1. Quy định của pháp luật về vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng
Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN) quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng như sau:
“1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.
2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng”.
Ngoài ra, Điều 13 Luật PCTN còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; khoản 1 Điều 14 Luật PCTN quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí; khoản 1 Điều 15 Luật PCTN quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
Để triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định rõ hơn về việc trao đổi thông tin giữa Thanh tra Chính phủ với các tổ chức khác về công tác phòng, chống tham nhũng: “1. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động của các tổ chức đó. 2. Việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng theo quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm nhanh chóng, chính xác, kịp thời”.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật về báo chí trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, nhưng đa phần các quy định mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, rõ ràng. Không những thế, các quy định này còn thiếu nhiều những hướng dẫn kỹ thuật để thi hành, thiếu các quy định về những biện pháp bảo đảm về tài chính, kỹ thuật cho việc triển khai trên thực tế.
2. Vai trò của báo chí trong hoạt động phòng, chống tham nhũng
2.1.Vai trò của Báo chí trong điều tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Dùng thuật ngữ “điều tra” ở đây được hiểu là “điều tra bằng nghiệp vụ báo chí”. Theo quy định của pháp luật, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế vũ trang, vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra hay thanh tra[1].
Rất nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được báo chí phát hiện, ví dụ: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng; vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka, Khánh Hòa; vụ lừa đảo do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu; vụ tham nhũng của cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; vụ “ăn chặn” tiền cứu trợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP. Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin... Gần đây là các vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh…
Báo chí có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, chẳng hạn như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan tư pháp; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp.
Ví dụ, trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, điều tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thông qua việc đưa ra hàng loạt các câu hỏi nghi vấn, báo chí đã cho thấy sự vô lý trong câu trả lời của Trịnh Xuân Thanh, từ đó tiếp tục tìm ra nhiều sự thật khác liên quan đến nhân vật này[2].
Có thể thấy rằng, báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện các vụ tham nhũng. Các cơ quan truyền thông, báo chí là đồng minh hết sức quan trọng của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính Phủ và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện năm 2012 cho thấy, báo chí là một trong những thiết chế tích cực và hiệu quả nhất trong phát hiện và điều tra tham nhũng tại Việt Nam[3].
2.2. Vai trò của Báo chí trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng
Thông tin pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật. Trên thực tế, báo chí có nhiều hình thức, cách thức để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng[4].
Báo chí có thể truyền tải thông tin về phòng, chống tham nhũng thông qua rất nhiều kênh khác nhau bao gồm: 1) Các xuất bản phẩm chính thức về phòng, chống tham nhũng; 2) Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các vụ việc tham nhũng; 3) Sách, báo lý luận, thực tiễn về phòng, chống tham nhũng; 4) Phim ảnh có nội dung về phòng, chống tham nhũng; 5) Giao tiếp giữa các cá nhân, các chuyên gia, nhà quản lý về phòng, chống tham nhũng; 6) Giáo dục, đào tạo về phòng, chống tham nhũng trên báo chí; 7) Các bài giảng, nói chuyện chuyên đề của các luật gia, chuyên gia về phòng, chống tham nhũng; 8) Đưa tin về xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng v.v…
Thông qua các hình thức như: tọa đàm về pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tham nhũng, đưa tin về các vụ việc tham nhũng, báo chí cũng góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, định hướng dư luận xã hội, ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tham nhũng, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi tham nhũng, tạo niềm tin vào công lý, vào pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.
Báo chí còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Theo một phóng sự của Báo Đại đoàn kết, gần 90% tội phạm mà ngành công an phá án thành công, tin tố giác có giá trị mà người tố giác là người dân[5]. Việc vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng nhằm hai mục tiêu xây và chống: xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng; chống tham nhũng là vận động Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng.
2.3. Vai trò của báo chí trong giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin cần bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tạo áp lực để các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan, công bằng về các vụ việc liên quan đến tham nhũng[6].
Thực tế, Nhà nước đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng qua các giải báo chí. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Điều này khẳng định quyết tâm không “chùn bước” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực[7].
3. Một số giải pháp tăng cường phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí đưa tin tham nhũng, chú trọng lương tâm của người cầm bút với đồng bào, Tổ quốc
Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nằm ở chính việc xây dựng một đội ngũ làm truyền thông có tâm, có tầm và có tài[8]. Nhiều phóng viên đưa tin chưa khách quan, chưa chính xác, làm sai lệch bản chất vụ việc, đưa ra những bình luận vượt quá thẩm quyền của báo chí. Có trường hợp như vậy vì phóng viên báo chí còn hạn chế về năng lực, có động cơ cá nhân hoặc cạnh tranh, câu khách giữa các cơ quan truyền thông.
Những người cầm bút cần phải có lương tri với đồng bào, với Tổ quốc Việt Nam, cần tự hỏi mình viết cho ai, viết vì ai và viết để làm gì[9]. Nhà báo có trung thực, ngay thẳng, trong sạch thì mới nhận được sự tin tưởng của người dân. Báo chí khi cung cấp thông tin cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, phản ánh đúng bản chất vấn đề. Chẳng hạn khen ngợi, biểu dương cần đúng mực, không nên tô hồng, hoặc lên án, phê phán cũng không được phép bôi nhọ.
Phóng viên khi đưa tin, bài về tham nhũng cần tránh cả hai khuynh hướng: thứ nhất, đưa tin thiếu chọn lọc, thiếu cân nhắc, thiếu kiểm chứng làm đơn giản hoá hoặc phức tạp hoá vấn đề; thứ hai, đưa tin cắt xén, bưng bít làm hiểu sai vấn đề, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế bảo vệ phóng viên, cơ quan báo chí, đưa tin về tham nhũng
Lý do khiến nhiều phóng viên, cơ quan báo chí ngại đưa tin về tham nhũng vì tâm lý sợ gánh chịu hậu quả, sợ chẳng thay đổi được gì vì người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị thế cao trong xã hội. Khả năng bị đánh đập, bị hăm doạ, bị gây nguy hiểm đến tính mạng và người thân trong gia đình là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực tiễn cho thấy, nhiều quy định của pháp luật vẫn chỉ nằm trên giấy và chưa có cơ chế cụ thể thực hiện. Trong quá trình giải quyết tố cáo, nội dung tố cáo được tiếp nhận, xử lý bởi nhiều cơ quan, đơn vị với sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức với nhiều thủ tục rất rắc rối. Hơn nữa, pháp luật chưa quy định thống nhất thế nào là “có có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm…”[10].
Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí cũng e ngại, cố tình tránh tiết lộ thông tin tham nhũng do sợ trả thù, trù dập hoặc ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo và cơ quan. Điều đó dẫn đến việc chống tham nhũng chưa thực sự tích cực, quyết liệt.
Vì vậy, cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí chống tham nhũng thì được bảo vệ như thế nào; nguyên tắc, cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa Nhà nước và người dân, các tổ chức xã hội.
Thứ ba, tiếp tục phát huy những mặt tích cực của báo chí, trong việc đưa tin, bài về tham nhũng
Báo chí có thuộc tính chung là phổ cập, thường ngày, kịp thời. Đây là những thuộc tính mà không phải thiết chế xã hội nào cũng có được. Những đặc tính này cho phép báo chí, có thể ảnh hưởng mạnh đến nhận thức của mọi chủ thể trong xã hội về phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện tốt chức năng của báo chí có ý nghĩa quan trọng đến việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thông tin pháp luật có thể tăng cường hoặc làm suy yếu ý thức pháp luật, hành vi hay lối sống đang tồn tại; cũng có thể làm thay đổi ý thức pháp luật, hành vi hay lối lống theo pháp luật đã cũ; có thể hình thành ý thức pháp luật, hành vi và lối sống theo pháp luật mới. Mỗi người sẽ thu nhận thông tin pháp luật từ báo chí, qua bộ lọc của riêng họ. Vì vậy, cần phải cân nhắc các đặc điểm tâm lý – xã hội và những nhân tố khác trong việc truyền tải thông tin về phòng, chống tham nhũng, chẳng hạn như trình độ học vấn, nghề nghiệp, lợi ích, nhu cầu, đặc điểm tâm lý, địa vị xã hội v.v…
Để phát huy tốt vai trò của báo chí cũng rất cần phải xây dựng nội dung, chương trình đưa tin phù hợp với đối tượng, xây dựng được kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong hoạt động báo chí, và hoạt động xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời cũng cần mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời dành cho những nhà báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ tư, trao quyền và tăng cường sự tham gia của người dân một cách thực chất trong hoạt động phòng, chống tham nhũng
Việc trao quyền (empowerment) và sự tham gia của người dân (participation) phải là cơ chế song hành, ở đó cả quyền cá nhân và quyền tập thể được bảo đảm và thực thi[11].
Báo chí cần phải được trao quyền, được đặt ở vị trí khách quan, độc lập để phản biện, đấu tranh chống tham nhũng[12]. Những vụ tham nhũng lớn thường diễn ra ở khu vực công, do đó báo chí chỉ có thể độc lập phơi bày những vụ việc tham nhũng ra ánh sáng khi báo chí được nhìn nhận là một thiết chế xã hội, với sự đồng hành của người dân.
Người dân cần được tham gia sâu hơn vào hoạt động quản lý nhà nước. Mỗi cá nhân, công dân không giản đơn là chủ thể chịu tác động thụ động từ chính sách, pháp luật, mà cần là chủ thể tích cực, chủ động, có bản lĩnh, có văn hóa trong việc thực thi pháp luật, trong đấu tranh chống tham nhũng. Sự tham gia của người dân có ý nghĩa rất quan trọng vừa đảm bảo dân chủ, vừa tạo lập sự ủng hộ, tin tưởng của người dân, vừa thông qua đó có thể giáo dục cho công chúng, vừa tận dụng được trí tuệ, chất xám, ý kiến của người dân. Không những thế, sự tham gia của người dân còn là điều kiện, là môi trường tốt cho văn hóa công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trong số các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì việc gia tăng dân chủ, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc và cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, bên cạnh những vấn đề như tăng cường kiểm tra, giám sát, xác lập bộ tiêu chí từng lĩnh vực nghề nghiệp, kiểm toán độc lập, liêm chính, tách công quyền ra khỏi một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng[13].
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc chống tham nhũng có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước, đặc biệt là việc tăng cường công khai, minh bạch, giải trình. Nhiều quốc gia có cơ chế hợp tác giữa chính quyền và các tổ chức xã hội trong việc chung tay phòng, chống tham nhũng thông qua một cơ chế đối thoại, hợp tác rất cụ thể, rõ ràng[14].
Hiện nay, ở Việt Nam, cơ sở pháp lý bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn bất cập, việc tổ chức bảo vệ người tố cáo cũng chưa hiệu quả. Để khắc phục những bất cập, hạn chế này cần thiết lập cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo tham nhũng; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, thụ lý và xử lý tố cáo tham nhũng; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo; quy định rõ các biện pháp bảo vệ người tố cáo; bảo đảm về vật chất, kỹ thuật và pháp lý cho công tác bảo vệ người tố cáo; giám sát việc giải quyết tố cáo tham nhũng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Xem: Nguyễn Quốc Văn, Vũ Công Giao, Phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, Nxb. Hồng Đức, Hà nội, 2017. |
PGS.TS NGUYỄN MINH TUẤN
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)
Thu thập, sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án 'Trộm cắp tài sản'