Ảnh minh hoạ.
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ thực phẩm. Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu đối với đời sống con người, có tầm quan trọng lớn trong việc nuôi dưỡng, phát triển và tồn tại của mỗi cá nhân. ATVSTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về ATVSTP tại đây vẫn còn nhiều hạn chế. Các vấn đề phức tạp về thủ tục hành chính, thiếu hụt nguồn lực kiểm tra và giám sát, cùng với nhận thức chưa đầy đủ của người dân và doanh nghiệp đang làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật về ATVSTP. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm. Nhận thức vấn đề đó, việc nghiên cứu và phân tích pháp luật về cấp Giấy phép ATVSTP sẽ góp phần làm rõ các bất cập hiện hữu, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi.
Thực trạng pháp luật về thực hiện cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện nay, quy định về điều kiện cấp Giấy phép ATVSTP được quy định tương đối toàn diện, trở thành điều kiện bắt buộc đối với một số lĩnh vực. Cụ thể, theo Điều 11, khoản 1 Điều 4 17/2018/TT-BNNPTNT, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 22/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Trừ các trường hợp ký cam kết an toàn thực phẩm thì tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Căn cứ khoản 2 Điều 11, Điều 28 Nghị định 15/2018 và khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu:
Một là, có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này.
Hai là, có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ba là, phải thiết lập và duy trì hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát quá trình sản xuất và lưu thông, phân phối nhằm bảo đảm mọi sản phẩm do cơ sở sản xuất đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và an toàn đối với người sử dụng cho đến hết hạn sử dụng.
Bốn là, đủ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc được giao và được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản GMP để phân tích mối nguy kiểm soát điểm tới hạn về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên môn liên quan. Trưởng bộ phận sản xuất và trưởng bộ phận kiểm soát chất lượng phải là nhân sự chính thức, làm việc toàn thời gian cho cơ sở và độc lập với nhau. Người phụ trách chuyên môn của cơ sở phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành Y, Dược, Dinh dưỡng, An toàn thực phẩm, Công nghệ thực phẩm và phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc tại lĩnh vực chuyên ngành có liên quan.
Năm là, hệ thống nhà xưởng, thiết bị và tiện ích phụ trợ được thiết kế, xây dựng, lắp đặt phù hợp với mục đích sử dụng, theo nguyên tắc một chiều, dễ làm vệ sinh, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn, tránh tích tụ bụi bẩn, ô nhiễm và các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến sản phẩm và thực hiện duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày.
Sáu là, thực hiện và lưu đầy đủ hồ sơ, tài liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu thông phân phối để truy xuất được lịch sử mọi lô sản phẩm và hồ sơ ghi chép toàn bộ các hoạt động khác đã được thực hiện tại cơ sở.
Bảy là, mọi thao tác sản xuất phải thực hiện theo quy trình, hướng dẫn. Áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất để phòng, tránh nguy cơ nhầm lẫn, ô nhiễm, nhiễm chéo. Ghi chép kết quả ngay khi thực hiện thao tác hoặc ngay sau khi hoàn thành công đoạn sản xuất vào hồ sơ.
Tám là, có bộ phận kiểm soát chất lượng để bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo các điều kiện, quy trình phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn đã thiết lập; các phép thử cần thiết đã được thực hiện; nguyên vật liệu không được duyệt xuất để sử dụng, sản phẩm không được duyệt xuất bán khi chưa được đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu; sản phẩm phải được theo dõi độ ổn định. Trong trường hợp kiểm nghiệm hoặc sản xuất theo hợp đồng thì bên nhận hợp đồng phải có đủ nhà xưởng, trang thiết bị và nhân sự đáp ứng yêu cầu bên giao và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý có thẩm quyền về điều kiện kiểm nghiệm hoặc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Chín là, có quy trình quy định giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm, hoạt động tự kiểm tra; thực hiện theo quy trình và ghi chép, lưu giữ đầy đủ hồ sơ đối với các hoạt động này.
