/ Trao đổi - Ý kiến
/ Pháo tự chế: Mối nguy hại đối với trẻ em!

Pháo tự chế: Mối nguy hại đối với trẻ em!

28/01/2021 17:48 |

(LSVN) - Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều nhưng hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán vẫn thường xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ pháo. Trong đó, phần nhiều là lứa tuổi trong giai đoạn tuổi vị thành niên. Việc tò mò với pháo tự chế khiến các em gặp phải những hậu quả vô cùng đáng tiếc, trong đó đáng kể là thương tật vĩnh viễn cũng như nguy cơ mất mạng chỉ vì pháo tự chế.

Ảnh minh họa.

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều nhưng hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán vẫn thường xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ pháo. Vài năm gần đây xuất hiện nhiều người bị tai nạn là trẻ bị bỏng pháo lứa tuổi 15-17 chiếm tới khoảng 80% - 90% tổng số người bỏng pháo, đây là lứa tuổi tò mò, thích làm thí nghiệm, thích khám phá tìm hiểu nhưng lại chưa ý thức được mối nguy hại khi pháo nổ, có thể bị bỏng khi tự mình làm thí nghiệm tại nhà.

Thực tế cho thấy, mặc dù nhà trường và chính quyền địa phương đã quan tâm tuyên truyền cho học sinh về tác hại của việc nổ pháo nhưng nhiều em vẫn lén lút mua, thậm chí, nhiều em còn mày mò tự chế. 

Pháo tự chế có thể gây kích thích với nhiều nhóm người. Trong đó, đáng kể là lứa tuổi trong giai đoạn tuổi vị thành niên. Việc tò mò với pháo tự chế khiến các em gặp phải những hậu quả vô cùng đáng tiếc, trong đó đáng kể là thương tật vĩnh viễn cũng như nguy cơ mất mạng chỉ vì pháo tự chế.

Có thể thấy, nguyên nhân sự việc bắt nguồn một phần từ các clip dạy làm pháo trên mạng. Không khó để tìm kiếm những clip như vậy tràn lan trên Youtube. Người truy cập chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm “hướng dẫn chế tạo pháo nổ” trên Youtube sẽ xuất hiện tràn lan hàng loạt các clip thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Thậm chí có video chỉ cách làm pháo diêm đón Tết 2021 có tới 241.000 lượt xem sau 1 tháng đăng tải. Các video này mô tả công thức chế tạo pháo nổ chi tiết... với mức độ sát thương khác nhau. Từ công thức làm thuốc nổ pháo cho đến hướng dẫn làm thuốc nổ đen, hướng dẫn làm pháo bông, chế lựu đạn ném, cách làm pháo tép đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Đặc biệt, các video hướng dẫn tự chế tạo pháo chỉ số ít được gắn nhãn giới hạn độ tuổi. Hầu hết, chủ kênh không cảnh báo người xem mà còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm. Không chỉ có clip hướng dẫn, các hóa chất để chế tạo chất nổ cũng được rao bán công khai trên mạng và người dùng dễ dàng đặt hàng.

Mới đây, ngày 20/01, Công an xã Tiền An phát hiện 3 em học sinh gồm Nguyễn V.H (SN 2007), Vũ T.A (SN 2008) và Vũ Đ.C (SN 2007, đều trú tại thị xã Quảng Yên) có hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo. Công an thị xã đã đưa 3 em trên về trụ sở công an để làm việc. Tại đây cả 3 khai nhận, sau khi tìm hiểu qua mạng đã mua các tiền chất về thực hành chế tạo pháo. Cùng ngày, Công an xã Tiền An kiểm tra hành chính phát hiện, thu giữ tại nhà các em 100 gram chất bột lưu huỳnh, 100 gram chất bột KClO3 và nhiều quả pháo tự chế, nhiều vỏ xác pháo và một số tang vật khác dùng để chế tạo pháo.

Trên thực tế, việc chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên các trang mạng đã có từ nhiều năm nay, để lại biết bao vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho các học sinh và sinh viên, nhiều trường hợp để lại các di chứng bỏng rất nặng nề. Hàng năm, truyền thông đã liên tiếp cảnh báo về các tai nạn do tập chế tạo thuốc nổ… Tuy nhiên, đến nay loại tai nạn này vẫn không hề giảm mà ngày càng gia tăng, để lại nhiều hậu quả thương tâm cho các bạn trẻ tuổi học đường hiếu kỳ, thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm giám sát của nhà trường, gia đình và xã hội. 

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Cứ vào thời gian trước và trong dịp Tết Nguyên đán thì tình trạng chế tạo, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ, pháo hoa trái phép lại gia tăng và có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt đã có rất nhiều vụ việc các em học sinh, thanh thiếu niên đã tự tìm hiểu, học theo cách chế tạo pháo trên mạng internet, mua hóa chất, thuốc nổ về tự chế tạo pháo trái phép. Đây không chỉ là những hành vi vi pháp luật mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong lúc các em tự chế tạo pháo, gây thương tật nặng, thậm chí là hậu quả chết người”.

Tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã có quy định nghiêm cấm các hành vi như sau: “1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này; 2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo".

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Về chế tài hành chính, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình thì hành vi “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. 

Về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, trong rất nhiều các vụ việc thì các đối tượng vi phạm là các em học sinh (dưới 14 tuổi), chưa đủ độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, không thể áp dụng các chế tài hành chính và hình sự nêu trên mà cần phải có những biện pháp giáo dục và quản lý phù hợp với độ tuổi và mức độ nhận thức của các em. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm của các em học sinh là do các clip hướng dẫn cách chế tạo pháo đang tràn lan trên không gian mạng và thu hút lượng người xem rất lớn. Không chỉ có clip hướng dẫn mà các hóa chất để chế tạo pháo cũng được rao bán công khai trên mạng và có thể đặt mua một cách dễ dàng. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối với những kẻ đăng tải, phát tán các clip hướng dẫn cách chế tạo pháo, cũng như đối với hành vi mua bán trái phép các chất nổ, hoặc hóa chất để chế tạo pháo. 

“Mặt khác, các bậc phụ huynh, nhà trường và các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường việc quản lý, giám sát; phối hợp với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết và nhận thức của các em học sinh, thanh thiếu niên về tác hại, hậu quả nguy hiểm của việc tự chế tạo và sử dụng pháo nổ, tự giác không thực hiện các hành vi vi phạm, phòng tránh các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra”, Luật sư Hùng chia sẻ.

Để đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, thì cùng với việc yêu cầu các em ký cam kết không chơi pháo trong dịp nghỉ Tết, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh, hướng dẫn họ tích cực tuyên truyền, vận động người thân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương về nổ pháo, quản lý vũ khí, vật liệu nổ; ràng buộc trách nhiệm gia đình – nhà trường trong việc giáo dục, răn đe con em họ thực hiện nghiêm các quy định về việc phòng chống đốt pháo. Và chính bản thân các học sinh ở lứa tuổi học đường nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế pháo nổ gây ra cho bản thân và xã hội, để cùng nhau có những hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng tự chế tạo các loại thuốc nổ gây nguy hại cho gia đình và xã hội.

TRÀ MY

Tung tin giả về Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời: Hành vi rất đáng lên án, cần xử lý nghiêm

Lê Minh Hoàng