Ảnh minh họa.
Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự bùng nổ thương mại điện tử. Theo Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD(1). Song hành với việc gia tăng nhanh chóng các giao dịch thương mại điện tử là những tranh chấp thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng. Theo nghiên cứu của Ethan Katsh & Colin Rule thì chỉ trong năm 2016, số lượng vụ việc tranh chấp là 821,2 triệu vụ, còn năm 2017 có khoảng 942,8 triệu vụ việc(2). Do các tranh chấp thương mại điện tử xảy ra thường xuyên và xuất phát từ tính đặc thù của loại tranh chấp này nên nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng ODR để giải quyết tranh chấp thương mại điện tử. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, phương thức ODR từ lâu đã được áp dụng rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử. Trung Quốc tiên phong với tòa án trực tuyến trong các lĩnh vực của đời sống nói chung và của thương mại điện tử nói riêng, trong khi đó, hội nghị từ xa là một phương thức nổi bật ở Singapore(3). Vì vậy, để có thể giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử nhanh chóng thì cần phải áp dụng ODR.
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong thời gian gần đây đã dẫn đến hệ quả là các tranh chấp liên quan đến thương mại điện tử xảy ra ngày càng nhiều. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến ODR. Mặc dù các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử ở Việt Nam đã khá đầy đủ nhưng lại thiếu vắng các quy định điều chỉnh trực tiếp việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Thực tế này đã gây ra không ít khó khăn cho các bên trong việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử. Cho đến nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào đề cập cụ thể, chi tiết liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Vì vậy, việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến pháp luật về giải quyết tranh chấp TMĐT bằng phương thức ODR, từ đó đề xuất xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến ODR là rất cần thiết.
Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức trực tuyến
Cho đến nay, các quy định pháp luật liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Thực tế đã có một số quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này nhưng nằm rải rác trong các văn bản pháp luật như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị định số 22/2017/ NĐ-CP về hòa giải thương mại… Nhìn chung, các quy định trong những văn bản nêu trên chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể nên khó áp dụng.
Hiện nay, khái niệm “trọng tài trực tuyến” mới chỉ tồn tại ở góc độ lý luận và được các học giả đưa ra trong các bài viết, chuyên đề nghiên cứu… đăng trên các ấn phẩm liên quan đến nghề luật mà chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Việc các nhà làm luật chưa đưa khái niệm “trọng tài trực tuyến” vào trong các văn bản pháp luật hiện hành mà cụ thể là Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên đã không tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc cho các hoạt động trọng tài trực tuyến. Mặc dù pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào cấm các trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR nhưng do chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này nên các trung tâm trọng tài còn khá e dè trong việc triển khai giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR.
Nội dung cơ bản của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chỉ quy định về các vấn đề như: thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài(4). Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam mà không có quy định nào trực tiếp liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR, cách thức thu thập chứng cứ điện tử, văn bản điện tử, chữ ký điện tử…
Theo quy định pháp luật, Bộ Công thương là đơn vị tiếp nhận và xử lý các tranh chấp thương mại điện tử, bên cạnh đó còn các trung tâm trọng tài thương mại và tòa án. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Sendo… đã tự xây dựng, thực hiện quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp riêng(5). Trong các cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại điện tử kể trên thì Trọng tài thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR cần tập trung xem xét ở các khía cạnh như: trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR; địa điểm giải quyết ODR bằng trọng tài; hình thức phán quyết của trọng tài ODR; tính hợp pháp đối với phán quyết của trọng tài ODR…
Về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định khá cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại nhưng lại chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Nhưng nhìn chung, thủ tục này gồm ba giai đoạn sau: (i) Thương lượng trực tuyến giữa các bên tranh chấp; (ii) Hòa giải trực tuyến giữa các bên tranh chấp với sự tham gia của hòa giải viên thuộc tổ chức ODR; (iii) Xét xử vụ/việc theo thủ tục tố tụng trọng tài trực tuyến nếu tổ chức ODR có chức năng hoạt động trọng tài. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng chỉ quy định chung nhất về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại, trong đó có tranh chấp thương mại điện tử bằng trọng tài và trình tự thủ tục này được quy định cụ thể hơn tại quy tắc tố tụng trọng tài của mỗi trung tâm trọng tài. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không có những quy định riêng về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR.