Để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần phải có đầy đủ thông tin về việc đã đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Đối với các cơ sở chế biến thức ăn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tuân thủ các điều kiện này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh. Qua đó, chúng ta thấy rõ sự quan trọng của việc thiết lập và duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm. Điều kiện cấp Giấy phép ATVSTP với những cơ sở ăn uống cũng có những nét đặc thù so với các lĩnh vực khác điển hình:
Bố trí bếp ăn: Bếp ăn cần được bố trí một cách hợp lý để đảm bảo không xảy ra hiện tượng lây nhiễm chéo từ thực phẩm chưa chế biến sang thực phẩm đã chế biến. Cụ thể, khu vực sơ chế thực phẩm sống phải được phân chia riêng biệt với khu vực chế biến thực phẩm chín. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc các tác nhân gây hại khác từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bề mặt bếp nấu và các dụng cụ chế biến cần được làm từ các vật liệu dễ lau chùi và khử trùng, giúp việc vệ sinh được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, bếp ăn cần được trang bị hệ thống thông gió tốt để đảm bảo không khí trong khu vực bếp luôn sạch sẽ, giảm thiểu mùi hôi và nguy cơ tích tụ các chất độc hại.
Nguồn nước: Các cơ sở chế biến thức ăn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để phục vụ việc chế biến, sản xuất và kinh doanh. Nguồn nước sử dụng phải được kiểm tra chất lượng định kỳ và phải đạt chuẩn trước khi sử dụng. Điều này đảm bảo rằng nước không chứa các tác nhân gây hại có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Hệ thống cấp nước và thoát nước cũng phải được thiết kế và thi công đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm nguồn nước. Nước thải từ quá trình chế biến phải được xử lý đúng quy định trước khi xả ra môi trường.
Rác thải: Các cơ sở chế biến thức ăn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có đầy đủ các dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải và chất thải đảm bảo vệ sinh. Hệ thống thu gom rác thải phải được thiết kế và vận hành hợp lý, đảm bảo rác thải được thu gom thường xuyên và xử lý đúng quy định. Khu vực chứa rác thải phải được đặt cách xa khu vực chế biến thực phẩm và phải có biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại xâm nhập.
Hệ thống cống rãnh: Hệ thống cống, rãnh tại khu vực cửa hàng và nhà bếp phải thông thoát và không bị ứ đọng. Cống rãnh cần được vệ sinh định kỳ để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Một hệ thống cống rãnh hoạt động tốt giúp ngăn ngừa sự tích tụ của chất thải và nước bẩn, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát sinh các mầm bệnh.
Nhà ăn: phải được thiết kế thoáng mát, có đủ ánh sáng và luôn được vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau khi sử dụng. Cần có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực nhà ăn để đảm bảo môi trường ăn uống an toàn và vệ sinh cho người tiêu dùng.
Thiết bị bảo quản thực phẩm: Các cơ sở chế biến thức ăn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có đầy đủ các thiết bị bảo quản thực phẩm phù hợp với từng loại thực phẩm khác nhau. Các thiết bị bảo quản phải đảm bảo vệ sinh, an toàn và được sử dụng đúng cách. Khu vực bảo quản thực phẩm cần được kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm thường xuyên để đảm bảo điều kiện bảo quản tốt nhất cho thực phẩm, ngăn ngừa sự hư hỏng và ô nhiễm.
Trang thiết bị chế biến: Phải có đầy đủ các trang thiết bị phù hợp cho việc xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển thực phẩm. Trang thiết bị phải được làm từ vật liệu an toàn cho sức khỏe, dễ lau chùi và khử trùng. Việc bảo quản và bảo dưỡng trang thiết bị định kỳ là cần thiết để đảm bảo thiết bị luôn hoạt động hiệu quả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khử trùng vệ sinh: Phải có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện để khử trùng và vệ sinh khu vực chế biến, dụng cụ, thiết bị và nhà ăn. Việc khử trùng và vệ sinh phải được thực hiện định kỳ và đúng quy trình để đảm bảo môi trường chế biến và kinh doanh thực phẩm luôn sạch sẽ và an toàn.
An toàn thực phẩm: Phải duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Cần lưu giữ hồ sơ ghi chép về nguồn gốc và xuất xứ của nguyên liệu, thực phẩm cùng các tài liệu mô tả mọi quy trình từ sản xuất đến kinh doanh thực phẩm. Việc này giúp truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng khi có vấn đề phát sinh, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh.
Sức khỏe nhân viên: Đảm bảo đội ngũ nhân viên trực tiếp sản xuất và kinh doanh thực phẩm có sức khỏe tốt, được đào tạo kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và tuân thủ các quy định về sức khỏe theo quy định. Sức khỏe và hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhân viên là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và an toàn của thực phẩm cung cấp đến người tiêu dùng.
Nhìn chung, thực trạng pháp luật hiện nay về cấp giấy phép ATVSTP cho thấy hệ thống pháp luật rõ ràng và đầy đủ, các quy định pháp luật về cấp giấy chứng nhận ATVSTP đã được xây dựng một cách đầy đủ và chi tiết. Các quy định về cấp giấy ATVSTP không chỉ bao gồm các yêu cầu cơ bản mà còn chi tiết về từng khía cạnh như: điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ, điều kiện nhân sự, quy trình xử lý thực phẩm, và các biện pháp quản lý nguy cơ.
Một số bất cập và hạn chế
Thứ nhất, thiếu cán bộ chuyên trách về quản lý ATTP, đa số làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, khối lượng công việc phụ trách nhiều nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ kịp thời. Đối với các mặt hàng phục vụ ăn tươi như rau các loại... giá nông sản còn thấp, chưa ổn định ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nông dân, việc đầu tư chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức; diện tích liên kết sản xuất còn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế của địa phương, phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp.
Thứ hai, chính sách và cơ chế cho sản xuất hữu cơ chưa đầy đủ như: Thiếu chính sách về thị trường cho các sản phẩm hữu cơ; chính sách đặc thù hỗ trợ cho mô hình liên kết chuỗi; vốn đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học mới, giá cả.... Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, lạm phát đang tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, một số cơ sở nghỉ hoạt động, một số thu hẹp quy mô sản xuất nên việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho sản xuất bị hạn chế khiến cho việc khắc phục các sai lỗi trong kiểm tra, đánh giá định kỳ điều kiện cơ sở gặp khó khăn.
Thứ ba, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục; gây khó khăn trong quá trình áp dụng, triển khai thực tế tại địa phương. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức hoạt động của các cơ quan quản lý chất lượng, ATTP nói chung có sự biến động, chưa ổn định khiến cho công tác quản lý chuyên ngành về ATTP phần nào chưa xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo điều hành công việc.
Việc bố trí các nguồn kinh phí cho các hoạt động lấy mẫu giám sát, xây dựng các mô hình quản lý ATTP theo chuỗi, mô hình tiên tiến điển hình còn thiếu, bị động trong việc tìm nguồn kinh phí thực hiện khiến cho việc xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn bị hạn chế.
Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm
Luật ATTP được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2011 nhưng đến cuối năm 2012 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành, các văn bản dưới Luật của các Bộ ban hành, đồng thời chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa. Khi thực thi thì bộc lộ nhiều chồng chéo giữa các văn bản với nhau, không có tính khả thi và không có sự liên kết chặt chẽ, tạo nhiều bất cập khiến không thể kiểm soát chặt chẽ các quy định về ATTP. Để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như là tính hệ thống, đồng bộ trong việc thực thi pháp luật về ATTP, việc rà soát, đánh giá sự tương thích, phù hợp hay mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các quy định của pháp luật chuyên ngành khác so với pháp luật về ATTP cân phải được các cơ quan chức năng thực hiện.
Do đó việc thực thi giấy phép ATVSTP cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm và vấn đề tiên quyết. Việc hoàn thiện pháp luật về cấp giấy phép ATVSTP có thể cân nhắc theo một số định hướng :
Thứ nhất, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống bảo vệ pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Điều này sẽ giúp tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong công tác quản lý và kiểm tra.
Các cơ quan có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình cấp giấy chứng nhận ATVSTP, đảm bảo rằng quá trình này diễn ra minh bạch, công bằng và không bị lạm dụng. Sự giám sát này đảm bảo rằng chỉ những cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn ATVSTP mới được cấp giấy chứng nhận, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc xác định cụ thể này sẽ mang đến một số lợi thế: Cụ thể hóa đối tượng trong pháp luật ATVSTP. Từ đó có những giải pháp đồng bộ, chính xác và kịp thời để việc bảo vệ người sử dụng thực phẩm cũng như người kinh doanh sản xuất. Sử dụng hiệu quả nguồn lực gồm: nhân lực và vật lực cho việc cải tiến quy trình cấp giấy chứng nhận, nâng cấp tiêu chuẩn, giải quyết thủ tục nhanh chóng.
Thứ hai, gia tăng các chế tài đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm không đạt chất lượng. Tình trạng chế tài nhẹ đã khiến cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn sẵn sàng đánh đổi những khoản phạt tiền lấy những khoản lợi nhuận cao hơn nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật của mình. Chính vì thế, để tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật uy lực, có đủ khả năng răn đe các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn và bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả, nhất thiết phải gia tăng các chế tài ở cả số lượng lẫn mức độ. Cụ thể, đối với các hành vi gian lận, qua mắt các cơ quan chức năng sau khi có giấy chứng nhận ATVSTP đã không duy trì thực hành sản xuất tốt, sản xuất sạch, kinh doanh thực phẩm có sử dụng các chất cấm, chất chứa độc tố tác động trực tiếp đến sức khỏe và tỉnh mạng của người tiêu dùng cần phải khởi tố hình sự với các thang hình phạt nặng nhất. Đối với các hoạt động vi phạm ở mức nhẹ hơn cần thiết lập hình phạt với mức tiền lớn kèm các điều kiện như: cắm kinh doanh vĩnh viễn, buộc phá sản, cấm hành nghề liên quan đến thực phẩm trong một thời hạn nhất định... Các chế tài đủ mạnh, gây ra thiệt hại gấp nhiều lần lợi nhuận mới đảm bảo được tỉnh răn đe.
Thứ ba, gia tăng thẩm quyền của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cả đối với nhà nước nói chung và xã hội nói riêng cần được quy định lại về thẩm quyền theo hướng mở rộng. Các tổ chức nên được quy định cho phép mở rộng bộ máy, hỗ trợ thêm công cụ và cấp quyền trực tiếp xử lý vi phạm. Đồng thời với việc cấp thêm thẩm quyền, cần thiết phải quy định thêm các chế định giám sát hoạt động của các chủ thể này, đảm bảo chính các chủ thể này không có hành vi tha hóa quyền lực để gây ra những ảnh hưởng xấu đến hoạt động giám sát, bảo vệ chất lượng ATVSTP.
Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật cũng cần đến những giải pháp thiết thực, hiệu quả, trở thành nền tảng để những quy định đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. Trong đó cần đặc biệt lưu tâm:
Thứ nhất. Xuyên suốt mục đích cốt lõi. Đảm bảo lợi ích - phải tiếp tục xác định ATVSTP là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, của các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp và của mỗi tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân nói trên để thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực ATVSTP. Các quy định của pháp luật, cũng như tiêu chí cấp giấy phép ATVSTP phải luôn đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Đây sẽ là nguyên tắc xuyên suốt trong các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, từ việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, đến xác định cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện của NTD.
Thứ hai. Có chế tài chủ sức răng đe. Những hành vi vi phạm pháp luật - lĩnh vực ATVSTP phải được xem là một trong những nội dung trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia, và phải thường xuyên đưa vào trong các chương trình nghị sự của quốc gia. Khi có sự xung đột giữa những đảm bảo nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp với những đảm bảo cho quyền lợi ích của người tiêu dùng. Sự phát triển của mỗi doanh nghiệp chính là bước tiến chung của phát triển xã hội. Việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP là minh chứng cho sự quan tâm sát sao của Đảng và các cấp chính quyền trong bảo vệ sức khoẻ người dân, xem trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát chặc chẽ những hoạt động của tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm tạo dựng một xã hội lành mạnh, văn minh. Kết hợp với việc thẩm định giám sát để cấp giấy phép ATVSTP, các cấp chính quyền cũng cần triệt để loại trừ mọi hành vi vi phạm pháp nhằm ngăn ngừa, răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ATVSTP của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ ba. Gia tăng hiệu quả truyền thông và giáo dục người dân, doanh nghiệp. Nâng cao khả năng tự bảo vệ của người dân thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn, phổ biến pháp luật về ATVSTP. Đất nước Việt Nam của chúng ta có có đa dạng dân tộc và vùng miền khác nhau, nhận thức về an toàn thực phẩm ở mỗi nơi chưa đồng đều, cũng như hiểu biết pháp luật chưa thấu đạt. Chính vì vậy, sứ mệnh đầu tiên mà pháp luật mang lại cho người dân phải là sự thấu hiểu; người dân Việt Nam được trang bị đầy đủ kiến thức sẽ có khả năng tự bảo vệ mình tốt nhất. Việc giáo dục dân trí có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như cung cấp thông tin, kiến thức thông qua các ấn phẩm, báo chí, các hội thảo, hội nghị, triễn lãm... và đặc biệt nên đưa giáo dục về tiêu dùng vào các chương trình giáo dục ở các trường học. Song song với giáo dục dân trí, đặc biệt nhiệm vụ là giáo dục đạo đức của người hành nghề kinh doanh sản xuất thực phẩm. Làm sao cho mỗi doanh nghiệp và cá nhân phải nhận thức được muốn kinh doanh sản xuất thực phẩm phải có giấy chứng nhận ATVSTP và phải đáp ứng được yêu cầu tốt nhất các tiêu chuẩn để xứng đáng được cấp giấy chứng nhận ATVSTP.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cần nhấn mạnh vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông, đây là một kênh rất quan trọng và đem lại hiệu quả rất cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục người dân cũng như kiểm soát hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc tuân thủ pháp luật ATVSTP. Tập trung đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức của cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSTP.
Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện và chi tiết về vấn đề cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm luận văn đã đạt được những kết quả và đóng góp quan trọng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Thực trạng thực hiện các quy định pháp luật về cấp giấy chứng nhận tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được đánh giá chi tiết. Từ đó, luận văn đã nhận diện những điểm mạnh cũng như hạn chế trong công tác này.
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận ATVSTP thấp do: Hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP chưa hiệu quả, thiếu sự quan tâm, chủ động trong quản lý ATVSTP, chưa triển khai hiệu quả các văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, chất lượng thanh tra, kiểm tra chưa cao, quản lý an toàn thực phẩm tại chợ còn nhiều bất cập, một số UBND cấp huyện chưa đầu tư đúng mức.
Đề xuất những giải pháp cụ thể để thống nhất mô hình tổ chức và quản lý về an toàn thực phẩm trên cả nước Điều này giúp tránh được sự chồng chéo và mâu thuẫn trong công tác quản lý, cùng với các giải pháp cụ thể như nâng cao năng lực và chuyên môn cho cán bộ, công chức; Cải thiện chế độ đãi ngộ và thu hút nhân lực chất lượng; tăng cường thông tin, tuyên truyền và giáo dục; Đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong cấp phép. Từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng của việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Quốc hội (2011), Luật số 55/2010/QH12 Luật An toàn thực phẩm 2. Bộ Y tế (2012), Thông tư số 26/2012/TT-BYT: Quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. 3. Bộ Y tế (2014), Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT: Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. 4. Chính phủ (2016), Nghị định 77/2016/NĐ-CP: Sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương. 5. Bộ Tài chính (2016), Thông tư 279/2016/TT-BTC: Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 6. Chính phủ (2018), Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm. 7. Chính phủ (2018), Nghị định 115/2018/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. 8. Bộ Công thương (2018), Thông tư 43/2018/TT-BCT: Quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. 9. Chính phủ (2018), Nghị định 155/2018/NĐ-CP: Sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP. 10. Bộ Tài chính (2018), Thông tư 117/2018/TT-BTC: Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 11. Chính phủ (2018), Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. 12. Bộ Y tế (2019). Quyết định 135/QĐ-BYT ngày 15/01/2019 của Bộ Y tế: Về việc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực ATTP và dinh dưỡng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế. 13. Bộ Tài chính (2021). Thông tư 67/2021/TT-BTC: Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm. 14. Chính phủ (2021), Nghị định 124/2021/NĐ-CP: Quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. |
NGUYỄN THỊ KIM