Ảnh minh họa.
Phát triển số lượng Luật sư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những năm vừa qua của nghề Luật sư tại Việt Nam. Nhiệm vụ này đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố thực hiện đạt kết quả cao với nhiều hoạt động được phối hợp thống nhất giữa tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức hành nghề Luật sư, từ công tác quản lý, phân công người hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư của các tổ chức hành nghề Luật sư, sự giám sát của Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư. Người tập sự hành nghề Luật sư đã được đăng ký tập sự theo Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/20212 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư. Sau đó, nếu họ đủ điều kiện sẽ đăng ký vào kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
Trong năm 2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức 02 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư. Đợt 1 vào tháng 4/2022, với số lượng người đăng ký là 812 thí sinh; kết quả có 456 thí sinh đạt, chiếm 56.2%, không đạt có 356 thí sinh, chiếm 43.2%. Đợt 2 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư trong năm 2022 tổ chức vào tháng 7/2022 với số lượng đăng ký tham sự kiểm tra là 1.944 thí sinh, số lượng người đạt là 1.129 thí sinh, chiếm 58.1%, số lượng người không đạt là 815 thí sinh, chiếm 41.9%. Những người đạt trong các kỳ kiểm tra sau khi được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư sẽ đủ điều kiện gia nhập Đoàn Luật sư. Trên cơ sở đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ cấp Thẻ Luật sư.
Trong năm 2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cấp mới 1069 thẻ Luật sư, đưa tổng số Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên 17.317 [1] Luật sư. Sau khi trừ số lượng Luật sư xin thôi hành nghề, từ trần, xóa tên thì so với năm 2021 số lượng tăng 970 Luật sư. Trong hơn 10 năm vừa qua, nếu tính trung bình mỗi năm Liên đoàn Luật sư Việt Nam có số lượng Luật sư tăng lên gần 1000 Luật sư. Đây là kết quả phát triển số lượng Luật sư, là sự phối hợp trong công tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư. Trong đó, có vai trò của các Luật sư tham gia hướng dẫn người tập sự, các Luật sư tham gia vào các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư. Sự đóng góp của Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư, của Thường trực, Ban Thường vụ Liên đoàn, các ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Cùng với sự phát triển về số lượng Luật sư thì việc bảo đảm chất lượng Luật sư luôn được Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư, các Tổ chức hành nghề Luật sư quan tâm. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu các Đoàn Luật sư hàng năm có báo cáo về các Luật sư tham gia bồi dưỡng bắt buộc theo quy định của Điều 40 Luật Luật sư, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019 của Bộ Tư pháp và Điều 22 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đồng thời Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn khuyến khích động viên các Luật sư thành viên cần chủ động học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp Luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với các Đoàn Luật sư, các Tổ chức hành nghề Luật sư để cùng tham gia vào công tác bồi dưỡng Luật sư, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng Luật sư tạo cơ hội cho đội ngũ Luật sư có thể lựa chọn các chủ đề bồi dưỡng thích hợp với lĩnh vực hành nghề, từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cho đội ngũ Luật sư và của mỗi Luật sư.
Cùng với công tác bồi dưỡng Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiến hành đồng bộ công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới Luật sư theo tinh thần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư nhưng cũng kịp thời uốn nắn, giáo dục những tồn tại hạn chế của Luật sư, kiên quyết xử lý kỷ luật các Luật sư vi phạm, tái phạm, coi thường việc thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam khi Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng đã xâm phạm tới quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng và các chủ thể trong các quan hệ pháp luật. Từ đó đã góp phần vào việc răn đe, phòng ngừa và giáo dục những tồn tại và vi phạm của Luật sư trong hoạt động hành nghề.
Trong năm 2022, tuy vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp Luật sư nhưng nhìn chung các Luật sư khi hành nghề đã ý thức được đầy đủ và rõ nét hơn về việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Niềm tin của khách hàng, của người dân vào đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư tiếp tục được củng cố và nâng lên. Chất lượng đội ngũ Luật sư qua công tác kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư, qua công tác bồi dưỡng Luật sư, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới Luật sư và xử lý kỷ luật Luật sư được đồng bộ triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng cho đội ngũ Luật sư.
Việc phát triển số lượng và đảm bảo chất lượng của đội ngũ Luật sư luôn được Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư đặt lên hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư.
[1] Số liệu tính đến 31/12/2022 đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông qua trình Hội đồng Luật sư toàn quốc. |
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam