/ Đời sống - Xã hội
/ Phản hồi về các bài viết phản ánh về SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6

Phản hồi về các bài viết phản ánh về SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6

19/04/2021 03:13 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc N.T.T.L. (tên đã được thay đổi theo yêu cầu) về sách giáo khoa (SGK) i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có nhiều sai sót.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam đăng tải nội dung bài viết: “SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start - Student's Book lớp 1 và lớp 2 bị phản ánh có nhiều sai sót”; và “SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6 cũng bị phản ánh có nhiều 'sạn”. 

Ngày 13/4/2021, Tạp chí đã nhận được Văn bản số 64/2021/CV-ESVN của Công ty TNHH Education Solutions Việt Nam (Công ty ESVN) về việc phản hồi thông tin báo chí đối với bài viết “SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start - Student's Book lớp 1 và lớp 2 bị phản ánh có nhiều sai sót”. Tiếp đến, ngày 14/4/2021, Tạp chí nhận được Văn bản số 66/2021/CV-ESVN của Công ty ESVN về việc phản hồi thông tin báo chí đối với bài viết “SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6 cũng bị phản ánh có nhiều 'sạn”.

Theo nội dung Văn bản, Công ty ESVN xác nhận là đơn vị liên kết với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6.

Tại các văn bản phản hồi nêu rõ, Công ty ESVN và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cảm ơn và ghi nhận tiếp thu những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu mà tác giả bài viết đã truyền tải. Sau khi đọc bài viết, phía Công ty ESVN đã làm việc với đội ngũ tác giả biên soạn sách để tiến hành rà soát, kiểm tra lại SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6. 

Theo đó, đối với ấn bản SGK tiếng Anh 1 i-Learn Smart Start (sách đã được xuất bản và phát hành từ năm học 2020-2021), bài viết có 5 mục góp ý. Nhóm tác giả bộ sách đã thực hiện ghi nhận, giải trình, tiếp thu ý kiến của bạn đọc, trong đó bảo lưu 3 mục và 2 mục còn lại sẽ phối hợp với bộ phận Thiết kế và In ấn để Bản in Sách giáo khoa được hoàn thiện hơn.

Với nội dung phản ánh, “tại trang 24, font chữ “Flower” thể hiện chữ “f” và chữ “l” nối liền với nhau, học sinh lớp 1 khó có thể nhận ra đây là chữ gì”. Theo nhóm tác giả bộ sách, ở các phần khác của bài học, chữ “flower” được viết với font chữ rõ ràng và có sự tách rời giữa “f” và l” nên học sinh khó nhầm lẫn. Riêng ở phần Listening, font chữ f và l dính liền nhau. Nhóm tác giả ghi nhận và sẽ đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được điều chỉnh font chữ này để tránh gây hiểu lầm.

Về phản ánh “Trang 27 và 31, tại hoạt động B, Play “Simon says” là “Touch your leg” nhưng hình ảnh minh họa là chú Sóc đang chỉ tay vào hai chân của mình. Như vậy, giữa hình ảnh và câu nói của nhân vật đang không có sự thống nhất, học sinh dễ bị hiểu sai về nội dung “leg” là đôi chân”, nhóm tác giả giải trình là ở các phần khác của bài học, chữ “leg” và mệnh lệnh “Touch your leg” được minh họa rõ ràng ở số ít. Chỉ riêng ở phần minh họa cho luật chơi của trò “Simon says”, nhân vật chú sóc trong hình minh họa cố tình đưa ra mệnh lệnh và hành động sai để gây xao nhãng cho học sinh nào không chú ý. Vì thế, hình ảnh ở đây là phù hợp.

Với nội dung “Chưa kể, khi cùng một hoạt động được lặp lại (tại trang 27 và trang 31 lặp lại y nguyên đối với hoạt động Simon says) và các hoạt động game chưa đa dạng sẽ dẫn đến việc gây sự nhàm chán cho học sinh, đi ngược với mục đích tạo hứng thú cho các em làm quen tiếng Anh. Cụ thể, tại Unit 3 (hoạt động B và C, trang 24) và Unit 7 (hoạt động B và C, trang 48); Unit 5 (hoạt động E, trang 33), Unit 6 (hoạt động 4, trang 41), Unit 7 (hoạt động E, trang 45), Unit 8 (hoạt động E, trang 51), Unit 9 (hoạt động 4, trang 59), và Review 10 (hoạt động B, trang 67)”, quan điểm của nhóm tác giả về nội dung này là các trò chơi được tái sử dụng với hình ảnh quen thuộc để học sinh dễ nhớ luật chơi và sử dụng đúng ngôn ngữ cần dùng. Đây cũng là một trong những nguyên tắc dạy học ngoại ngữ cho học sinh tiểu học (sử dụng một số hoạt động lặp lại - routines).

