/ Góc nhìn
/ Pháp luật bảo vệ người yếu thế

Pháp luật bảo vệ người yếu thế

05/01/2021 18:08 |

(LSO) - Có một hiện tượng pháp lý không thể bỏ qua trong đời sống pháp luật của nước ta là những người yếu thế (dân thường, nghèo, người lao động chân tay, bà con vùng dân tộc...) thường bị thua thiệt trong những vụ kiện tụng hành chính hay dân sự.

Ảnh minh họa.

Dẫn chứng mới đây nhất, do các luật sư bảo vệ quyền lợi cho những nguyên đơn - bị hại nêu ra thuộc lĩnh vực thế chấp vay ngân hàng. Họ đã cho các doanh nghiệp mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở để các doanh nghiệp này thế chấp vay ngân hàng. Do không trả tiền ngân hàng nên các tài sản thế chấp này bị ngân hàng câu lưu và đấu giá dẫn tới việc những người cho mượn này mất trắng tài sản.

Về mặt pháp lý, không có gì phải bàn cãi khi các quy định pháp luật về thế chấp tài sản, cho vay và thu hồi đã rõ ràng. Song, vấn đề đáng phải quan tâm là làm thế nào để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những người "thấp cổ bé họng", ít hiểu biết pháp luật, đặt lòng tin không đúng chỗ này vào những người tráo trở? Cứ để họ mất trắng như vậy thì sự công bằng ở đâu?

Một dẫn chứng khác, xảy ra và tồn tại khá phổ biến là các dự án "ma" bán nền nhà và đánh trực tiếp vào những người ít tiền, có nhu cầu cấp bách về chỗ ở bằng thủ đoạn giá rẻ. Hàng nghìn "nhà đầu tư" nghèo khổ đã trở thành nạn nhân. Mới đây nhất, vừa bắt một nữ giám đốc dùng thủ đoạn này khi hàng trăm tỉ đồng đã vào túi của cô ta. Bọn lừa đảo phải ra tòa, nhận bản án thích đáng, về mặt dân sự phải trả tiền lại cho bị hại. Tuy nhiên, làm thế nào để bọn chúng phải trả thì dường như là một bài toán khó, chỉ ra đề mà không có lời giải.

Trong lĩnh vực hình sự, các vụ án oan sai "kinh điển" phần lớn rơi vào những người dân thường như ông Chấn, ông Nén, cụ Thêm... và mới đây nhất là vụ bị cáo nhảy lầu tự tử ở Bình Phước. Còn vụ dân sự ở TP. HCM mà bị đơn suýt nhảy lầu cũng là những người làm thuê cho ông chủ mà họ mua đất vừa thắng kiện. Các vụ án xử đa cấp lừa đảo, huy động vốn làm giàu, các nạn nhân lên tới hàng nghìn người, đa phần là những nông dân lam lũ, họ đã gần như trắng tay, không hy vọng gì lấy lại được một phần tiền bỏ ra.

Thực trạng này rất đáng phải suy nghĩ và tìm ra biện pháp khắc phục, kể cả xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Đã có nhiều luật sư đồng hành cùng những nạn nhân yếu thế này trong những vụ án, cần đúc kết để đề xuất những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của một bộ phận yếu thế trong xã hội chúng ta.

NHỊ NGỌC

/to-chuc-nhan-su-khong-the-la-viec-da-roi.html