/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Pháp luật triều Nguyễn quy định như thế nào về công tác phúc thẩm?

Pháp luật triều Nguyễn quy định như thế nào về công tác phúc thẩm?

22/10/2021 15:58 |

(LSVN) - Pháp luật triều Nguyễn quy định rõ về công tác phúc thẩm, cụ thể, đối với án xử quyết, theo luật định, các việc liên quan đến quân cơ, phản nghịch, bạo trộm, hung ác thì phải gửi ngay lên Bộ xử không được chậm trễ.

Ảnh minh họa.

Theo Luật Gia Long các hình phạt nhẹ là xuy, trượng thì được thi hành ngay sau khi xét xử tại nha môn. Hình phạt đồ, lưu thì sau 3 ngày phải dẫn giải đến nơi phát phối.

Thực thi bản án 5 bậc đồ phạm nhân được đưa về doanh, trấn của họ để phục dịch, hết hạn đồ họ được trả tự do. Với hình phạt lưu, nơi chọn để áp dụng thường là vùng biên trấn, bờ biển huyện, châu hoặc những nơi còn hoang vu để khai hoang mở đất. Chính sách này được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam dưới thời quân chủ.

Tại Điều 44, 45 Luật Gia Long, căn cứ vào nơi ở của phạm nhân và khoảng cách lưu đày để xác định về địa hạt nơi đến của họ.

Án tử hình được chia thành hai loại là xử quyết và giam chờ. Do liên can đến mạng sống của con người nên thủ tục xét án tử hình rất chặt chẽ (phải sau ba lần thu thẩm mà vua vẫn y án thì tù phạm mới được đem ra hành hình).

Pháp luật triều Nguyễn cũng quy định rõ về công tác phúc thẩm. Cụ thể, đối với án xử quyết, theo luật định, các việc liên quan đến quân cơ, phản nghịch, bạo trộm, hung ác thì phải gửi ngay lên Bộ xử không được chậm trễ.

Đối với các án nặng như quân lưu, thập ác đều phải phúc tấu lên nhà vua. Nếu vua y án thì cũng phải giam cầm sau 3 ngày mới đem ra hành quyết. Quan chức thực phạm tội tử thì phải chờ phiên tòa mùa thu năm sau. Khi triều đình xử án thì phải xử riêng một phiên và chia làm 3 hạng gồm tình thật, hoãn chém, đáng thương để trình lên cho nhà vua để xin quyết định.

Đối với án giam chờ, đây là bản án đã tuyên giảo hoặc trảm giam chờ cho đến phiên tòa “thu thẩm" của năm sau. Đây là “tiền lệ tư pháp" áp dụng khá phổ biến được quy định trong bộ luật.

Bên cạnh đó, chế độ “thu thẩm" còn phúc duyệt lại các án đồ lưu ở các địa phương gửi về. Bộ luật đã quy định về thời hạn “thu thẩm" trong năm từ tháng 5 đến tháng 8.

Tháng 5, các án chờ thu thẩm đều được các nha môn lập tờ trình ghi đầy đủ sự vụ và các đề nghị kèm theo để gửi lên Bộ. Đến tháng 8, Bộ Hình cho thu thập hết các án ở doanh, trấn (tỉnh) và các Bộ giao cho quan văn võ cùng xem xét. Theo Điều 376 Luật Gia Long, sau phiên tòa của mùa thu này, nếu có kết luận mới về vụ trọng án thì được gom lại để chờ đến phiên tòa mùa thu năm sau sẽ xem xét lại.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.

Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

CẨM NGỌC

Quy định về nơi xử án và thời hạn xử án theo Bộ Luật Gia Long

Lê Minh Hoàng