Phản hồi về nội dung “trang 32 và 33 của cuốn sách lại mắc lỗi không tường minh với hoạt động B và hoạt động E của Unit 5. Ở hoạt động B, nhân vật Kim nói “I like birds” và chỉ vào một chú chim trên cành cây. Bản chất, nhân vật Kim đang chỉ vào một chú chim thực tế, nên dù ý định của tác giả là Kim thích loài chim nói chung thì học sinh cũng có thể hiểu là Kim thích một chú chim này (chứ không phải loài chim hay là nhiều con chim). Và lỗi đó tiếp tục lặp lại ở hoạt động E khi chú thỏ cũng đang chỉ vào bức tranh một chú chim và nói “I like birds”, thì đây là ý đồ đồ của tác giả là cho nhân vật diễn đạt ý thích chung đối với loài chim chứ không chỉ một con chim nhất định. Hình ảnh chú chim ở đây chỉ mang tính minh hoạ khái niệm (con chim/bird) chứ không phải minh hoạ số ít hay số nhiều. Bài này không học về số ít/nhiều hay số đếm. Theo quy tắc ngữ pháp tiếng Anh, khi nói về sự vật hiện tượng chung, người bản xứ sẽ dùng số nhiều (khi đó là danh từ đếm được). Ví dụ: Khi nhìn một con mèo (số ít), người ta vẫn sẽ nói “Tôi thích mèo.” (“I like cats.”). Ở bài tiếp theo Unit 5 lesson 2, học sinh sẽ được làm quen với determiners “this” và “that” để làm rõ hơn sự phân biệt này.

Liên quan nội dung “tại trang 48 của cuốn sách, bạn học sinh 6 tuổi đã được đeo khăn quàng đỏ. Trong khi đó, theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 50-QĐ/HĐĐTW ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Hội đồng Đội Trung ương khóa VIII có quy định: “Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là thiếu niên Việt Nam từ 9 đến hết 15 tuổi thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, có ý thức phấn đấu trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng để trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” bài viết phản ánh, thì nhóm tác giả sẽ đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được chỉnh lại hình minh họa cho phù hợp hơn.

Với SGK tiếng Anh 2 i-Learn Smart Start, nhóm tác đã thực hiện ghi nhận, giải trình, tiếp thu ý kiến của bạn đọc, trong đó bảo lưu 4 mục và phối hợp chỉnh sửa 1 mục.

Liên quan đến vấn đề phản ánh “tại trang 63 của bộ sách này, “Countnumbers” bị sai lỗi chính tả. Đúng ra phải là “Count numbers”, nhóm tác giả bộ sách ghi nhận và sẽ đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép được thêm khoảng cách vào giữa hai từ.

Về nội dung “tại trang 64, trong hình ảnh minh họa có khoanh lựa chọn vào nhiều ngày trong tháng (các ngày thứ 5, các ngày thứ 6,…), nhưng từ vựng thì chỉ nêu là Thursday, Friday,… Như vậy, đã bị sai ở hình ảnh. Ở đây muốn mô tả là nhiều ngày, nhưng từ vựng thì chỉ là một ngày”, thì nhóm tác giả bộ sách cho biết ý đồ của mình là thể hiện dạng số ít của từ, ngoài ra tất cả những ngày được khoanh trong lịch đều có thể được gọi là “Friday”. Trong tiếng Anh giao tiếp trong đời thường, người bản xứ vẫn sử dụng số ít khi nói về ngày trong thời khóa biểu, ví dụ, “I go to school on Monday”, dù cho việc đó xảy ra ở ngày thứ Hai hằng tuần, chứ không chỉ 1 ngày.

Tiếp đến, phản hồi về nội dung “ngay tại Unit 5, danh từ chỉ tên trò chơi trốn tìm là “hide-and-seek” thì đang được viết dưới dạng động từ “hide and seek”, theo nhóm tác giả, vì không muốn sử dụng dấu gạch ngang - (hyphen) mà đến cuối sách học sinh mới làm quen. “Hide and seek” là cách viết đơn giản hơn, và cũng có thể được hiểu như một danh từ vì đây là tên trò chơi thông dụng. Cách viết này cũng được nhiều người bản xứ chấp nhận.

