Đánh giá biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

06/05/2024 05:10 | 1 tuần trước

(LSVN) - Việc áp dụng 11 biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phải được thực hiện triệt để, có sự phối hợp nghiêm túc của cơ quan liên ngành Công an, chính quyền địa phương, cơ quan chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhà trường, gia đình. Nếu áp dụng một hay nhiều biện pháp mà phó mặc cho một cơ quan theo dõi và thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao. Việc áp dụng phải bảo đảm sau khi áp dụng biện pháp đó có “thay đổi thực chất” cho người chưa thành niên về cả nhận thức và hành vi. Đồng thời, quy định từng cấp độ áp dụng các biện pháp, nhiều biện pháp khi áp dụng trong thực tiễn sẽ bộc lộ hạn chế không phù hợp mang tính lý thuyết sáo rỗng vì thế cần quy định rõ từng cấp độ, mức độ áp để tăng tính phù hợp với từng hành vi, nhận thức và đặc điểm của từng trẻ vị thành niên.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 05 biện pháp đã được Bộ Luật hình sự quy định (như Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn...); đồng thời bổ sung 07 biện pháp mới như: buộc tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc… Tại Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cũng đã có sự phân hóa chế tài xử lý và hình phạt khác nhau đối vớ riêng từng nhóm tuổi đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với cả 04 nhóm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng; còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với nhóm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự.

Chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội được cụ thể hóa tại Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong đó việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 tại khoản 6, Điều 91 cũng nêu rõ Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Hiện tại Bộ luật Hình sự đã quy định 04 biện pháp áp dụng với người chưa thành niên trong trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự gồm: Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng, Giáo dục tại xã/phường/thị trấn, Giáo dục tại trường giáo dưỡng. Bên cạnh đó, có bên đó có 04 hình phạt được áp dụng trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự: Cảnh cáo, Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ, Tù có thời hạn.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên thì các biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Xin lỗi người bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; Lao động công ích; Cấm tiếp xúc; Cấm đến một địa điểm nhất định; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đối tượng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp phạm tội gây hậu quả chết người quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự; Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Như vậy, theo quy định tại Điều 27, 28 của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên thì chính sách xử lý người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội đã có thay đổi theo hướng nhân văn hơn, tạo cơ hội cho người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa sai lầm, các biện pháp mang tính giáo dục là chính. Tuy nhiên nếu quy định này được áp dụng thì cũng sẽ kéo theo sự sửa đổi bổ sung đối với các luật gốc khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án hình sự… bởi hiện nay các luật này đang quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự bất kể đó là tội phạm nào, trong khi Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Điều 28 thì quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thậm chí người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (trừ trường hợp phạm tội gây hậu quả chết người quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự) vẫn được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tôi cho rằng dù áp dụng biện pháp xử lý nào đối với người chưa thành niên thì cũng hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong các quy định hiện hành, các biện pháp "Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn" rất ít được áp dụng, theo thống kê, từ năm 2019 đến tháng 6/2023, chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tại sao biện pháp xử lý có tính nhân văn như vậy lại rất ít được áp dụng trên thực tế? Điều này phải tách bạch rõ giữa “biện pháp giáo dục” khác với “hình phạt”. Sở dĩ các biện pháp "Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục" tại xã, phường, thị trấn rất ít được áp dụng là bởi đây là “các biện pháp giám sát, giáo dục” chỉ áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, việc áp dụng các biện pháp này được quy định tại Điều 93, 94, 95 của Bộ luật Hình sự. Điều 91 Bộ luật Hình sự đã nêu rõ việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Như vậy, việc áp dụng biện pháp nào, hay áp dụng hình phạt ra sao đều đã được đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi để phân loại áp dụng hình phạt phù hợp. Có thể biện pháp hoặc hình phạt rất nhân văn, nhưng so với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi pháp pháp luật của người phạm tội dưới 18 tuổi không phù hợp, việc áp dụng có thể không đủ tính răn đe phòng ngừa thì cơ quan tố tụng sẽ không áp dụng. Việc thay đổi hoặc bổ sung các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội để theo hướng nhân văn hơn không có nghĩa việc ban hành ra là sẽ được áp dụng triệt để, mà chỉ áp dụng cho những trường hợp phù hợp, đủ điều kiện.

Từ những lý do trên, 11 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên bao gồm: "Khiển trách; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Xin lỗi người bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; Lao động công ích; Cấm tiếp xúc; Cấm đến một địa điểm nhất định; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng" là hợp lý.

Tuy nhiên, việc áp dụng phải được thực hiện triệt để, có sự phối hợp nghiêm túc của cơ quan liên ngành Công an, chính quyền địa phương, cơ quan chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhà trường, gia đình. Nếu áp dụng một hay nhiều biện pháp mà phó mặc cho một cơ quan theo dõi và thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao. Việc áp dụng phải bảo đảm sau khi áp dụng biện pháp đó có “thay đổi thực chất” cho người chưa thành niên về cả nhận thức và hành vi. Đồng thời, quy định từng cấp độ áp dụng các biện pháp, nhiều biện pháp khi áp dụng trong thực tiễn sẽ bộc lộ hạn chế không phù hợp mang tính lý thuyết sáo rỗng vì thế cần quy định rõ từng cấp độ, mức độ áp để tăng tính phù hợp với từng hành vi, nhận thức và đặc điểm của từng trẻ vị thành niên.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội theo quy định