/ Kết nối
/ Pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm để đáp trả lại một hành vi vi phạm khác

Pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm để đáp trả lại một hành vi vi phạm khác

07/05/2024 06:17 |

(LSVN) - Hành vi đăng tải, phát tán clip nhạy cảm như đánh ghen hay video đồi trụy công khai lên mạng xã hội hoặc các nhóm chat kín... là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu và có nhiều hệ lụy đến xã hội. Theo đó, pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các clip, hình ảnh nhạy cảm, đánh ghen, lột đồ… Nhiều người đã truyền tay nhau xem, thậm chí chia sẻ, phát tán trên trang cá nhân của mình. Dưới góc độ pháp luật, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu và có nhiều hệ lụy đến xã hội.

Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, đưa những thông tin dâm ô, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức văn hóa của người Việt Nam lên không gian mạng. 

Bởi vậy, những người đăng tải clip đánh ghen, khỏa thân lên không gian mạng thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Ngoài ra, trong các vụ việc vi phạm hôn nhân một vợ một chồng, thiếu chung thủy, hành vi đăng tải các hình ảnh, clip nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, sức khỏe của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ người bị hại, là nạn nhân trong vụ việc có thể trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

Trên thực tế, không ít những vụ việc mà người đi đánh ghen đã bị xử lý hình sự về nhiều tội danh như: "Làm nhục người khác", "Cố ý gây thương tích", thậm chí "Giết người"… Nguyên nhân có thể do không làm chủ được cảm xúc hành vi của mình, thiếu hiểu biết pháp luật, ý thức coi thường pháp luật,... Tuy nhiên, pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, những người bị phát tán clip khi có đơn tố cáo thì cả người quay clip và người đăng tải clip sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm nhục người khác hoặc đưa thông tin trái phép trên mạng internet với mức chế tài là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155, Bộ luật Hình sự. 

Trường hợp những người bị xúc phạm không có đơn thư đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thì những clip cũng là hình ảnh bị cấm trên không gian mạng, người đưa thông tin này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331, Bộ luật Hình sự hoặc tội "Đưa thông tin trái phép trên mạng" theo Điều 288, Bộ luật Hình sự. 

Không chỉ những hành vi đăng thông tin công khai trên mạng xã hội bị xử lý mà cả hành vi đăng tải hình ảnh, clip rồi lôi kéo người khác vào các nhóm chat xem cũng là vi phạm và có thể bị xử lý về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326, Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, hành vi dùng mạng xã hội tiết lộ, gửi link clip đánh ghen cho người khác mặc dù chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự những cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về "Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác" theo Điều 159, Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.

Hành vi được xác định là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì cá nhân đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155, Bộ luật Hình sự về tội "Làm nhục người khác" với mức phạt tù tới 05 năm...

Vì vậy, tuy là không gian mạng nhưng tổn hại với người khác là thực tế và phải chịu trách nhiệm. Người dùng cần cân nhắc, có trách nhiệm với những hành vi của mình để tránh bị xử lý vì đã vi phạm pháp luật.

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Đánh giá biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Nguyễn Hoàng Lâm