Ảnh minh họa.
Theo dự thảo, người đủ điều kiện tham gia tuyển dụng (bao gồm: Thi tuyển, xét tuyển); công chức, viên chức đủ điều kiện dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Cụ thể:
Về tuyển dụng, nếu dưới 100 thí sinh mức thu sẽ là 500.000 đồng/thí sinh/lần; từ 100 đến dưới 500 thí sinh mức thu sẽ là 400.000 đồng/thí sinh/lần; từ 500 thí sinh trở lên mức thu sẽ là 300.000 đồng/thí sinh/lần.
Về thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I, dưới 50 thí sinh mức thu sẽ là 1.400.000 đồng/thí sinh/lần; từ 50 đến dưới 100 thí sinh mức thu sẽ là 1.300.000 đồng/thí sinh/lần; từ 100 thí sinh trở lên mức thu sẽ là 1.300.000 đồng/thí sinh/lần.
Với thi nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III, dưới 100 thí sinh mức thu sẽ là 700.000 đồng/thí sinh/lần; từ 100 đến dưới 500 thí sinh mức thu sẽ là 600.000 đồng/thí sinh/lần; từ 500 thí sinh trở lên mức thu sẽ là 500.000 đồng/thí sinh/lần.
Về quản lý và sử dụng phí, dự thảo quy định tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp được để lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Ngoài ra, tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì được trích lại 100% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.
YÊN NHI
Nơi nào tiêm chậm, Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine Covid-19 cho nơi khác