Ảnh minh họa.
Theo Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo như sau: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những quyền dân chủ cơ bản của công dân, quyền này được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện trên thực tế. Bởi vậy vấn đề tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam luôn có sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Những tín ngưỡng tôn giáo tốt đẹp hướng đến sự hiếu thuận, thiện lương, khơi gợi tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ trong cộng đồng, phấn đấu xây dựng một xã hội giàu đẹp, văn minh luôn được nhân dân đón nhận.
Cũng theo khoản 5, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Ở Việt Nam hiện nay có 06 tôn giáo lớn đang hoạt động là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo. Trong đó, Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên, từ thế kỷ X đến thế kỷ XV Phật giáo có những bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam cùng với nền độc lập của dân tộc.
Phật giáo là một tôn giáo đồng thời cũng là một hệ thống của triết học có nguồn gốc từ Ấn Độ bao gồm một loạt các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, giải thích hiện tượng tự nhiên, tâm linh, xã hội, bản chất sự vật và sự việc; các phương pháp thực hành, tu tập dựa trên những lời dạy ban đầu của một nhân vật lịch sử có thật tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Siddhārth Gautama) và các truyền thống, tín ngưỡng được hình thành trong quá trình truyền bá, phát triển Phật giáo sau thời Tất-đạt-đa Cồ-đàm.
Ngày nay có tồn tại 03 truyền thống Phật giáo chính ở trên thế giới là: Phật giáo Nam truyền (Nam tông): Đây là truyền thống Phật giáo được truyền từ Nam Ấn đến Sri Lanka, theo đường biển truyền đến khu vực Đông Nam Á. Đại biểu lớn nhất cho truyền thống này là Thượng tọa bộ, với hệ kinh điển Pali được coi là bảo tồn gần nhất với triết lý nguyên thủy của Phật giáo.
Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông): Là truyền thống Phật giáo được truyền từ Bắc Ấn đến Trung Á, theo Con đường tơ lụa truyền đến Trung Quốc, lan sang Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Truyền thống này lấy tư tưởng Đại thừa làm chủ đạo, nên nó còn gọi là Phật giáo Đại thừa, với hệ kinh điển Sankrit - Hán ngữ đồ sộ, phong phú.
Phật giáo Mật truyền (Mật tông): Mật truyền cũng được truyền qua Trung Á, qua Con đường tơ lụa đến Tây Tạng, sau đó lan sang Mông Cổ, Nepal và Bhutan. Chịu ảnh hưởng tư tưởng Chân ngôn, tiêu biểu là hệ phái Kim cương thừa, sử dụng hệ kinh điển Tạng ngữ là chính.
Phật giáo Nam tông thì phát triển mạnh ở Sri Lanka và Đông Nam Á (Campuchia, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Miền Nam Việt Nam). Phật giáo Bắc tông thì phát triển mạnh ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam) và bao gồm nhiều phân nhánh nhỏ hơn như Tịnh độ tông, Thiền tông,...
Các trường phái Phật giáo khác nhau ở quan điểm về bản chất của con đường đưa đến giác ngộ để được giải thoát, tính chính thống của các bài thuyết giảng và kinh điển, đặc biệt là ở phương thức tu tập. Vì hướng đến việc nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới khách quan nên hệ thống triết lý Phật giáo chứa đựng nhiều quan điểm bản thể luận và nhận thức luận.
Tu sĩ Phật giáo không chỉ tu tại chùa hàng ngày tụng kinh niệm Phật, nhận cúng dường, mà còn có hình thức tu khất thực, gọi là “Hạnh đầu đà”, là hình thức tu khổ hạnh, nguyên thủy từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Giáo lý đạo Phật được truyền bá công khai và rất dễ dàng tiếp cận qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, mọi người dân đều có thể học theo, làm theo phải tu tập. Người tu hành không chỉ là người cạo đầu, mặc áo cà sa sống trong chùa, tu viện hàng ngày tụng kinh niệm Phật mà có thể tu tại gia… Bất kỳ người dân nào yêu mến, tin tưởng một tôn giáo nào đó thì đều có quyền theo, nếu không thích nữa thì có quyền từ bỏ. Đó là quyền tự do tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Trong xã hội, khi một người có cách ăn mặc, cử chỉ, hành vi, phong thái giống như một hòa thượng thì người ta có thể nghĩ rằng đó là nhà sư. Tuy nhiên không phải ai cạo đầu, mặc áo nâu, tụng kinh niệm phật cũng là sư. Những người được coi là sư, là tu sĩ phật giáo, là nhân sự thuộc sự quản lý của chùa, tự viện có sự quản lý của Giáo hội phật giáo.
Những người tu tập theo đạo Phật, có đăng ký, tu tập thuộc nhân sự chùa, tự viện, có sự quản lý của Giáo hội phật giáo thì phải tuân thủ các quy tắc của giáo hội, nếu vi phạm thì có thể bị kỷ luật và còn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu hành vi là vi phạm pháp luật.
Còn đối với những công dân không đăng ký tu tập tại những ngôi chùa, tự viện, không tham gia là nhân sự thuộc giáo hội phật giáo thì không chịu sự quản lý của giáo hội, tuy nhiên pháp luật cũng không cấm. Mọi người đều có thể tự tu tập, tự mình học theo làm theo các giáo lý, giáo luật của các tôn giáo mà pháp luật cho phép, và đó là biểu hiện của quyền tự do tôn giáo.
Bởi vậy, những trường hợp hiện nay dù không phải là các nhà sư, không tu tập ở bất kỳ ngôi chùa nào, không phải là nhân sự của tự viện, không thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo thì hành vi tự mình tu tập theo đạo phật, thực hành "Hạnh đầu đà" tu tập khổ hạnh theo đạo Phật thì đó là một cách công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, pháp luật không cấm. Những trường hợp này đã có nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý đạo Phật, tự mình tu tập không có gì là sai trái, đạo Phật cũng không cấm những người như vậy.
Tuy nhiên, những ngày qua nhiều người vì tò mò, hiếu kỳ và những người sử dụng mạng xã hội thường xuyên đi theo để phát trực tiếp lên mạng xã hội hoặc quay các clip để đưa lên các kênh mạng xã hội của mình tạo thành những đám đông gây cản trở giao thông và có thể gây mất an ninh trật tự. Đây là một hiện tượng mạng xã hội mới phát sinh trong những ngày qua. Do đó, giáo hội phật giáo đã lên tiếng để xác nhận những thông tin về sự việc, đồng thời có những khuyến cáo trước cộng đồng. Chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, sự việc này cần phải được tuyên truyền, cảnh báo để sự hiếu kỳ của người dân không gây ra những bất ổn về an ninh trật tự, về giao thông công cộng.
Những hành vi gây rối trật tự trật tự công cộng, gây ách tắc giao thông hoặc lợi dụng thông tin sự việc để gây chia rẽ tôn giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của những người tu hành, gây ra mất đoàn kết trong cộng đồng thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Giáo hội phật giáo và chính quyền địa phương cần có những hoạt động tuyên truyền tích cực để người dân hiểu được về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, hiểu được về giáo lý giáo luật để việc tu tập được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, theo giáo luật và hướng đến những giá trị tích cực, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Mở đường trong đô thị: Làm thế nào để hài hòa lợi ích các bên?