/ Dọc đường tố tụng
/ Phiên tòa xét xử Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Đinh Ngọc Hệ và cháu gái đổ lỗi cho nhau

Phiên tòa xét xử Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Đinh Ngọc Hệ và cháu gái đổ lỗi cho nhau

05/01/2021 18:04 |

(LSO) - Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đang mở phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại 3 khu "đất vàng" ở TP. HCM. Khi được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Đinh Ngọc Hệ và Vũ Thị Hoan - cháu gọi Hệ bằng cậu - tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh Ngọc Hệ, Bùi Như Thiềm cùng đồng phạm và Nguyễn Văn Hiến bước sang ngày làm việc thứ 2, tiếp tục thẩm vấn các bị cáo - Ảnh: TTQS.

Ngày 19/5, phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') cùng 6 bị cáo trong vụ án sai phạm tại khu "đất vàng" trên đường Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé (Q.1, TP. HCM), tiếp tục phần thẩm vấn.

Đinh Ngọc Hệ và cháu gái đổ lỗi cho nhau

Hoan cho biết mình làm giám đốc Công ty Yên Khánh từ năm 2005 đến 2017. Khi thành lập công ty này, Hoan mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất một trường ĐH ở TP. HCM và đang sống nhờ tại nhà cậu ruột là Đinh Ngọc Hệ. Khi đó Hệ nhờ Hoan đứng tên hộ làm giám đốc.

Trả lời HĐXX, Hoan cho biết mình không biết gì về việc điều hành công ty, tất cả do Hệ và bị cáo Phạm Văn Diệt (phó giám đốc công ty) điều hành. "Tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính, các dự án, tất cả mọi hoạt động đều phải thông qua ông Diệt. Ông Hệ cũng dặn cứ tin tưởng Diệt, tất cả giấy tờ gì bị cáo ký đều phải qua anh Diệt", Hoan khai.

Liên quan việc Công ty Yên Khánh ký kết hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành của Quân chủng hải quân, Hoan nói "không trực tiếp đi làm nên không nhớ". "Ông Trần Văn Lâm là trợ lý ông Diệt đi làm nên biết hết. Ông Trần Văn Lâm làm cũng phải qua Diệt. Việc chuyển đổi lô đất từ công ty Yên Khánh thành Yên Khánh Hải Thành bị cáo cũng không biết, không được dự họp gì", Hoan nói.

Bị cáo Hoan cũng liên tục khẳng định dù làm giám đốc nhưng bà "không có khả năng, không hiểu luật, tất cả đều do ông Hệ nhờ làm, và nói tin tưởng vào ông Diệt nên ông Diệt đưa gì thì ký", cũng như "bị cáo không được hưởng lợi gì".

Hoan cũng khẳng định không biết việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất 7-9 Tôn Đức Thắng. Việc công ty sau đó đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng cho 8 công ty thế chấp vay ngân hàng thời điểm năm 2013-2014 đều do Diệt và bộ phận tài chính của công ty làm.

"Việc làm hồ sơ thế chấp lô đất 7-9 là do ông Hệ, ông Diệt, trước đó chị Mai Thị Mộc Kiều là phó phòng tài chính làm hồ sơ", bà Hoan khai.

Bị cáo Phạm Văn Diệt cũng trả lời tòa rằng mình chỉ "là người làm thuê", và "những việc lớn là đều do ông Hệ chỉ đạo".

Trước những lời đổ lỗi của các bị cáo Hoan và Diệt cho mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng nói mình không biết gì về Công ty Yên Khánh.

"Hoan là con gái chị ruột bị cáo, nhưng bị cáo Hoan khai vậy là không đúng vì bị cáo không có quyền lợi, lợi ích gì vì bị cáo chỉ làm ở Công ty Thái Sơn BQP", Đinh Ngọc Hệ cho biết do mình quan hệ rộng, quen biết nhiều, "lại hay thương người nên khi được nhờ sẽ giúp", nhất là cháu gái và Diệt - một người không phải họ hàng nhưng quen biết xã hội.

Khi tòa đưa bằng chứng là chứng thư Hệ lập để bảo lãnh cho công ty Yên Khánh, bị cáo này lại thừa nhận mình năng lực kém, nên khi người quen nhờ thì Hệ giúp và việc giúp đỡ, lập chứng thư này không hưởng lợi gì.

Trước lời khai của Hoan, Diệt về việc Hệ có quan hệ trực tiếp với 8 công ty đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sô 7-9 để vay ngân hàng, Hệ nói các lời khai này không đúng.

"Bị cáo khẳng định không biết gì về công ty Hải Thành, cũng không liên quan đến các hợp đồng của Hải Thành", Đinh Ngọc Hệ nói.

Cựu Thứ trưởng nhận khuyết điểm

Trả lời thẩm vấn, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến trình bày: Chủ trương đưa 3 khu đất của QCHQ ra làm kinh tế xuất phát từ việc TP. HCM đề nghị, có mấy khu đất ở đường Tôn Đức Thắng có thể dùng để chỉnh trang đô thị. TP. HCM đề nghị trước.

Việc đưa 3 khu đất của QCHQ ra làm kinh tế, Tư lệnh QCHQ không quyết định được mà Thường vụ Đảng ủy quân chủng phải báo cáo Bộ Quốc phòng. Thường vụ không quyết định được mà phải xin phép cấp trên.

Nói về lý do QCHQ muốn đưa 3 khu đất ra làm kinh tế, ông Nguyễn Văn Hiến cho rằng, vì đời sống cán bộ hải quân đang kham khổ.

Sau này, vì hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cấp dưới đã tham mưu sai cho bị cáo, dẫn đến thực hiện sai.

Theo lời khai của ông Hiến, bị cáo đã xác nhận với CQĐT, VKS, nay là với HĐXX, bị cáo có khuyết điểm là thiếu sát sao trong công việc, không phát hiện được sai sót.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tức Út "trọc" tại phiên tòa - Ảnh: TTQS.

Quân chủng Hải quân nói bị 'Út trọc' lừa đảo

Đại diện bị hại là Quân chủng Hải quân khẳng định: Khu đất số 7-9 tại đường Tôn Đức Thắng (Q1.TP. HCM) của Quân chủng hải quân đã bị các bị cáo Hệ, Hoan, Diệt lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất mang đi thế chấp ngân hàng.

Đại diện Quân chủng Hải quân cho rằng với các sai phạm của các bị cáo, Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng quản lý đối với 3 khu đất tại đường Tôn Đức Thắng đã bị sang tên cho các công ty liên doanh.

Riêng khu đất số 7-9, các bị cáo Hệ, Hoan, Diệt đã lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất mang đi thế chấp ngân hàng. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời thì nguy cơ cao lô đất sẽ bị phát mại.

Hơn 939 tỉ đồng tiền sử dụng 3 khu đất trên, công ty Yên Thành đã không nộp về cho Quân chủng Hải quân, đại diện bị hại cho biết.

"Quân chủng Hải quân bị các đối tượng lừa như thế nào?", chủ tọa phiên tòa hỏi. Đại diện bị hại nói các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan gian dối trong việc lập tờ trình số 10 phản ánh về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các đối tác ngoài quân đội gửi Quân chủng Hải quân để xin liên doanh thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng thương mại cho thuê.

"Quân chủng đã tin tưởng, không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh và đã chấp nhận liên doanh. Đến nay qua làm việc với cơ quan tố tụng, Quân chủng Hải quân mới biết tại thời điểm đó, năm 2006, công ty Yên Khánh mới thành lập được 7 tháng, Hoan là giám đốc công ty khi mới đang là sinh viên…", đại diện bị hại nói.

"Quân chủng Hải quân bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 525 tỉ đồng giá trị quyền sử dụng khu đất tại thời điểm tháng 02/2010".

Vị đại diện này sau đó đề nghị các công ty liên doanh, cá nhân và đối tượng có liên quan trả lại quyền sử dụng đất cho quân chủng để quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Số tiền 939 tỉ đồng thì đề nghị Công ty Hải Thành nộp toàn bộ về cho Quân chủng hải quân.

Số tiền này Quân chủng hải quân đã được UBND TP. HCM cho giữ lại để xây dựng, củng cố doanh trại, cơ sở vật chất.

Đối với dự án tại khu đất số 2 và số 9-11, đại diện Quân chủng hải quân cho biết việc tham gia góp vốn bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng quy định. Tuy nhiên hiện các đối tác đã đầu tư số tiền rất lớn vào dự án nên Quân chủng hải quân đề nghị tòa xử lý theo quy định của pháp luật, có cơ chế phù hợp đảm bảo quyền lợi cho các bên.

THANH LOAN (t/h)

/dien-tu-hoa-thu-tuc-cho-doanh-nghiep.html