Về địa điểm giải quyết ODR bằng trọng tài. Khoản 8 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài “là nơi hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được xem là tuyên tại lãnh thổ Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó”. Như vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 xác định địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là “địa điểm về mặt địa lý” chứ không phải “địa điểm về mặt pháp lý”. Việc quy định như vậy có thể dẫn đến rủi ro đối với phán quyết trọng tài khi thực hiện xét xử tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR bởi phán quyết đó có thể bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc bị hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài nếu như các bên thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam nhưng các trọng tài viên lại được chọn từ các nước khác nhau. Điều này xuất phát từ đặc thù của ODR là các thành viên của hội đồng trọng tài sẽ không gặp trực tiếp các bên tranh chấp mà họ ở các địa điểm khác nhau để giải quyết tranh chấp thông qua video call hoặc chat room.
Về hình thức phán quyết trọng tài ODR. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định hình thức phán quyết trọng tài bằng văn bản(6) và phán quyết đó phải có chữ ký của các trọng tài viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phán quyết trọng tài ODR thường được đưa ra dưới hai hình thức sau: (i) Phán quyết được viết dưới dạng giấy có chữ ký hợp lệ của các trọng tài viên, sau đó phán quyết đó được scan và gửi cho các bên liên quan. (ii) Phán quyết được viết dưới dạng dữ liệu điện tử có chữ ký điện tử của các trọng tài viên. Như vậy, phương thức ODR bằng trọng tài khác biệt cơ bản so với phương thức trọng tài truyền thống ở chỗ quy trình tố tụng, xét xử, ra phán quyết chủ yếu diễn ra trên không gian mạng. Hiện nay, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về hòa giải thương mại trực tuyến và đây bước đầu tạo điều kiện cho việc hình thành giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Tuy nhiên, các nội dung như: phạm vi tranh chấp được sử dụng phương thức ODR; trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của các quyết định giải quyết tranh chấp… chưa được cụ thể hóa và chưa có hướng dẫn nên các trường hợp xảy ra tranh chấp đều rất khó áp dụng. Về tính hợp pháp đối với phán quyết trọng tài ODR. Mặc dù pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài ODR. Tuy nhiên, đã có một số quy định pháp luật liên quan đến giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử. Cụ thể, Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”. Điều 12 Luật này quy định thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản “Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết”. Điều 21 Luật này quy định “Chữ ký điện tử có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký”. Vì vậy, các quy định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để từ đó nhà làm luật quy định cụ thể về tính hợp pháp của phán quyết trọng tài ODR. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể việc sử dụng chữ ký điện tử thay thế cho chữ ký trực tiếp nên điều này đặt ra vấn đề hiệu lực pháp lý của phán quyết trọng tài ODR.
Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức trực tuyến
Các nhà làm luật cần sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR để từ đó các bên có cơ sở pháp lý áp dụng vào việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử. Điều này sẽ khắc phục tình trạng các bên phải dựa vào những điều khoản về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử được các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đưa ra trên các website hoặc ứng dụng của họ. Việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR cần tập trung vào những nội dung sau:
Một là, cần bổ sung khái niệm “trọng tài trực tuyến” vào Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Việc bổ sung và định nghĩa khái niệm “trọng tài trực tuyến” vào Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động của các trung tâm trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cấm các trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này nên các trung tâm trọng tài khá lúng túng trong việc triển khai giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005, trong đó quy định khá đầy đủ về thương mại điện tử nhưng lại không có một quy định đặc thù nào cho hoạt động của các tổ chức ODR tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không khuyến khích các tổ chức ODR phát triển thì các hoạt động thương mại điện tử cũng như sự tiện lợi, an toàn mà công nghệ mang lại cho người dân sẽ bị đe dọa. Do đó, Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích và phát triển các tổ chức ODR(7).
Hai là, cần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR.