Theo bài viết đã đăng trên Tạp chí, “Từ điển tiếng Việt sẽ có “váy đầm” hoặc “đầm”. Trong khi giải nghĩa trong cuốn sách này lại đưa ra là “áo đầm”, là đưa ra hai khái niệm “áo” và “đầm”. Nhóm tác giả bộ sách giải trình, cách dịch này vẫn đúng và được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam (với trên 2 triệu kết quả thể hiện trên Google).

Với nội dung phản ánh về lỗi thiết kế hình ảnh “xe máy không có chân chống vẫn có thể đứng", nhóm tác giả cho biết ý đồ của mình là dạy từ vựng “motorbike”. Hình ảnh minh họa này vẫn mang tính mô phỏng cao và về cơ bản đáp ứng được mục tiêu là thể hiện nghĩa từ “motorbike”/ “xe máy”.

Đối với 12 mục góp ý về nội dung SGK tiếng Anh 6 i-Learn Smart World đăng trên Tạp chí, nhóm tác giả biên soạn sách đã ghi nhận, giải trình, tiếp thu ý kiến của bạn đọc, trong đó bảo lưu 12 mục.

Về phản ánh,“ngay tại trang 10, phần Grammar, trong phần Present Simple ý nghĩa của câu phải là “dạng câu hỏi Wh- ở thì hiện tại đơn”, chứ không phải hai dạng song song nhau. Do vậy, cần phải viết là:… use Wh-questions in the Present Simple…”, theo giải trình của nhóm tác giả bộ sách là muốn học sinh kết hợp sử dụng “Wh-questions” cùng với thì Present Simple đã học ở bài trước đó để đặt câu hỏi. Ngoài ra, hình ảnh và ví dụ cũng được cung cấp để học sinh biết cần đặt câu hỏi Wh- ở thì hiện tại đơn. Cách diễn đạt của nhóm tác giả là phù hợp.

Liên quan đến nội dung, “ở Possessive’s Cấu trúc add something to something (thêm cái gì vào cái gì). Do vậy, nên dùng cấu trúc… add ’s to a noun…, chứ không phải add ’s onto a noun.”, nhóm tác giả bộ sách cho rằng, theo từ điển tiếng Anh Cambridge, giới từ ONTO onto a noun được dùng để diễn tả chuyển động vào một vị trí nào đó (used to how movement into or on a particular place). Vì vậy, cách diễn đạt này là phù hợp, đúng và tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh của người bản xứ.

Với nội dung “proper noun (danh từ riêng) cũng là một loại danh từ nên không thể để “a noun or a proper noun”, nhóm tác giả giải trình là muốn nhấn mạnh rằng có thể dùng ‘s sở hữu cho các danh từ riêng, vì bình thường khi dùng từ “noun”, học sinh dễ nhầm tưởng rằng noun chỉ bao gồm các danh từ chung chỉ người, vật, sự việc.

Về nội dung “Vì các động từ đã cho trong sử dụng 2 lần nên cần có (x2) trong ngoặc giống cách trình bày dạng bài tương tự ở các Unit”, theo nhóm tác giả, bài tập này chỉ có 5 đáp án nên để tăng độ khó, tác giả quyết định không liệt kê rõ số lần mỗi động từ được sử dụng. Học sinh cần tự mình quyết định mỗi từ được sử dụng bao nhiêu lần, dựa trên các cách kết hợp từ (New words) ở phần trước của bài. 

Nội dung phản ánh “tại trang 15, phần Possessive pronouns: “mine” and “yours”. “Mine” nên đẩy xuống cùng dòng với “and your” cho cùng một ý, tránh hiểu nhầm”, nhóm tác giả cho rằng từ “mine” được ngăn cách với từ “pronouns” bằng dấu hai chấm nên học sinh khó có thể hiểu lầm được. Hơn nữa, về mặt thẩm mỹ trong thiết kế, nếu di chuyển từ “mine” xuống hàng dưới sẽ để lại khoảng trống lớn bất thường ở hàng trên.

Về nội dung “So” cần sửa thành “so that”. “Việc sử dụng “so” trong trường hợp này mang nghĩa “để mà” không sai. Tuy nhiên, nó chỉ sử dụng trong văn nói, trong các tình huống không trang trọng. Nếu ở trong một cuốn sách và để tránh nhầm lẫn với “so” (mang nghĩa “nên”) thì nên viết đầy đủ là “so that”, theo nhóm tác giả giải trình, ngôn ngữ được sử dụng trong trường hợp này là ngôn ngữ giao tiếp và việc sử dụng “so” không làm lệch nghĩa hay gây ra bất cứ hiểu lầm gì cho sinh. 

Liên quan đến nội dung “Tại trang 26, tại phần giải thích ngữ pháp “Present Continuous”, từ “tense” ở đây không sai về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp, nhưng các bài sau nội dung về thì của động từ tương tự đều không sử dụng từ “tense”. Trong một cuốn sách cần có sự thống nhất”, nhóm tác giả ghi nhận để sách ngày một cần có sự hoàn thiện hơn.

Với phản ánh “cần thay đổi đổi describe someone’s character thành describe someone’s quality hoặc characteristics vì trong cùng bài với cùng một từ nhưng lại dùng hai nghĩa của nó, có thể khiến học sinh bị rối (character: nhân vật/ tính nết)”, theo giải trình thì từ điển Cambridge, cả 2 từ “characteristic” và “quality” đều là từ vựng ở bậc B2, quá cao so với trình độ học sinh lớp 6 (trình độ A2).  Trong trường hợp này, từ “character” nhóm tác giả lựa chọn là phù hợp với trình độ của học sinh lớp 6. Tuy nhiên, nhóm tác giả sẽ thêm vào mục lưu ý trong Sách Giáo viên giải thích hai nghĩa của từ này.  

Tiếp đến, với nội dung “Với trang 45, từ “dish” trong bài Reading sử dụng với nghĩa “món ăn”, là một từ mới (trước đó, từ “dish” được học ở Unit 3 với nghĩa là “cái đĩa” trong phần wordlist) nên cần được đưa vào ở phần wordlist”, theo nhóm tác giả phần wordlist chỉ liệt kê các từ và nghĩa được dạy trong phần từ vựng (New words). Tuy nhiên, nhóm tác giả sẽ thêm lưu ý về nghĩa thứ 2 của từ “dish” vào sách Giáo viên.

Phản hồi nội dung “Tại trang 71, mục b, khi đặt trong câu, cần phải có mạo từ “the” đứng trước tên thì (in the Future Simple)”, bản giải trình nêu rõ, trong các hướng dẫn, người bản xứ thường không sử dụng “the”, vì những danh Future Simple là danh từ xác định nên không cần sử dụng mạo từ “the”.

Về góp ý “Phần wordlist trình bày cẩu thả, với lỗi dịch nghĩa sai không đáng có và trình bày khó nhìn”, nhóm tác giả cho rằng việc chia cột và dòng không gây hiểu nhầm gì cho học sinh. Đồng thời, Cách dịch “đời sống hoang dã” được lấy từ trang Từ điển Anh-Việt của từ điển Cambridge. (https://dictionary.cambridge. org/vi/dictionary/English-vietnamese/wildlife). Hiện nay, chưa có từ tiếng Việt tương đương để chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của từ “wildlife”. Nhóm tác giả sẽ bổ sung thêm một số nghĩa dịch trong sách giáo viên để làm rõ nghĩa hơn của từ này.

Đối với phần phản ánh ý kiến của bạn đọc N.T.T.L. đối với đội ngũ biên soạn sách và Tổng chủ biên. Văn bản nêu rõ, pháp luật có quy định rõ tiêu chuẩn của cá nhân và tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, người biên soạn SGK phải có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được biên soạn. Chỉ khi đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn này thì cá nhân, tổ chức ấy mới có thể tham gia vào việc biên soạn SGK. Tất cả bằng cấp cũng như hồ sơ năng lực của đội ngũ tác giả biên soạn bao gồm cả Tổng Chủ biên đã được nộp cho Hội đồng Quốc gia thẩm định kiểm duyệt ngay từ đầu giai đoạn thẩm định. 

Công ty ESVN cho rằng, nhận định của tác giả bài viết hay lời trích dẫn từ chị N.T.T.L. (mà tác giả nhắc tới) mang tính chủ quan, phiến diện, xúc phạm đến uy tín và danh dự cá nhân của đội ngũ tác giả biên soạn cũng như Tổng Chủ biên, gây hiểu lầm cho người đọc, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế cho Nhà xuất bản và Công ty ESVN.

Tuy nhiên, đây là nội dung phán ánh của bạn đọc gửi về Tạp chí Luật sư Việt Nam nhằm mục đích trao đổi, góp ý nhằm hoàn thiện hơn SGK tiếng Anh i-Learn Smart World. Để có thể soạn thảo ra một bộ sách hoàn chỉnh nhất đòi hỏi những người biên soạn SGK cần có kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, những băn khoăn về năng lực và khả năng biên soạn SGK của độc giả là hoàn toàn hợp lý.

THÀNH TRUNG

SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start - Student’s Book lớp 1 và lớp 2 bị phản ánh có nhiều sai sót

SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6 cũng bị phản ánh có nhiều 'sạn'

Lê Minh Hoàng