/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Phát triển nguồn nhân lực hay phát triển các dịch vụ pháp lý?

Phát triển nguồn nhân lực hay phát triển các dịch vụ pháp lý?

11/01/2021 08:57 |

(LSVN) - Việc phát triển đội ngũ Luật sư thương mại quốc tế được đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 được phê duyệt bởi Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa tại Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (Đề án 123) phê duyệt bởi Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/01/2010.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau 10 năm thực hiện [1], Đề án 123 đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng thể hiện ở số lượng Luật sư cả nước đã tăng từ 6.250 luật sư lên hơn 14.000 Luật sư, số lượng tổ chức hành nghề Luật sư trên toàn quốc từ 2.928 tổ chức hành nghề Luật sư (tháng 7/2011) lên hơn 4.000 tổ chức, trong đó số lượng tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiện nay theo ước tính khoảng 30 tổ chức. Về chất lượng, trên 700 Luật sư có trình độ trên đại học (chiếm trên 5% tổng số Luật sư của cả nước); khoảng 1.000 Luật sư, chuyên gia pháp luật chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hơn 100 Luật sư Việt Nam đã theo học các khóa đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài và khoảng gần 20 Luật sư Việt Nam được công nhận là Luật sư của nước khác (Hoa Kỳ, Úc, Pháp…) [2].

Mặc dù vậy, việc phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo Đề án 123 vẫn có nhiều hạn chế nhất định, chưa đạt được so với mục tiêu chiến lược của Đề án vạch ra ban đầu, đòi hỏi phải có sự nhận thức mới về tư duy phát triển mà theo tác giả thì ngoài những nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được nhận biết thì những câu hỏi sau đây cũng cần phải được giải đáp một cách thích đáng: 

Nghề Luật sư (trong đó có đội ngũ Luật sư thương mại quốc tế) có nên chỉ được nhìn nhận dưới góc độ là một ngành bổ trợ tư pháp hay nên xem xét dưới góc độ của một ngành kinh tế dịch vụ là dịch vụ pháp lý (legal services)?

Trong các báo cáo về kết quả hoạt động hành nghề Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ yếu là những số liệu thống kê vụ việc, như từ tháng 6/2009 đến hết năm 2019, Luật sư đã tham gia: 333.907 vụ, việc về tố tụng; 121.744 vụ, việc về dân sự và hôn nhân gia đình; 54.170 vụ, việc về kinh tế, thương mại; 11.725 vụ, việc về hành chính, lao động [3]. Tuy nhiên, không có báo cáo nào cho thấy dịch vụ pháp lý của Luật sư Việt Nam đạt doanh thu hàng năm bao nhiêu, chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm trong các ngành kinh tế dịch vụ và đóng góp bao nhiêu phần trăm vào GDP...

Hãy xem xét Báo cáo tổng kết về dịch vụ pháp lý (legal services) của nước Anh năm 2020 cho thấy các dịch vụ pháp lý sử dụng 350.000 lao động, đóng góp 22,2 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế nước Anh năm 2018, giải quyết được 37.632 tranh chấp bằng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho tranh tụng tại tòa án (gọi tắt là ADR), với hơn 200 hãng luật nước ngoài có văn phòng tại Anh. Doanh thu của 100 hãng luật lớn nhất của Anh tăng trưởng mạnh tới 6% trong năm 2019 đạt 27,8 tỉ bảng Anh; doanh thu từ các ngành dịch vụ pháp lý của Anh xếp thứ 2 toàn cầu và thặng dư thương mại từ các ngành dịch vụ pháp lý của Anh tăng gần gấp đôi sau 10 năm, từ 3,1 tỉ bảng Anh lên tới 5,9 tỉ bảng Anh...[4].

Sở dĩ có sự khác biệt như trên là vì ở Việt Nam, hoạt động xét xử của tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp và đội ngũ Luật sư chỉ được xem xét dưới vai trò là bổ trợ tư pháp! Cụ thể Nghị định số 96/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp tại Điều 2 liệt kê nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp bao gồm tất cả các hoạt động từ Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản cho đến trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại, quản tài viên đều do Cục Bổ trợ tư pháp, một trong số 27 đơn vị của Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Cũng tương tự như vậy thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF), tổ chức xã hội-nghề nghiệp của giới Luật sư Việt Nam trong cơ cấu tổ chức của mình cũng tập trung vào chức năng đại diện cho các thành viên của mình là Luật sư và các Đoàn Luật sư địa phương [5] hơn là thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hành nghề Luật sư - dưới góc độ như là các tổ chức kinh doanh hoạt động trong khuôn khổ của cả Luật Doanh nghiệp, hạt nhân của ngành kinh tế dịch vụ trong nền kinh tế quốc gia. Cách nhìn nhận nghề Luật sư thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp có lẽ chỉ thích hợp với các Luật sư hình sự khi việc hành nghề xoay quanh vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng như điều tra, kiểm sát, tòa án và thi hành án. Còn đối với Luật sư thương mại quốc tế thì hoạt động tranh tụng chỉ là một phần nhỏ so với hoạt động tư vấn pháp luật cung cấp cho doanh nghiệp nói riêng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung phải vận hành theo các quy tắc pháp luật nhất định.

Trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO thì việc mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý cũng là một nội dung quan trọng [6]. Trên thực tế, các công ty luật nội địa của Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Theo những số liệu thống kê được công bố gần nhất thì năm 2018, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF-Hồng Đức) xếp hạng 656 [7] và năm 2019 xếp hạng 777 [8] trong tổng số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong số các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính hàng đầu của quốc gia và đây cũng không phải là công ty luật lớn duy nhất của Việt Nam hiện nay.

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi tư duy quản lý sự phát triển của đội ngũ Luật sư ít nhất là đối với luật sư thương mại quốc tế tương tự như các quốc gia khác ở chỗ xem xét và thúc đẩy sự lớn mạnh của các tổ chức hành nghề Luật sư đúng với bản chất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp, một bộ phận quan trọng của kinh tế dịch vụ giống như các ngành dịch vụ khác trong nền kinh tế quốc dân như y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, du lịch, vận tải, phân phối....

Liệu một cơ cấu tổ chức nào là phù hợp để dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ Luật sư thương mại quốc tế ở Việt Nam?

Một trong những thành công quan trọng của Đề án 123 là sự ra đời của Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế (gọi tắt là VBLC) [9] là một đơn vị độc lập trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ ngày 11/12/2015 cho đến nay đã quy tụ được hơn 122 thành viên cá nhân, liên kết và 31 thành viên tổ chức, liên kết thuộc hầu hết các công ty luật chuyên nghiệp lớn nhất ở Việt Nam được xếp hạng bởi các ấn phẩm quốc tế danh tiếng như Legal 500 Asia Pacific [10], Chambers and Partners [11], Asialaw [12] hay IFLR [13]... Cùng với VBLC là sự ra đời và hoạt động của Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế của Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đã tổ chức được rất nhiều khóa đào tạo, hội thảo, tập huấn có tác động đáng kể tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ Luật sư thương mại quốc tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, VBLC chưa phải là cơ cấu tổ chức thích hợp để dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của các ngành luật hay lĩnh vực hành nghề mới của Luật sư thương mại quốc tế đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam như là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước thông qua việc ký kết hơn 100 điều ước quốc tế song phương và đa phương [14], như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký ngày 30/12/2018, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ký ngày 30/6/2019 và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký ngày 15/11/2020.

Sau 10 năm, thành phần và chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ Luật sư thương mại quốc tế ở Việt Nam đã có những thay đổi có tính căn bản với việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học luật chất lượng cao, có tính liên kết quốc tế hay ngày càng nhiều Luật sư tham gia các khóa đào tạo luật ở nước ngoài trở về gia nhập thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam. Những thay đổi này đòi hỏi có sự đổi mới về cơ cấu tổ chức của cả VBLC với tư cách là diễn đàn chủ yếu của các công ty luật thương mại quốc tế ở Việt Nam cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam với tư cách đại diện cho nghề Luật sư trong việc tìm kiếm các phương thức mới để phát triển thị trường dịch vụ pháp lý phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế hội nhập.

Khuôn khổ pháp lý làm nền tảng cho sự phát triển dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam đã tương thích với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phổ biến hay chưa?

Sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế ở trên đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong khuôn khổ pháp lý trong nước, như việc sửa đổi các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và các luật khác khiến lĩnh vực tư vấn pháp luật của Luật sư phát triển ngày càng mạnh mẽ. Có thể ví những điều ước quốc tế chứa đựng các cam kết quốc tế của Việt Nam hội nhập với kinh tế quốc tế như là những luật về nội dung. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực tranh tụng lại không tương xứng như vậy do hoạt động của hệ thống tòa án mặc dù đã có nhiều thay đổi sau Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như việc công bố án lệ, công khai bản án hay áp dụng cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa theo luật mới được Quốc hội ban hành ngày 16/6/2020 thì về cơ bản vẫn chưa tiệm cận được với các chuẩn mực quốc tế. Trọng tài thương mại và hòa giải thương mại đã có sự phát triển nhanh chóng kể từ khi ban hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại thể hiện ở số vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam [15] (VIAC) ngày càng tăng, cũng như sự ra đời của ngày càng nhiều tổ chức trọng tài [16] và hòa giải [17] do Bộ Tư pháp cấp phép. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách lớn về trình độ phát triển của đội ngũ Luật sư giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam với các nước trong khu vực đòi hỏi phải có những bước tiến đột phá trong việc hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của đội ngũ Luật sư giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế, như việc áp dụng các luật mẫu trọng tài và hòa giải thương mại quốc tế của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) mà Việt Nam đã trở thành một thành viên chính thức từ ngày 18/12/2019; Công ước giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và thành viên của quốc gia khác (gọi tắt là Công ước ICSID) ở Washington ngày 18/3/1965; và Công ước Singapore về hòa giải ngày 07/8/2019 là những điều ước quốc tế có thể coi như luật về tố tụng, hình thức tạo nên khuôn khổ cho hoạt động giải quyết tranh chấp của Luật sư theo đúng các chuẩn mực quốc tế.  

Tác giả cho rằng, cần có sự thay đổi một cách căn bản trong tư duy phát triển, thay vì chú trọng phát triển nguồn nhân lực thì phải chuyển sang phát triển các dịch vụ pháp lý như là một ngành kinh tế dịch vụ, và để quản lý sự phát triển của một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng như dịch vụ pháp lý thì lĩnh vực quản lý nhà nước tại Bộ Tư pháp cũng như cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với tư cách là tổ chức nghề nghiệp của Luật sư cũng phải được xem xét lại với một vị trí quan trọng tương xứng tương tự các quốc gia có dịch vụ pháp lý phát triển khác. Sự chần chừ, ngần ngại và chậm trễ trong việc áp dụng các luật lệ giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế trong khi lại mở cửa nền kinh tế để hội nhập một cách sâu rộng với xu hướng toàn cầu hóa tạo ra những cản trở cho sự phát triển của chính đội ngũ Luật sư giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của Việt Nam, khi không được hành nghề trong cùng một khuôn khổ pháp lý thống nhất giữa những luật về nội dung với luật về hình thức.

Luật sư NGUYỄN MẠNH DŨNG 

Giám đốc Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập (Dzungsrt & Associates LLC)

======================================================

[1] Xem bài “Kết quả triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam đến năm 2020” của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đăng ngày 09/11/2020 tại Tạp chí Luật sư Việt nam /ket-qua-trien-khai-chien-luoc-phat-trien-nghe-luat-su-o-viet-nam-den-nam-2020.html

[2] Trích số liệu thống kê trong Dự thảo Báo cáo về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020.

[3] Theo Báo cáo số 09/BC-LĐLSVN ngày 04/5/2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

[4] Nguồn: https://www.thecityuk.com/research/legal-excellence-internationally-renowned-uk-legal-services-2020/

[5] Điều 4.1 & 4.2 của Điều lệ ngày 19/4/2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

[6] https://trungtamwto.vn/upload/files/wto/7-/25-van-kien/Cam%20ket%20WTO%20ve%20cac%20dich%20vu%20kinh%20doanh.pdf

[7] https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tong-cuc-thue-cong-bo-1000-doanh-nghiep-nop-thue-nhieu-nhat-2018-d9252.html

[8] https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/diem-mat-1-000-doanh-nghiep-nop-thue-lon-nhat-viet-nam-2019-266763.html

[9] http://vblc.com.vn/our-mission/

[10] https://www.legal500.com/c/vietnam/legal-market-overview/

[11] https://chambers.com/guide/asia-pacific?publicationTypeGroupId=8&practiceAreaId=354&subsectionTypeId=1&locationId=230

[12] https://www.asialaw.com/countries/vietnam/vn

[13] https://www.iflr1000.com/Jurisdiction/Vietnam/Rankings/129#rankings

[14] https://investmentpolicy.unctad.org/international-investment-agreements/countries/229/viet-nam?type=bits

[15] https://www.viac.vn/thong-ke/thong-ke-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-nam-2019-s31.html

[16] https://bttp.moj.gov.vn/qt/Pages/trong-tai-tm.aspx

[17] https://bttp.moj.gov.vn/Pages/hoa-giai-thuong-mai.aspx

 

Xây dựng cơ chế, chính sách để giảm bớt những vụ án oan sai

Lê Minh Hoàng