Bên cạnh các quy định tố tụng liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR trong Bộ luật này. Ngoài ra, cần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 trên cơ sở kế thừa các quy định trước đó. Do phương thức giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng trọng tài ODR ngày càng trở nên phổ biến và mang lại hiệu quả thiết thực, các trung tâm trọng tài tại Việt Nam nên ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy tắc tố tụng trọng tài và hướng dẫn cụ thể việc giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR.
Ba là, cần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến địa điểm giải quyết tranh chấp thương mại điện tử.
Vì hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR có tính đặc thù nên cần quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến địa điểm giải quyết tranh chấp và địa điểm ra phán quyết của trọng tài. Như đã đề cập ở trên, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 xác định địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là “địa điểm về mặt địa lý” chứ không phải “địa điểm về mặt pháp lý”. Điều này có thể dẫn đến rủi ro đối với phán quyết trọng tài nên cần sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng xác định địa điểm giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng trọng tài ODR là “địa điểm về mặt địa lý” cũng là “địa điểm về mặt pháp lý”. Việc quy định như vậy vẫn đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về việc lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp theo sự lựa chọn của các bên(8).
Bốn là, cần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hình thức phán quyết trọng tài ODR. Pháp luật cần quy định cụ thể về hình thức phán quyết của trọng tài ODR theo hai hướng sau: (i) Phán quyết được viết dưới dạng giấy có chữ ký hợp lệ của các trọng tài viên, sau đó phán quyết đó được scan và gửi cho các bên liên quan. (ii) Phán quyết được viết dưới dạng dữ liệu điện tử có chữ ký điện tử của các trọng tài viên. Về vấn đề này, Luật Thương mại năm 2005 quy định, trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý tương đương văn bản và Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định một thông điệp dữ liệu không thể bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì đó là một dữ liệu điện tử.
Năm là, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến tính hợp pháp đối với phán quyết trọng tài ODR.
Việc xác định tính hợp pháp đối với phán quyết trọng tài ODR có ý nghĩa rất quan trọng bởi điều này đặt ra vấn đề hiệu lực pháp lý của phán quyết trọng tài ODR. Vì vậy, bên cạnh các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến tính hợp pháp đối với phán quyết trọng tài truyền thống, nhà làm luật cần quy định cụ thể việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký trực tiếp trong tố tụng trọng tài, nhất là trọng tài ODR nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Tuy nhiên, pháp luật cần quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này để tránh việc áp dụng tùy tiện.
Kết luận
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự bùng nổ thương mại điện tử và hệ quả của nó dẫn đến các tranh chấp liên quan đến thương mại điện tử gia tăng theo tỷ lệ thuận. Trong khi đó, phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến thương mại truyền thống đã tỏ ra không phù hợp với loại hình tranh chấp mới và việc ra đời của ODR là tất yếu. Thực tiễn cho thấy, phương thức ODR được áp dụng ngày càng nhiều trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử và đã chứng minh được tính ưu việt của nó so với phương thức truyền thống. Tuy nhiên, do sự thiếu vắng của các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh các vấn đề về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR nên chưa tạo ra được hành lang pháp lý an toàn và ổn định để thúc đẩy mô hình này phát triển. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR cần phải sớm được thực hiện theo những lộ trình cụ thể nhằm giúp ODR được nhân rộng, góp phần giải quyết nhanh, hiệu quả các tranh chấp thương mại điện tử đang ngày càng gia tăng.
(1) Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, 2021, tr. 14. (2) Theo Ethan Katsh & Colin Rule, What we known and need to know about online dispute resolution (Những gì chúng ta đã biết và cần biết về giải quyết tranh chấp trực tuyến), 2016, 67 S.C.L. Rev. 329, 333 (3) Trần Hạnh Linh, Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Công thương, số 11, tháng 5/2023. (4) Xem Điều 1 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. (5) Trần Hạnh Linh, tlđd. (6) Xem Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. (7) Luật sư Trần Anh Huy & Tiến sỹ Đào Thị Hà Anh, Phương thức hòa giải và trọng tài trực tuyến (ODR), https://cspl.mic.gov.vn/ Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138275, ngày 01/3/2024. (8) Xem khoản 8 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. |
Luật sư, Tiến sĩ NGÔ VĂN HIỆP
Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh
Hoàn thiện quy định về hủy kết quả trúng thầu theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai