/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Thủ tục thưa kiện theo pháp luật Triều Nguyễn

Thủ tục thưa kiện theo pháp luật Triều Nguyễn

12/10/2021 03:22 |

(LSVN) - Luật nghiêm cấm các thân thuộc không được thưa kiện hoặc tố cáo nhau, trừ trường hợp phạm tội nghiêm trọng làm xâm hại đến nhà vua (bất trung), và cha mẹ (bất hiếu).

Ảnh minh họa.

Việc kiện thưa được quy định từ Điều 301 đến Điều 311 của Bộ Luật Gia Long.

Về đơn kiện, theo Điều 305 Luật Gia Long quy định về việc gửi đơn kiện, chỉ cho phép một đơn thư đối với một việc, trong đó thưa về chuyện phạm tội thật và có bằng chứng. Vụ việc phải có liên hệ mật thiết với mình thì mới được trình thưa.

Điều 308 Luật Gia Long quy định rõ chủ thể thưa kiện phải trực tiếp công khai và phải có đủ chứng cứ. Ngoài ra, nếu kiện thưa việc quân lương hoặc quản lý về quân đội hay dân chúng thì phải công khai đồng loạt thưa lên. Lý trưởng nhận lãnh và đem trình với nha môn châu, huyện thì mới được thụ lý.

Luật quy định trường hợp kiện vượt cấp sẽ bị xử phạt 50 roi. Nếu đón chờ xa giá của nhà vua đi qua để thưa gửi sự việc mà không đúng về tình thật thì bị xử phạt 100 trượng. Nếu xông thăng vào nghi trượng của nhà vua để thưa gửi mà chuyện không thật thì bị xử treo cổ. Nhưng nếu vì bị oan uổng mà buộc phải làm như vậy để mong mình được thoát tội thì là chuyện khác, nghĩa là không bị bắt tội (Điều 301 Luật Gia Long).

Trên nguyên tắc, đơn kiện phải do đương sự làm và nộp tại nha môn có thẩm quyền phân xử vụ kiện. Nhưng nhiều khi, vì đương sự không biết chữ, nên đơn kiện phải do người khác làm hộ; trong trường hợp này, họ tên và địa chỉ của người làm đơn phải được ghi rõ ở cuối đơn.

Để hạn chế việc khởi kiện, Điều 309 của Luật Gia Long quy định về việc nghiêm trị đối với những hành vi xúi giục việc kiện cáo, hay lập mưu kế để thưa kiện, hoặc thuê người đi kiện, dạy người thưa kiện,... Theo đó, nếu đem việc hư làm việc thực để đến nỗi đơn kiện bị sai lạc thì người làm đơn hộ sẽ bị trị tội.

Điều 388 trong Luật Gia Long quy định, nếu những lại điển (tức là các thư lại) làm việc về hình án tại các nha môn, mà thay cho người ta trong việc viết tờ khai, hay thảo tờ khai thêm về tình tiết vào đơn kiện thì cứ theo luật “cố xuất nhập nhân tội" (cố ý thêm bớt tội cho người) để xử.

Khi nộp đơn kiện, các đương sự phải nộp tiền “đảm lễ" tại công đường. Sở dĩ có sự quy định về việc nộp tiền đảm lễ một cách công khai là để tránh việc đút lót hối mại quyền thế. Đảm lễ có nghĩa như tụng phí (đảm lễ có nghĩa là gánh chịu các phí tổn). Đảm lễ phải nộp nhiều hay ít, tuy theo cấp nha môn trên dưới và số các quan xử án, cùng lại thuộc nhiều hay ít. Tiền đảm lễ được dùng để cấp cho các viên chức ở nha môn.

Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định quyền khởi kiện vụ án. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:

- Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

- Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

- Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Ngoài đơn kiện còn có đơn tố cáo. Để tránh những sự tố cáo không xác đáng, nhà làm luật bắt buộc đơn tố cáo phải ghi rõ ngày tháng xảy ra việc phạm pháp, và chỉ được tố cáo việc thực sự, không được nói đến những việc còn ngờ.

Như vậy, dù đơn tố cáo có ký tên hẳn hoi mà không hội đủ các điều kiện nói trên thì cũng không được thụ lý. Trong Luật Gia Long, nhà làm luật đã trừng phạt đối với những trường hợp tố cáo nặc danh. Theo Điều 302 Luật Gia Long, phàm ai bỏ giấy hay là dán giấy nặc danh để cáo tội người khác thì bị phạt tội giảo giam hậu, dù việc tố cáo là có thực cũng bắt tội. Hễ ai thấy các giấy tờ ấy thì phải đốt ngay, nếu không đốt mà đem đến quan thì phải phạt 80 trượng. Nếu quan thụ lý những đơn nặc danh cũng phải bị phạt 100 trượng.

Đối với kẻ bị tố cáo, dù việc tố cáo là có thực, cũng không bắt tội. Đang lúc có người bỏ giấy nặc danh, nếu ai bắt được cả người với giấy tờ, đem giải nộp quan thì được thưởng 10 lạng bạc. Việc vu cáo cũng bị luật nghiêm trị. Nếu người bị vu cáo do việc vu cáo đó mà đã được xét xử và thi hành án thì người vu cáo bị hình phạt tương ứng.

Bộ luật còn quy định một số trường hợp khác như quan lại vu cáo, vu cáo tôn trưởng, vu cáo một người mắc nhiều tội, vu cáo 2 hoặc nhiều người, các trường hợp này đều bị xử tăng nặng. Vu cáo phản nghịch gây rối đều không xử đến vợ con. Con cháu mà vu cáo ông bà cha mẹ thì bị xử treo cổ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo. Cụ thể, người tố cáo có các quyền như được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; rút tố cáo; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây: Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ về tội "Vu khống". Theo đó, người nào thực hiện hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Luật nghiêm cấm các thân thuộc không được thưa kiện hoặc tố cáo nhau, trừ trường hợp phạm tội nghiêm trọng làm xâm hại đến nhà vua (bất trung) và cha mẹ (bất hiếu) (Điều 305, 306 Luật Gia Long).

Theo Điều 306 Luật Gia Long, nhà làm luật cấm con cháu không được kiện ông bà, cha mẹ, ông bà ngoại, và vợ không được kiện ông bà cha mẹ của chồng; con cháu không được tố cáo ông bà cha mẹ, ông bà ngoại, ông bà cha mẹ chồng.

Điều 308 Luật Gia Long quy định, người bị tù không được quyền cáo tố người khác; trừ việc tố cáo ngục quan, ngục tốt đối xử tàn tệ, hoặc hành hạ, xâm phạm đối với mình. Người già bệnh nặng cho phép được nhờ người khác đại diện cáo tố thay cho mình. Nhưng đối với trường hợp tố cáo các việc mưu phản, mưu đại nghịch, bất hiếu thì phải tự mình đi tố cáo.

Luật Gia Long không quy định về độ tuổi kiện thưa.

CẨM NGỌC

Tội tử hình trong Luật Gia Long

Lê Minh Hoàng