Quy định về nơi xử án và thời hạn xử án theo Bộ Luật Gia Long

20/10/2021 08:18 | 2 năm trước

(LSVN) - Việc xử án phải xét xử công khai tại các nha môn. Nếu các quan xử kiện tại nơi không đúng chỗ dành cho việc xử án, hoặc các tụng nhân đến hầu tòa ở nơi công đường mà ngồi đứng không đúng phép thì đều phải phạt.

Ảnh minh họa.

Xét xử là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng. Thông qua hoạt động này các nha môn đưa ra các phán quyết về kết quả xét xử. Việc xử án phải xét xử công khai tại các nha môn. Nếu các quan xử kiện tại nơi không đúng chỗ dành cho việc xử án, hoặc các tụng nhân đến hầu tòa ở nơi công đường mà ngồi đứng không đúng phép thì đều phải phạt.

Việc xử án không được để lâu quá hạn định. Luật Gia Long cũng như Luật Hồng Đức quy định rõ việc trộm cướp thì phải xét xử trong hạn 3 tháng; việc hủy báng thì phải xét xử trong hạn 4 tháng; việc hộ hôn, tạp tụng và phi vi (trái luật nhỏ mọn) thì phải xét xử trong hạn 2 tháng.

Các kỳ hạn trên đây được tính bắt đầu từ ngày bị cáo bị bắt đến hầu tòa lần đầu. Nếu nguyên cáo không đến hầu kiện quá hạn 1 tháng thì vụ việc phải loại bỏ. Nếu bị cáo tuy có trát đòi nhưng không đến hầu tòa hay tìm cách trốn tránh, nếu quá hạn một tháng thì quan án cứ khép vào tội theo như đơn của nguyên cáo.

Nếu bị cáo đến hầu kiện và phân trần mà nguyên cáo lại trốn tránh quá hạn 20 ngày thì bị khép vào tội vu cáo. Tuy nhiên, nếu vì có việc phải đi xa trở về không kịp thì nguyên đơn được phép trần tấu để xin đòi hỏi lại.

Trong Điều 65 Lệ 1 Luật Gia Long, nhà làm luật ấn định kỳ hạn phải xử án như sau: đối với việc nhỏ thì các nha môn phải xử trong hạn 5 ngày, việc thường 10 ngày, việc lớn 20 ngày đều phải xét xử cho xong. Nếu việc cần đến sự hội thẩm của quan trong hạt khác hay là cần đi khám xét về ruộng đất thì không áp dụng lệ này.

Ngoài điều lệ nói trên, một Chỉ dụ vào năm Gia Long nguyên niên (1802) định rằng: Các nha môn làm việc hình án, đối với những án trộm cướp, án nặng thì hạn trong 5 tháng; việc hộ hôn, điền thổ, tài sản, đánh nhau thì hạn trong 2 tháng; việc chửi bới, tiền nợ, các kiện cáo vặt thì hạn trong 1 tháng. Các thời hạn này bắt đầu kể từ ngày bên bị đến hầu tòa.

Một Chỉ dụ năm Minh Mạng thứ 7 (1826) còn rút ngắn các thời hạn này lại như sau: các án mạng về trộm cướp và những tội phải xử trảm, giảo thì xử trong hạn 3 tháng; các án hộ hôn, điển sản, đánh nhau và tội xử sung quân, lưu, đô thì xử trong hạn 1 tháng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ về thời hạn chuẩn bị xét xử. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

- Đưa vụ án ra xét xử;

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

- Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

Bộ luật Gia Long quy định về việc xét xử tại các Quyển 19, 20 và một số điều trong phần Danh lệ với khoảng 35 điều luật. Nếu so với Quốc triều hình luật thì có nhiều điểm tiến bộ, nhưng so với Quốc triều khám tụng điều lệ thì còn nhiều điểm hạn chế về mặt phân loại các vụ việc kiện tụng cũng như thời hạn và biện pháp tiến hành. Có thể khẳng định Luật Gia Long đã trừng phạt nghiêm khắc các quan tòa khi họ vi phạm trong công tác xét xử.

Theo Bộ luật Gia Long, người tiến hành công tác xét xử là các quan án, đại diện cho nha môn để làm nhiệm vụ xét xử. Người tham gia vụ án là 2 bên nguyên cáo và bị cáo.

Bên cạnh đó, còn có một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như: người làm chứng, người đối chất, thân thuộc, người bị hại, người đại diện, người được mời đến khai báo, người viết thay. Điều 370 Bộ luật Gia Long quy định, trong vụ án có nhiều đồng phạm với chứng cứ của nhiều người thì chờ đối chất nhưng chỉ trong hạn 3 ngày. Những người thân thuộc, có quan hệ lau dài trong công việc hoặc có thù oán, cùng với những người già trên 80 tuổi và trẻ em dưới 10 tuổi thì không được phép làm chứng.

CẨM NGỌC

Thủ tục thưa kiện theo pháp luật Triều Nguyễn

Từ khoá : lsvn.vn LSVN