/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Tội tử hình trong Luật Gia Long

Tội tử hình trong Luật Gia Long

02/08/2021 07:50 |

(LSVN) – Hình phạt tội tử (tử hình) thời xưa được chia ra năm bậc tùy theo mức độ phạm tội. Hai bậc tử hình thường là trảm và giảo. “Trảm” là chém đầu, “giảo” là giết chết nhưng được giữ toàn thân xác (như thắt cổ). Ngoài ra, còn ba bậc tử hình thêm (gọi là “nhuận tử”) mang tính chất nghiêm khắc hơn.

Bộ luật Gia Long là văn bản pháp luật quan trọng nhất và cũng là di tích pháp lý lớn nhất của Nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỉ XIX.

Bộ luật Gia Long, tên gọi chính thức là “Hoàng Việt luật lệ”, ngoài ra, còn được gọi với tên khác như “Hoàng triều luật lệ”, “Quốc triều điều luật". Bộ luật do Tổng tài Nguyễn Văn Thành chủ trì việc biên soạn từ năm 1811 theo chỉ dụ của vua Gia Long và được ban hành năm 1815.

Bộ luật gồm 398 điều, chia thành 22 quyển, được xây dựng trên cơ sở khảo xét, tham chiếu Bộ luật Hồng Đức (tức Quốc triều Hình luật, là Bộ luật của nhà Lê), nhưng chủ yếu là mượn bộ luật của nhà Thanh, nhưng đã được chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam lúc bấy giờ. 

Hoàng Việt luật lệ ngoài quyển đầu là mục lục các điều luật, bảng (hay đồ), thể lệ về phục tang, diễn giải thuật ngữ, các quyển còn lại được chia thành 6 thể loại, tương ứng với việc của 6 bộ: Lại, Bộ, Lễ, Binh, Hình, Công. 

“Tội tử” là hình phạt tử hình, giết chết. Tại Điều 1 Luật Gia Long chỉ ghi tội tử gồm có 2 bậc chính là: giảo (thắt cổ) và trảm (chém đầu).

Trảm được xem là nặng hơn giảo vì đối với hình phạt trảm thì thân và đầu của tội nhân bị cách biệt, còn đối với hình phạt giáo thì chỉ có việc chấm dứt về sự sống mà thân thể của phạm nhân thì được toàn vẹn.

Đối với những tội nhân bị xử giảo hay trảm mà đem thi hành ngay thì được gọi là giảo quyết hay trảm quyết. Còn ngoài những trường hợp này, thì các tội nhân đều được đem giam kỹ để chờ các quan trong Đại Lý tự ở Kinh đô khi đến kỳ thu thẩm thì sẽ đưa ra để được xem xét lại (người ta gọi đó là việc xét án vào mùa thu), nên đối với những trường hợp tạm giam này thì được gọi là giam hậu (trảm giam hậu, giảo giam hậu), tức là việc giam chờ. Các quan trong Đại Lý tự sẽ xem xét cẩn thận lại hồ sơ của tử tội và chia ra làm 3 bậc được gọi là: số tình thực (tức là tình tội chắc thực, bị y án; số hoãn quyết (có nghĩa là tạm hoãn sự thị hành hình phạt); và số căng nghi (tức nên thương (căng) và còn ngờ (nghi), được tâu lên để cho nhà vua quyết định.

Ảnh minh họa.

Ngoài 2 bậc tử hình được ghi trong chính điều, trong Luật Gia Long còn có 3 bậc tử hình gọi là nhuận tử (hay nhuận hình), tức là hình phạt được gia tăng thêm. Các hình phạt nhuận hình này rất nghiêm khắc, chúng chỉ được áp dụng trong một số trường hợp hãn hữu, đó là :

Tội lăng trì (tùng xẻo)

Lăng trì là hình phạt xẻo từng miếng thịt cho cái chết diễn ra dần dần, rồi moi ruột gan, phân thây, muối xương, tức là việc làm cho tội nhân bị chết một cách hết sức đau đớn cho phải đáng tội, và nhằm mục đích nêu gương cho những người khác răn chừa.

Theo điều chú thích trong Luật Gia Long, các hình phạt chặt chân tay cũng như tru di tam tộc đều đã bị bãi bỏ, cho nên phải có hình phạt lăng trì để trừng phạt những tội đại nghịch đối với nhà vua và những tội đại bất hiếu. Tuy nhiên, cũng ở Điều 1 Luật Gia Long có đoạn nói: Lăng trì là một hình phạt ghê khiếp nhất trong các hình phạt. Không chỉ trong Ngũ hình ngày nay người ta không ghi nó, mà cả trong Ngũ hình ở thời thượng cổ cũng chưa thấy kể đến nó. Quy tắc của xử tội này là người ta khoét thịt trên thân tội nhân 1 tấc, róc cho đến khi hoàn toàn hết thịt, liền sau đó, đối với nam giới thì cắt đứt bộ phận sinh dục, đối với nữ giới thì cho lấy vải che, rồi cắt mổ bụng, moi tạng phủ cho đến khi chết hẳn, rồi sau đó cắt lấy tay chân và cắt những khớp xương, đập bể đối với xương sống. Người ta không biết hình phạt này bắt nguồn từ đâu. Nhưng có cho biết là ngày xưa, vua nhà Thương đã mổ bụng phụ nữ có thai và người hiền sĩ, đem ngâm muối da thịt của Bá Ấp Khảo. Phải chăng đó là khởi nguyên của hình phạt lăng trì này? Mặt khác, trong thời Chiến Quốc, một người cha giả danh đã bị xé xác bởi xe kéo, phải chăng đó là khởi đầu của hình phạt lăng trì?

