đặt ra trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình: phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc (khoản 1 Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
3. Bản án sơ thẩm số 09/2025/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2025 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản, yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ.
4. Án lệ số 05/2016/AL về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Thạc sĩ TRẦN MINH CHIẾN
Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh