'Pháp quyền' hay 'Nhà nước pháp quyền'?

31/01/2022 11:28 | 2 năm trước

(LSVN) - Kế hoạch xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là một kế hoạch Đề án quốc gia có tầm vóc rộng lớn, có tính thời sự cao, thể hiện tính bức thiết cả về tư duy lý luận và thực tiễn. 12 nội dung nghiên cứu với 28 chuyên đề chuyên sâu triển khai cho thấy Kế hoạch xây dựng Đề án hướng tới xây dựng một mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp; xây dựng các chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược cải cách hành chính, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam… Để góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án, dưới giác độ khoa học pháp lý cần duy danh định nghĩa tường minh hơn một từ khóa quan trọng nhất của Đề án là “Nhà nước pháp quyền”. Việc làm rõ khái niệm này có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công và chất lượng thực tế của triển khai xây dựng Đề án.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

“Pháp quyền” hay “Nhà nước pháp quyền”?

Có nhiều ý kiến muốn gộp 2 thuật ngữ này làm một và dùng “rule of law” để giải thích cho “Nhà nước pháp quyền”, nhưng cả về nhận thức và thực tiễn đều có đáp số là không thể. Cần phải có sự phân biệt sự khác nhau giữa “Nhà nước pháp quyền” và “pháp quyền”, không thể đồng nhất, cũng không thể lấy chung nguồn gốc tiếng Anh là “rule of law”. Trong tiếng Việt thì đây đã là 2 cụm từ khác nhau. Dưới giác độ từ ngữ khoa học thì “rule of law” chỉ có thể dịch là “pháp quyền”, “nguyên tắc pháp luật”, “chế độ pháp quyền”, “tinh thần pháp luật” (như cách gọi của Montesquieu trong tác phẩm nổi tiếng của ông…), hoặc “xã hội pháp luật” vì rule of law là quy tắc vận hành chung của toàn bộ xã hội, nhưng chắc chắn không thể dịch là “Nhà nước pháp quyền” như nhiều nhà nghiên cứu luật học và chính trị học trước đây ở Việt Nam đã dịch, đã dùng và hiện đang sử dụng.

Nếu dịch ngược lại sang tiếng Anh thì “Nhà nước pháp quyền” không phải là “rule of law” mà phải là “rule of law state”, một thuật ngữ không hề có trong tư tưởng của các nhà khai sáng như Thomas Paine, Voltaire, Hobbes, Locke, Rousseau, Montesquieu, Dicey… và cũng không hề có trong pháp luật quốc tế và đời sống quốc tế hiện đại. A.V.Dicey chính thức đưa ra thuật ngữ “rule of law” lần đầu tiên trong cuốn sách xuất bản năm 1885 có tên là “Nghiên cứu về Luật Hiến pháp” (Intridution to study of Law of Constitution) trong đó giải thích nội hàm khái niệm “rule of law” như một xã hội pháp quyền chứ không phải Nhà nước pháp quyền.

Trong thực tế cách dịch sang tiếng Việt một cách trung thành về ngữ nghĩa khoa học của rule of law đã được thể hiện trong những văn kiện quốc tế như: Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948: “Xét rằng điều cốt yếu là quyền con người phải được một chế độ pháp quyền bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền”; Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000 của Liên hợp quốc thể hiện cam kết của các quốc gia: ...thúc đẩy sự “tôn trọng pháp quyền” trong các quan hệ ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế…”. Rõ rang, rule of law là pháp quyền chứ không phải là Nhà nước pháp quyền. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn của các nhà khai sáng vĩ đại, người nói đến “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” [1], người không hề sử dụng “Nhà nước pháp quyền” trong tất cả các bài nói và bài viết của mình.

Không chỉ về logic hình thức mà nội hàm của khái niệm “pháp quyền” rule of law cũng khác hẳn với “Nhà nước pháp quyền”. “Nhà nước pháp quyền” và “Nhà nước pháp quyền XHCN” là các thuật ngữ chính trị pháp lý riêng có của Việt Nam mới xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước và chính thức được ghi nhận trong các văn kiện chính trị pháp lý từ năm 1991, thời kỳ của tập trung quan liêu bao cấp đang bước vào đổi mới. Thực chất, “Nhà nước pháp quyền” theo cách gọi của Việt Nam là một cách dịch từ tiếng Nga “verkhovanstvo zakonna” hoặc “pravovoe gasudastovo”, nghĩa là hiểu “rule of law” qua tiếng Nga, trong khi đó ở Liên Xô thời kỳ đó cũng nặng nề cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bước vào tan rã Liên bang, cũng chưa rõ về khái niệm “pháp quyền”. Sau đó các nhà nghiên cứu Việt Nam đã vô tình hoặc cố ý dịch sai từ “rule of law” sang tiếng Việt thành “Nhà nước pháp quyền”.

Mục tiêu của thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” là đưa ra mô hình về một Nhà nước, xác định quyền lực và cấu trúc quyền lực của Nhà nước, củng cố quyền lực và vị thế của Nhà nước, lấy Nhà nước là đối tượng chính để hoàn thiện, củng cố, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Khác với Nhà nước pháp quyền, rule of law là trạng thái phát triển tự nhiên của sự vận động xã hội, trong đó lấy pháp luật tự thân, tôn trọng công lý, bảo đảm nhân quyền là nguyên tắc hành xử cho mọi thành viên trong xã hội, đối với mọi chủ thể quan hệ pháp luật. Rule of law là một trạng thái xã hội, một xu hướng khách quan của vận động xã hội, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội và hoạt động chính trị, không đưa ra bất cứ mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước nào mà đòi hỏi Nhà nước phải theo tinh thần, nguyên tắc của rule of law. Khi đặt bút viết Khế ước xã hội, J.J.Russo minh định để tìm ra nguyên lý chính đáng thiết lập nên một chính quyền và xã hội dân sự, trong đó nhân dân trao quyền lực cho Nhà nước để điều hành đất nước theo ý chí của nhân dân đồng thời quyền lực chính trị của chính quyền sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào nếu điều hành đất nước không theo nguyện vọng, ý chí và lợi ích của dân.

John Locke (1632 - 1704) năm 1689 viết một danh tác chính trị để đời Khảo luận thứ hai về chính quyền. Học thuyết của ông tập trung vào vấn đề quyền tự nhiên, khế ước xã hội và phân chia quyền lực, trong đó vấn đề hạn chế và kiểm soát quyền lực được đặt lên hàng đầu. Montesquieu (1689 - 1755) viết danh tác Tinh thần pháp luật tin rằng hiến pháp là nền tảng của tự do khi nó là những cam kết bảo đảm quyền con người. Học thuyết chính trị của Montesquieu bao quát nhiều vấn đề từ bản chất của pháp luật, đến các hình thức chính quyền, phân chia quyền lực, địa chính trị… nhưng quan trọng nhất là học thuyết phân chia quyền lực, được gọi là “tam quyền phân lập”, xem như đó là một tất yếu để kiểm soát quyền lực với ý tưởng căn bản: không có quyền lực nào không bị kiểm soát.

Sau này nghiên cứu những tư tưởng rule of law của các ông về xã hội dân sự và thuyết tam quyền phân lập đã có nhiều ý kiến tiếp thu khác nhau. Hiện nay ở Việt Nam không chấp nhận “tam quyền phân lập”, nhưng Tôn Trung Sơn, một người được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử đánh giá cao về những giá trị nhân văn trong tầm tư tưởng đã tiếp thu thuyết tam quyền phân lập để nâng lên thành “ngũ quyền phân lập” phù hợp đất nước Trung Hoa. Ngày 18/8/1916 trong một diễn thuyết, Tôn Trung Sơn nói: “Các nước văn minh trên thế giới hiện nay phần lớn đều thực hiện tam quyền phân lập, tuy có nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều cái hại, vì thế 15 năm trước, tôi mới đưa ra ngũ quyền phân lập. Thế nào là ngũ quyền phân lập. Đó là ngoài tư pháp, lập pháp và hành chính ra còn thêm chế độ chất vấn và thi cử.

Hai chế độ này không có gì là mới đối với nước ta, từ thời cổ đã có, là cách làm hay, có thể trở thành mô hình của các nước trên thế giới trong thời kỳ cận đại”. Những tư tưởng Pháp quyền của J.J. Russo, John Locke, Montesquieu và các nhà tư tưởng thời kỳ ánh sáng đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền Pháp 1789, Hiến pháp Hoa Kỳ 1787, Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 và Bộ luật quốc tế về Nhân quyền hiện nay.  

Như vậy, rule of law là một nguyên tắc ứng xử trong xã hội, một tinh thần pháp luật của xã hội công dân, một chế độ pháp luật công bằng và tự nhiên để bảo đảm quyền con người và chủ quyền nhân dân, một sự cam kết mạnh mẽ giữa xã hội công dân và Nhà nước để quy định phạm vi giới hạn quyền lực Nhà nước, một cách thức để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Rule of law không đưa ra bất cứ mô hình Nhà nước nào mà chỉ đòi hỏi bất cứ Nhà nước nào thực hiện nguyên tắc rule of law đều phải tôn trọng công lý, pháp luật công bằng và quyền con người. Rule of law không mang tính giai cấp và không nhằm tăng cường quyền lực Nhà nước mà ngược lại, hạn chế quyền lực Nhà nước, giới hạn quyền lực Nhà nước để bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của con người, thực hiện nguyên tắc: Nhà nước và cán bộ viên chức Nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không ngăn cấm.