Tiếp theo, ở đời Hán từng tru di tam tộc, mà trước hết là khắc dấu vào mặt, theo mũi, cắt ngón chân, cắt cả bộ phận sinh dục, đánh bằng roi cho đến khi chết, rồi lấy đầu bêu lên, đem xương thịt ngâm vào trong nước muối. Nhưng ngày nay, vĩnh viễn bỏ nhục hình, vĩnh viễn bỏ độc hình, chỉ còn giữ lại hình phạt ghế khiếp ngoài hết thảy mọi ghế khiếp này bằng cách chém kẻ bất trung, bất hiếu.

Tội trảm kiêu (chém bêu đầu)

Trảm kiêu là hình phạt chém đầu rồi ghi rõ tên và tội đem treo lên đầu một cây sào, sau đó đem đi cắm bêu ở nơi ngã tư đường cái cho tất mọi người đều biết để mà răn sợ. Hình phạt này lần đầu tiên được vua Chu Vũ Vương dùng để bêu đầu vua Trụ trên ngọn một lá cờ hiệu trắng để cho mọi người biết rằng tội nhân đã bị trừng trị. Tội chém bêu đầu răn bắt đầu có từ đó. Hình phạt chém bêu đầu được gọi là chúng Kiều vốn là mượn nghĩa từ loài chim và loài thú, đồng loại giữa chúng nhưng chúng giết nhau dữ tợn, mà trong đó dữ nhất là loài chim Kiêu và thú Kính. Chim Kiêu thì ăn thịt mẹ, thú Kính thì ăn thịt cha.

Chim Kiêu lúc mới sinh ra, thì chim mẹ bằng nhiều phương kế để kiếm mồi về nuôi dưỡng chúng. Nhưng đến lúc chim con đủ lông đủ cánh, mạnh khỏe rồi, thì mẹ chúng lại đã già yếu và mù lòa kiệt sức, không còn kiếm nổi mồi để nuôi chúng được nữa thì bầy chim Kiêu con này bèn xé xác mẹ của chúng ra mà ăn. Chúng ăn no nê hết thịt của mẹ chúng rồi, chỉ còn lại cái đầu và chúng đem tha mang lên cành cây. Đó là con đường bí mật mà trời đã dành để trừng phạt những kẻ phạm tội như thế.

Các vua thời xưa ở Trung Quốc đã phỏng theo hình thức đó để gây nên nỗi sợ hãi đối với phạm nhân và tất cả mọi người. Nhưng chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng nhất thì người ta mới dùng đến hình phạt trảm kiêu để cảnh cáo cho mọi người, nêu lên một hình phạt khủng khiếp là để ngăn ngừa đối với kẻ ác, ngoài việc bắt đứng để chặt đầu rồi lại lấy đầu đem bêu lên thật là khiếp đảm vậy.

Tội lục thi (phân thây)

Lục thi là hình phạt băm thây. Khi hết thở gọi là chết. Hình hài còn lại gọi là xác chết. Khi xét xử tội phạm cần phải nghiên cứu và áp dụng luật một cách đúng đắn. Trên nguyên tắc, khi một phạm nhân đã chết rồi thì không cần phải xử tội nữa. Người ta bảo luật trời đã phạt y thì con người không còn đòi hỏi gì hơn ở phạm nhân nữa.

Tuy nhiên, nếu tội nhân là kẻ cực ác, tội quá nặng, giống như là chim Kiêu thú Kỉnh, thì dẫu phạm nhân đã chết rồi thì cũng không thể tha thứ được. Vì dù luật trời có trừng phạt y, nhưng luật người thì cũng phải tiếp tục ra tay trừng trị y cho đến cuối cùng và việc bằm xác chết ấy ra là để làm gương cho mọi người, nhằm đưa sự ủng dụng của luật pháp đến tận nơi biên giới cuối cùng của sự trừng trị vậy.

Đó là 3 hình phạt nhuận tử đặc biệt, ít khi được áp dụng trong thực tế và chúng không phải là chính hình của pháp luật dưới triều Nguyễn, và đã không được xếp vào hệ thống của Ngũ hình dưới triều đại này.

Trong Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ XV) và Bộ luật Gia Long (thế kỷ XIX) ở nước ta đều có quy định đủ cả năm bậc tử hình như nói trên. Và lăng trì được định nghĩa là “một cực hình ngoài mức cực hình” (lăng trì giả cực hình ngoại chi cực hình”). Vua Gia Long đã từng tuyên bố: “Ngày nay vĩnh viễn bỏ nhục hình, vĩnh viễn bỏ độc hình, chỉ còn giữ lại hình phạt ghế khiếp ngoài hết thảy mọi ghế khiếp này là bằng cách trảm kẻ bất trung, bất hiếu mà thôi”.

Trong Bộ luật Gia Long có một số tội điển hình “bất trung bất hiếu” như:

- Mưu phản và đại nghịch chống vua và xã tắc (Điều 223).

- Mưu giết ông bà, cha mẹ (Điều 253, 288).

- Gian dâm và âm mưu giết chồng (Điều 253).

- Giết một nhà ba người (Điều 256)

CẨM NGỌC

Các đối tượng nào được hỗ trợ giảm tiền điện sinh hoạt đợt 4?

Lê Minh Hoàng