/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền lãi: Cách hiểu và áp dụng đúng quy định pháp luật

Phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền lãi: Cách hiểu và áp dụng đúng quy định pháp luật

24/02/2023 08:49 |

(LSVN) - Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thường khó tránh khỏi các tranh chấp thương mại, và một trong số những loại tranh chấp kinh doanh thương mại phổ biến nhất là tranh chấp do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Để bảo vệ quyền lợi cho chủ thể bị vi phạm, pháp luật đã có những quy định về phạt vi phạm cũng như quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trên thực tế thì có khá nhiều tranh cãi liên quan đến việc áp dụng các quy định này, vì một số quan điểm cho rằng chỉ được áp dụng một trong hai quy định nêu trên, nhưng cũng không ít quan điểm cho rằng hai quy định này là hoàn toàn độc lập, nên có thể được đồng thời áp dụng đối với một hành vi vi phạm. Do vậy, để hiểu rõ những quy định này thì bài viết sau đây sẽ trình bày về cách hiểu cũng như thực tiễn áp dụng đối với việc phạt vi phạm, và quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi đối với hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán; đồng thời đề cập đến một số vấn đề chưa rõ ràng liên quan đến các quy định này.

Ảnh minh họa.

Phạt vi phạm, căn cứ áp dụng và mức phạt

Theo quy định tại Điều 300, Luật Thương mại 2005, thì phạt vi phạm là sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng theo đó bên vi phạm phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình. Tuy pháp luật không có bất kỳ định nghĩa nào về “phạt vi phạm chậm thanh toán”, tuy nhiên từ định nghĩa về phạt vi phạm nêu trên thì chúng ta có thể hiểu rằng phạt vi phạm do chậm thanh toán được hiểu là việc bên vi phạm phải thanh toán một khoản tiền cho bên bị vi phạm do hành vi chậm trễ thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giữa các bên. Như vậy để áp dụng chế tài phạt vi phạm thì chúng ta phải có hai căn cứ sau: có thoả thuận phạt vi phạm trong hợp đồng; và có hành vi vi phạm. Hay nói cách khác là các bên phải thoả thuận và xác định phạt vi phạm trong hợp đồng thì khi hành vi chậm thanh toán xảy ra, bên bị vi phạm mới có quyền phạt vi phạm đối với bên vi phạm.

Trong trường hợp doanh nghiệp bị vi phạm có quyền phạt vi phạm thì mức phạt được pháp luật quy định như thế nào. Cũng theo quy định Điều 301, Luật Thương mại 2005 thì mức phạt do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác. Tuy nhiên, trên thực tế thì không ít trường hợp doanh nghiệp thường thoả thuận tỉ lệ phạt cao hơn, giả sử 15% giá trị hợp đồng hoặc giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Thoả thuận này rõ ràng sẽ không được các cơ quan giải quyết tranh chấp chấp thuận, ngay cả khi các bên đã thoả thuận, vì thoả thuận này là trái quy định của pháp luật.  

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp hợp đồng có quy định về phạt vi phạm, nhưng do là nghĩa vụ thanh toán nên việc phạt vi phạm này có được chấp nhận hay không, vì bên vi phạm đồng thời sẽ phải thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nếu bên bị vi phạm yêu cầu. Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta sẽ tìm hiểu các quy định liên quan đến quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ để xác định hai vấn đề này là có đồng nhất với nhau không, qua đó xác định doanh nghiệp chỉ được quyền yêu cầu một trong hai hay là cả hai quy định.    

Tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán

Theo quy định tại Điều 306, Luật Thương mại 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó…”. Như vậy, pháp luật cho phép bên bị vi phạm được quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi.

Như vậy, điều đầu tiên cần phải xác định là loại nghĩa vụ vi phạm sẽ được tính tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Theo quy định tại Điều 306, Luật Thương mại 2005 thì trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là ngoài tiền hàng, tiền dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thanh toán tiền lãi phát sinh hay không, giả sử tiền ứng trước mà không nhận được hàng hay tiền thuê trả trước trong hợp đồng thuê tài sản, hay là chỉ giới hạn cho 03 nhóm nghĩa vụ nêu trên. Hiện nay, nếu chỉ căn cứ theo quy định của Luật Thương mại thì chỉ có 03 nhóm nghĩa vụ nêu trên là được quyền yêu cầu tính tiền lãi, nhưng Án lệ 09/2016/AL Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xác định rằng ngay cả tiền ứng trước mà không nhận được hàng thì bên vi phạm cũng phải thanh toán tiền lãi, vì vậy, chúng ta có thể xác định rằng trường hợp có hành vi chậm thanh toán tiền hàng, tiền thù lao dịch vụ, tiền trả trước mua hàng hoá và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm được quyền tính lãi chậm trả. Riêng đối với tiền thuê trả trước trong hợp đồng thuê tài sản, hoặc trả trước phí dịch vụ thì mặc dù Án lệ 09/2016/AL không đề cập nhưng theo quan điểm của người viết thì bất kể khoản tiền nào mà người mua đã thanh toán hoặc ứng trước nhưng bên nhận tiền ứng trước không thực hiện đúng thoả thuận thì vẫn phát sinh lãi chậm thanh toán mà không chỉ giới hạn trong hợp đồng mua bán hàng hoá. 

Ngoài ra, cũng theo Án lệ số 09/2016/AL thì tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại sẽ không phải chịu lãi ngay cả khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền này. Theo quan điểm của người viết thì bên vi phạm có trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bất kỳ khoản tiền chậm thanh toán nào, mà không nên bị giới hạn thì mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm bởi lẽ nếu quy định giới hạn như Án lệ 09/2016/AL thì rất có thể bên vi phạm, sẽ cố tình vận dụng án lệ này để trì hoãn nghĩa vụ thanh toán tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại mà không phải chịu biện pháp nào. Quy định này thậm chí còn giúp bên vi phạm “hợp thức hoá” việc chậm trễ thanh toán tiền phạt vi phạm và tiền bồi thường thiệt hại cho đến khi có phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp, bởi lẽ họ không phải trả tiền lãi chậm trả cho thời gian này. Theo quan điểm của người viết, việc không chấp thuận lãi chậm trả đối với tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, theo Án lệ số 09/2016/AL không chỉ mâu thuẫn với nguyên tắc thiện chí trong giao dịch kinh doanh mà còn không phù hợp với chính tiêu đề Điều 306, Luật Thương mại khi tiêu đề của điều này là “chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán” chứ không hạn chế như nội dung của Điều 306 Luật Thương mại; cũng như không đúng với tinh thần của Điều 357, Bộ luật Dân sự về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Một vấn đề khác chúng ta cũng cần phải xác định là mức lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Như đã trích dẫn trên, theo quy định tại Điều 306, Luật Thương mại thì trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì “bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định pháp luật này có thể hiểu như sau:

(i) Trường hợp các bên không có thoả thuận trong hợp đồng thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ căn cứ vào lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán; 

(ii) Các bên được quyền tự do thoả thuận mức lãi suất nợ quá hạn, và trong trường hợp các bên có thoả thuận thì pháp luật sẽ căn cứ vào thoả thuận đó để xác định mức lãi;

(iii) Các bên được quyền tự do thoả thuận mức lãi suất, nhưng không được vượt quá quy định của pháp luật.

Trước hết là đối với cách hiểu thứ nhất thì chúng ta không bàn cãi nhiều vì cách hiểu đó là phù hợp theo quy định của pháp luật và được áp dụng trên thực tiễn. Liên quan đến việc xác định mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường thì Điều 11, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xác định, Tòa án sẽ căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất ba ngân hàng thương mại để xác định mức lãi suất chậm trả.

Đối với cách hiểu thứ hai và thứ ba thì hiện nay vẫn còn khá nhiều quan điểm khác nhau. Các quan điểm ủng hộ cách hiểu thứ hai cho rằng, Điều 306, Luật Thương mại đã quy định rất rõ và trao quyền tự do thoả thuận mức lãi suất cho các bên tham gia giao dịch thì khi phát sinh hành vi vi phạm, thoả thuận đó phải được áp dụng; bởi lẽ nếu đã cho phép các bên tự do thoả thuận, nhưng khi giải quyết tranh chấp lại không xem xét đến thoả thuận của các bên, mà áp dụng mức mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng thì quy định “trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác” không còn ý nghĩa nữa. Trong khi đó, những người ủng hộ cách hiểu thứ ba thì lại lập luận rằng ngay cả trường hợp các bên có thoả thuận, thì thoả thuận đó cũng phải phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ nếu không giới hạn mức lãi trần thì rất có thể bên yếu thế trong hợp đồng sẽ buộc phải chấp nhận mức lãi suất rất cao. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì cần phải lấy quy định của luật nào để xác định mức lãi suất trần. Một số ý kiến cho rằng thoả thuận đó phải phù hợp Điều 306, Luật Thương mại, nhưng cũng không ít quan điểm cho rằng thoả thuận lãi suất chỉ cần không vượt quá quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự thì cũng được xem là phù hợp theo quy định pháp luật. Trên thực tế, người viết nhận thấy trong các tranh chấp kinh doanh thương mại, Toà án thường áp dụng mức trần lãi suất theo quy định tại Điều 306, Luật Thương mại để tính tiền lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trong trường hợp các bên thoả thuận mức lãi suất cao hơn quy định tại Luật Thương mại.

Ngoài ra, nếu chỉ căn cứ quy định tại Điều 306, Luật Thương mại thì doanh nghiệp sẽ rất lúng túng để xác định mức lãi ngay cả khi đã lựa chọn được ba ngân hàng thương mại vì thời điểm xác định mức lãi theo quy định của luật phải là tại “thời điểm thanh toán”. Trong khi đó, thời điểm thanh toán hoàn toàn không phải thời điểm các bên thoả thuận cũng không phải là thời điểm xét xử. Ngay cả khi các bên thoả thuận thời điểm thanh toán, thì cơ quan giải quyết tranh chấp cũng không thể xác định được chính xác mức lãi suất vào thời điểm tương lai. Chính vì vậy, quy định này cũng đã khiến cả doanh nghiệp và cơ quan giải quyết tranh chấp lúng túng trong một thời gian dài cho đến khi Nghị quyết 01/2019 được ban hành thì thời điểm thanh toán này lại được xác định là thời điểm xét xử sơ thẩm, nhằm mục đích giúp các bên và cơ quan giải quyết tranh chấp xác định mốc thời điểm tính lãi, tức là tại thời điểm giải quyết chứ không phải là thời điểm thanh toán; mặc dù quy định của Nghị quyết 01/2019 là không phù hợp quy định của Luật Thương mại.

Áp dụng phạt vi phạm và yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán

Như đã đặt vấn đề trên, nếu pháp luật đã quy định bên vi phạm phải có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, thì pháp luật có còn chấp thuận yêu cầu phạt vi phạm đối với chính nghĩa vụ này hay không; và việc áp dụng cả hai quy định này có phải được hiểu là bên bị vi phạm phải thực hiện hai lần nghĩa vụ (tiền) cho một hành vi vi phạm hay không, bởi lẽ việc yêu cầu bên vi phạm phải trả tiền lãi có tính chất tương đồng với chế tài phạt vi phạm ở điểm không cần chứng minh thiệt hại phát sinh và có thể xác định trước. Một số quan điểm cho rằng, Điều 12, Nghị quyết 01/2019 đã quy định rất rõ nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn” nên chỉ được quyền áp dụng một trong hai chứ không thể cả hai. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì việc áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ là không mâu thuẫn và hoàn toàn phù hợp theo quy định pháp luật, bởi những quan điểm sau:

(i) Chế tài phạt vi phạm nhằm mục đích răn đe, ngăn ngừa bất kỳ hành vi vi phạm. Do vậy, Điều 300, Luật Thương mại không giới hạn hành vi vi phạm được áp dụng chế tài phạt vi phạm, hay nói cách khác, cứ có hành vi vi phạm và được thoả thuận trong hợp đồng thì chế tài phạt vi phạm được áp dụng, ngoại trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

(ii) Tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là một chế định hoàn toàn độc lập giúp bên bị vi phạm có thể bù đắp phần nào lợi ích mà bên bị vi phạm có thể nhận được nếu không có hành vi vi phạm của bên kia.

(iii) Việc áp dụng cả hai quy định nêu trên không giúp bên bị vi phạm nhận được hai lần khoản tiền tương đương, vì mức phạt vi phạm tối đa thường chỉ là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, và được ấn định vào thời điểm thoả thuận hoặc vào thời điểm giải quyết tranh chấp; còn tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, mặc dù cũng mang tính chất xác định trước nhưng sẽ phụ thuộc vào thời gian vi phạm và lãi suất áp dụng vào thời điểm thanh toán.

(iv) Chế tài phạt vi phạm sẽ chỉ được áp dụng một lần đối với hành vi vi phạm, trong khi đó tiền lãi do chậm thanh toán sẽ được áp dụng tương ứng với thời gian vi phạm và chỉ chấm dứt khi bên vi phạm hoàn tất nghĩa vụ thanh toán. 

(v)  Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại đều không quy định mối quan hệ giữa hai chế định này, như vậy, về nguyên tắc thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu phạt vi phạm đồng thời áp dụng quy định liên quan đến lãi chậm trả cho cùng một hành vi vi phạm.

(vi) Điều 12, Nghị quyết 01/2019 đề cập đến việc xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản, chứ không phải áp dụng cho hợp đồng kinh doanh thương mại nói chung, nên nếu không phải hợp đồng vay tài sản thì không bị ràng buộc bởi quy định tại Điều 12, Nghị quyết 01/2019.  

Mặc dù pháp luật đã quy định rõ về hai chế định trên tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu rõ dẫn đến việc thoả thuận chưa chính xác, nên khi phát sinh tranh chấp thì các vấn đề này thường bị cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét lại gây ảnh hưởng đến quyền lợi cho bên bị vi phạm. Người viết nhận thấy có khá nhiều hợp đồng mua bán quy định rằng “Trường hợp bên mua không thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hàng, thì bên mua sẽ bị phạt vi phạm với mức phạt là 02%/tháng”. Trong trường hợp nêu trên, chúng ta cần xác định thoả thuận trên là thoả thuận phạt vi phạm hay thoả thuận về lãi chậm trả.

Nếu là thoả thuận phạt vi phạm thì có thể cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ xem xét theo những trường hợp sau:

- Trường hợp 1: Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ xem điều khoản này là điều khoản phạt vi phạm nên sẽ căn cứ quy định tại Điều 301, Luật Thương mại để xác định mức phạt, theo đó, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ chấp nhận mức phạt vi phạm chỉ là 02% như đã thoả thuận, thay vì áp dụng mức phạt tối đa là 08% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm. Trong trường hợp này, bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu lãi chậm trả ngay cả khi không thoả thuận trong hợp đồng.

- Trường hợp 2: Cơ quan giải quyết tranh chấp cho rằng thoả thuận này là lãi chậm trả chứ không phải phạt vi phạm, thì chỉ xem xét tiền lãi chậm trả mà không xét đến phạt vi phạm vì cho rằng chế tài này không được các bên quy định trong hợp đồng. Việc không xem xét này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị vi phạm nếu quy định này, khi được các bên đề cập trong hợp đồng, là nhằm mục đích phạt vi phạm. Người viết cho rằng thoả thuận trên có khuynh hướng được cơ quan giải quyết tranh chấp xác định là thoả thuận về lãi chậm trả hơn là phạt vi phạm.  

Trường hợp xác định là lãi chậm trả thì thoả thuận này cũng sẽ được xem xét lại theo quy định tại Điều 306, Luật Thương mại 2005 và Điều 11, Nghị quyết 01/2019, theo đó sẽ xác định mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng. Nếu mức lãi suất trung bình quá hạn đó cao hơn mức lãi thỏa thuận trong hợp đồng của hai bên thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ chấp nhận mức lãi thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp mức lãi suất quá hạn trung bình thấp hơn mức lãi thỏa thuận thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ áp dụng mức lãi đó để giải quyết vụ kiện. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù quy định pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận mức lãi chậm thanh toán tuy nhiên thực tế xét xử cho thấy rằng nếu thoả thuận đó không phù hợp với Điều 306, Luật Thương mại thì thoả thuận đó vẫn bị điều chỉnh.

Như vậy, mặc dù pháp luật không quy định rõ ràng nhưng theo quan điểm của người viết chế tài phạt vi phạm và chế định về lãi chậm thanh toán được áp dụng và xác định cho hành vi vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán, trong trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm đối với hành vi này. Tuy nhiên, để tránh trường hợp chỉ được áp dụng mức phạt vi phạm ở mức khá thấp, hoặc thậm chí không được xem xét như đã đề cập nêu trên, thì doanh nghiệp cần quy định rõ ràng, chính xác thoả thuận phạt vi phạm trong hợp đồng, trong đó xác định loại nghĩa vụ vi phạm và mức phạt. Riêng đối với khoản tiền lãi thì doanh nghiệp cũng cần thoả thuận trong hợp đồng, để trong trường hợp có hành vi vi phạm thì cơ quan giải quyết tranh chấp, trước hết sẽ căn cứ vào thoả thuận của các bên để xác định mức lãi. Việc quy định cả hai chế định này trong hợp đồng cũng phần nào giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm, qua đó giúp các bên giảm thiểu được các tranh chấp phát sinh.

Luật sư CAO THỊ HÀ GIANG

Văn phòng Luật sư Cao Đức Nhuận

Chế tài trong thương mại và thực tiễn áp dụng

 
Nguyễn Hoàng Lâm