Pháp luật trong rule of law không phải là pháp luật do Nhà nước đặt ra mà phải là pháp luật tự thân, phản ánh những yêu cầu và quy luật tự nhiên, khách quan, các văn bản luật là sự ghi chép lại, phản ánh lại những quy tắc xử sự đương nhiên của cuộc sống đòi hỏi phải có để điều chỉnh, F.Anghen cũng đã từng khẳng định về bản chất của pháp luật phải là như vậy. Trong một chế độ dân chủ, pháp luật trong rule of law là công cụ của tự do cho con người chứ không phải là công cụ thống trị con người. Cốt lõi của rule of law là một xã hội công lý và nhân quyền, Nhà nước chỉ là một phương tiện, công cụ để thực hiện công lý và bình đẳng, tự do, nhân quyền. Điểm nhấn mạnh của rule of law là pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, là pháp luật tự nhiên, là công cụ của tự do chứ không phải là công cụ thống trị, từ đó pháp luật trở thành tối thượng.

Có thể xây dựng mô hình Nhà nước dựa trên nguyên tắc pháp quyền rule of law hay không?

Câu trả lời là không những có thể mà còn rất cần thiết. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay đã có rất nhiều mô hình về lý thuyết và thực tiễn dựa trên nguyên tắc rule of law đã được đưa ra và được cuộc sống chấp nhận ở những mức độ nhất định. Trong cuốn sách Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi, Ngân hàng Thế giới đã khái quát một số mô hình như: Nhà nước thể chế, Nhà nước kỹ trị, Nhà nước phúc lợi, Nhà nước tương xứng với năng lực, Nhà nước viện trợ… Trong cuốn sách này, Ngân hàng Thế giới đưa ra nhiều yêu cầu cơ bản của rule of law như: cần nhận thức lại vai trò của Nhà nước trên toàn cầu, đó không phải là Nhà nước cai trị mà là Nhà nước phục vụ; cần xây dựng lại các thể chế cho một Nhà nước có năng lực; cần giảm thiểu và kiềm chế sự độc đoán chuyên quyền của Nhà nước và nạn tham nhũng… Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng 4.0, đã có rất nhiều mô hình Nhà nước lấy nguyên tắc phục vụ nhân dân của rule of law với những thuật ngữ đưa ra gắn với các mô hình Nhà nước như: chính phủ mở (open govermenment), chính phủ số (digitent govermenment), dân chủ trên không gian mạng (teledemocracy)…

Thực tiễn sôi động của nửa cuối thế kỷ XX và 20 năm đầu thế kỷ XXI có những mô hình được định hình và áp dụng tương đối phổ biến và đã thành công ở nhiều nước trên thế giới nhằm vào các tiêu chí trong sạch bộ máy, minh bạch hoạt động, cung cấp dịch vụ công và quyền lực được kiểm soát. Mô hình xây dựng một chính phủ “liêm chính, kiến thiết quốc gia và hành động phục vụ nhân dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và khởi sướng tháng 11/1946 tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới Việt Nam dân chủ Cộng hòa, sau này được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến và làm sống lại trong nhiệm kỳ là Thủ tướng, đó là xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ nhân dân”.

Hiện nay mô hình này vẫn đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, một mô hình mới hơn đã xuất hiện được sự cổ vũ của Liên hợp quốc, UNDP và các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới xem như là một điều kiện tiên quyết cho phát triển và trở thành nguyên tắc ngày càng mang tính phổ biến trong quản trị công đương đại. Đó là mô hình “quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng”, mô hình này của rule of law nhằm vào giảm thiểu điểm yếu căn bản nhất mang tính cố hữu của bộ máy Nhà nước là lạm quyền và lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Cốt lõi của mô hình này là các nguyên tắc pháp quyền rule of law phải được tôn trọng và thể hiện đầy đủ. Hội đồng châu Âu EC xem xét “quản trị tốt” dựa trên 5 tiêu chuẩn, đó là: sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội; sự công khai trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước; trách nhiệm giải trình của Nhà nước; sự gắn kết và kiểm soát lẫn nhau trong tổ chức và hoạt động và tính hiệu quả. Mô hình này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của rule of law và Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng - UNCAC (United Nations Convention again Curuption) năm 2003. Đây là Công ước mà Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên đưa ra sáng kiến và tham gia tích cực, đầy đủ 7 vòng đàm phán UNCAC, cũng là một trong các quốc gia đầu tiên ký UNCAC.

Dù theo mô hình nào thì các nguyên tắc pháp quyền rule of law cũng phải được thể hiện đầy đủ một số nội dung cơ bản ngay trong quá trình trình hình thành và vận động của mô hình ấy. Trong cuốn sách Pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến tập hợp các công trình nghiên cứu của 23 học giả có uy tín nước ngoài đã đưa ra một số nội dung cơ bản nhất sau đây: (i) Ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là nguyên tắc trung tâm hàng đầu của chế độ pháp quyền trong quản trị quốc gia; (ii) Tính hợp hiến, hợp pháp và tính chính đáng của quyền lực Nhà nước; giới hạn quyền lực Nhà nước, hạn chế quyền lực Nhà nước; (iii) Pháp luật công bằng, thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm công lý; (iv) Phân công, phân quyền, kiềm chế, đối trọng để kiểm soát quyền lực Nhà nước; (v) Xác định quyền chính trị của người dân là bầu cử dân chủ, tư pháp độc lập, dân sự kiểm soát quân sự, tự do báo chí, bảo vệ quyền của thiểu số…; (vi) Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Như vậy, “pháp quyền” (rule of law) và “Nhà nước pháp quyền” là 2 cụm từ, 2 khái niệm khác nhau. Trở lại với Kế hoạch xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, nếu không làm rõ nội hàm khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì chắc chắn Đề án này không có căn cứ vững chắc hoặc tiếp tục rơi vào tình trạng duy ý chí, chỉ chăm chú củng cố, hoàn thiện bộ máy Nhà nước, đi ngược lại với những nguyên tắc của pháp quyền rule of law và cũng không thể hiện được mô hình “Nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ nhân dân” hoặc mô hình “Quản trị tốt và phòng chống tham nhũng”. Nếu 12 nội dung Đề án và 28 chuyên đề chuyên sâu chỉ là hoàn thiện và củng cố quyền lực Nhà nước và các cơ quan trong bộ máy Nhà nước thì cũng không đáp ứng được yêu cầu về dân chủ theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, chưa thể hiện được nguyên tắc hiến định về kiểm soát quyền lực tại khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp 2013, chưa quán triệt đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm… kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và của công luận”.

==============

[1] Nửa đầu năm 1919, ở Pháp có một tài liệu được phân phát rộng rãi như những tờ truyền đơn cách mạng, đó là bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hòa bình họp ở Vécxây. Bản yêu sách tám điểm bằng tiếng Pháp này đã được đăng toàn văn trên báo L’ Humanité số ra ngày 18/6/1919, phía dưới có ghi: “Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam - Nguyễn Ái Quốc”. Sau đó, bản yêu sách này đã được Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát, chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”. Nếu như bản Yêu sách của nhân dân An Nam là một bản văn mẫu mực về chính trị, thì bản dịch thơ Việt Nam yêu cầu ca không chỉ dừng lại ở mục đích chính trị ấy, mà còn được xem là một tác phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật, trong đó có hai câu thơ: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Với hai câu thơ trên, Hồ Chí Minh có thể được xem là một trong những người đầu tiên đặt ra khái niệm “pháp quyền” ở Việt Nam với nội dung thấm đẫm tư tưởng nhân quyền dân quyền, chủ quyền nhân dân và một bản Hiến pháp vì dân, của dân, do nhân dân lập nên.

 

Tài liệu trích dẫn:

(1) Chu Hồng Thanh, Quyền con người và luật quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1997.

(2) Liên hợp quốc, Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000.

(3) J.J.Russo, Khế ước xã hội, bản Tiếng Việt, NXB Thế giới 2015, trang 20.

(4) Giấc mộng Trung Hoa, Công ty xuất bản Hữu nghị Bắc Kinh Trung Quốc xuất bản năm 2010. Bản tiếng Việt của TTXVN năm 2015, trang 14.

(5) Ngân hàng Thế giới, Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1998.

(6) Chu Hồng Thanh, Pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính luật gia Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2021, trang 43.

(7) Pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2012.

(8) Nguyễn Phú Trọng, Phát biểu Bế mạc Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khóa XIII ngày 07/10/2021, Tạp chí Chính trị và Phát triển, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, số 06/2021, trang 8.

                                                              PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

                                                 Nguyên GVCC Học viện CCQG Hồ Chí Minh

Một số vấn đề về phục hồi vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm