(LSVN) - Phải chứng minh được có chỗ đỗ xe mới được mua ô tô - đề xuất của một đại biểu HĐND tại kỳ họp của thành phố này khiến nhiều người bất bình vì sự phi lý của nó dẫn tới bất khả thi. May, đây mới chỉ là "sáng kiến đề xuất" thôi, trót dại nghe theo mà áp dụng thì rất có thể dẫn tới một động thái ngô nghê của nhà chức trách.
Còn đây, một sự phi lý khác không phải chỉ "trên bàn nghị sự" mà đã di vào cuộc sống: TP. Hồ Chí Minh buộc người bán xe máy cũ phải chứng minh mình còn độc thân hoặc phải có chữ ký đồng ý của cả hai vợ chồng tại nơi công chứng. Thật phiền hà và hết sức phi lý với mục đích bảo đảm tài sản chung của vợ chồng với một vật có giá trị không cao như vậy nên có khi thực hiện cái quy định này nơi theo, nơi không, nơi áp dụng sáng tạo và tóm lại, nó chỉ gây phiền hà và bởi thế, ít đi vào cuộc sống.
Thật phi lý khi thấy có quá nhiều công dân thật thà, có tiền trong tài khoản mà bỗng dưng bị mất sạch. Vào một ngày xấu trời nào đó, một công dân tuân thủ pháp luật nhận được một cú điện thoại lạ, hiện trên màn hình là số của Bộ Công an, vanh vách gọi họ tên người nhận, quê quán và bố mẹ anh ta, các chỉ dấu nhân thân và só tài khoản cùng số tiền chính xác đến từng xu có trong đó và yêu cầu chuyển sang tài khoản khác vì anh đã dính vào một vụ án nghiêm trọng,... Những công dân coi Công an là hiện thân của pháp luật này vội vã nghe theo và tất nhiên là đã rơi vào bẫy của bọ lừa đảo giả danh Công an, mất trắng tiền dành dụm cả đời chỉ trong một "nốt nhạc".
Nạn nhân của các vụ lừa đảo này không hề nhỏ, trong những tháng đầu năm 2020 có đến 560 trường hợp và hàng trăm tỉ đồng đã bị bọn bất lương "cuỗm" đi không để lại dấu vết gì. Phi lý ở đây là làm sao bọn tội phạm lại biết rành rẽ các thông tin cá nhân được bảo mật và được pháp luật bảo vệ? Ngay cả khi đăng cái hình người khác lên mạng xã hội cũng phải được người đó cho phép, nếu không, anh phạm vào tội xâm phạm hình ảnh cá nhân, dưa hình ảnh dinh thự lên mạng cũng bị quy là xâm phạm đời tư, vậy sao các thông tin cá nhân lại bị rò rỉ mạnh đến thế? Chỉ cần mua một cái vé máy bay mà "cánh" taxi biết rõ ngày giờ chuyến bay của anh để mời chào đưa đón. Cái số điện thoại của anh cũng chẳng phải của anh khi bọn đầu cơ nheo nhéo gọi anh bất kể lúc nào như người quen thân vậy bởi gọi tên chủ thuê bao chính xác: "Anh Đức ạ, mời anh dự hội thảo với bọn em, tại...".
Pháp luật bảo vệ thông tin và hình ảnh cá nhân chặt chẽ lắm, còn thực thi thì không. Đó chính là phi lý lớn nhất!
NHỊ NGỌC