Phổ biến tình trạng 'ăn đất'

15/10/2021 07:40 | 2 năm trước

(LSVN) - Có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, đã có một lỗ hổng rất lớn cả trong pháp luật đất đai và trong hoạt động quản lý đất đai của chính quyền và các cơ quan chức năng. Điều này không chỉ gây thất thoát rất lớn cho tài nguyên quý giá của đất nước mà còn tạo ra mối bất mãn tiềm tàng và bức xúc lớn trong các tầng lớp nhân dân.

Ảnh minh họa. 

Ngày 14 vừa qua, TAND TP. Hà Nội xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó, một phụ nữ đã tạo lòng tin cho 7 hộ gia đình là mình có thể làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và đã nhận 450 triệu đồng từ các nạn nhân. Xét thái độ thành khẩn khai báo và tự nguyện khắc phục hậu quả, Tòa giảm án cho bị cáo từ 7 năm xuống 5 năm tù.

Nhưng nếu cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý đất đai làm việc công minh, chính trực, công khai, đúng pháp luật và vì dân thì dứt khoát, các vụ án lừa đảo tương tự như thế này sẽ không xảy ra và không thể xảy ra được? 

Một minh chứng rất rõ ràng rằng trong thời gian gần đây liên tiếp các vụ án với hành vi “ăn đất” bị khởi tố ở các địa phương khác nhau. Thanh Hóa vừa khởi tố Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc cùng nguyên Chủ tịch xã và cán bộ địa chính của xã này; Yên Bái vừa bắt giam các quan “ăn đất”, gồm Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn, Giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và một công chức địa chính xã; Đắk Nông bắt giam 5 cán bộ có hành vi gian lận trong bồi thường giải phóng mặt bằng; Tuyên Quang khởi tố và bắt giam 8 lãnh đạo và nhân viên Công ty Môi trường đô thị.

Các vụ án tương tự như vậy xảy ra rất nhiều, liên quan đến cán bộ ngành Tài nguyên - Môi trường và quản lý đất đai, bộ sậu tham nhũng thường đủ mặt: Cán bộ Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Quỹ phát triển đất, chủ tịch xã và công chức địa chính. Quy mô nhỏ là cấp xã, cấp huyện, quy mô lớn là cấp tỉnh, thậm chí rất lớn như ở Bình Dương, nhiều lãnh đạo cao nhất của tỉnh này cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường bị khởi tố, điều tra. TP. Hồ Chí Minh với những vụ án “ăn đất” rất lớn, trong tầm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và tiêu cực; Phú Yên, Khánh Hòa là những địa phương có những vụ việc điển hình “quan ăn đất”.

Với hiện trạng như vậy, có thể khẳng định một điều chăc chắn rằng đã có một lỗ hổng rất lớn cả trong pháp luật đất đai và trong hoạt động quản lý đất đai của chính quyền và các cơ quan chức năng. Điều này không chỉ gây thất thoát rất lớn cho tài nguyên quý giá của đất nước mà còn tạo ra mối bất mãn tiềm tàng và bức xúc lớn trong các tầng lớp nhân dân. Chỉ một hành vi nhỏ xảy ra trong một địa bàn nhỏ như việc “sổ đỏ” cấp chồng lên “sổ đỏ” rồi bỏ mặc không quan tâm giải quyết, gây mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng cũng đã làm dân chúng mất niềm tin với chính quyền sở tại.

Bởi vậy, phát hiện và khởi tố các “quan ăn đất” đã là một việc cần có những bản án nghiêm khắc trừng phạt thích đáng, cùng với sự điều chỉnh pháp luật phù hợp thì mới mong ngăn chặn được tình trạng “ăn đất” khá phổ biến hiện nay.

  NHỊ NGỌC

Trách nhiệm trong vụ nổ lò hơi khiến 9 người thương vong tại Công ty CP Gạch ốp lát BNC

Từ khoá : lsvn.vn LSVN phổ biến