Quanh cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định).
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các lãnh đạo tỉnh Bình Định gồm các ông: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Tây Sơn.
Tại buổi làm việc với huyện Tây Sơn, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phân bổ cho huyện là gần 84 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 50,8 tỉ đồng, còn vốn sự nghiệp là hơn 33,1 tỉ đồng. Kết quả giải ngân đến nay là hơn 39,5 tỉ đồng, đạt 47,1%, trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 59,15%, trong khi tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt 28,68%.
Qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư hoàn thiện; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị; người dân được tăng cường tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật nên thay đổi tư duy nhận thức và được tập huấn, hướng dẫn, tham quan học tập các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin tình hình phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2023 và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định).
Qua đó, huyện Tây Sơn kiến nghị Trung ương bổ sung đối tượng thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, huyện Tây Sơn cũng kiến nghị Trung ương ban hành tiêu chí, hướng dẫn xác định hộ có mức thu nhập thấp để làm cơ sở cho địa phương rà soát, đánh giá và lựa chọn đối tượng tham gia học nghề thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Cùng với chương trình MTQG này, Tiểu dự án 1 Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp” hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thanh quyết toán trong mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… và hóa đơn, biên lai chứng từ thanh toán thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; chưa có chính sách hỗ trợ cho người đại diện tổ nhóm cộng đồng dân cư.
Huyện Tây Sơn kiến nghị Trung ương ban hành hướng dẫn thực hiện cụ thể về thủ tục thanh quyết toán và bổ sung chính sách hỗ trợ cho người đại diện tổ nhóm cộng đồng dân cư để khuyến khích phát huy vai trò của người đại diện cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.
Đối với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn triển khai tiêu chí về tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên, thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã cập nhật tình hình ban hành các quy định và hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó có Nghị định 38 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, đồng thời trực tiếp giải đáp một số ý kiến của huyện Tây Sơn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chuyến khảo sát thực tiễn lần này nhằm tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở cuộc sống từ cơ sở để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chương trình, dự án đang triển khai.
Đối với 3 chương trình MTQG, Phó Thủ tướng cho rằng tổng nguồn vốn bố trí cho tỉnh Bình Định thực hiện 3 chương trình chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì thế tỉnh phải chắt chiu, huy động thêm các nguồn vốn của địa phương để thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món, tránh manh mún, dàn trải; đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình MTQG vì thời gian không còn nhiều.
Trong chuyến công tác, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi khảo sát việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại xã Vĩnh An và trao 130 suất quà cho người dân xã Vĩnh An.
Theo ông Đinh Hoàng Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An thông tin, Vĩnh An là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tây Sơn. Tổng diện tích đất tự nhiên 10.429,14 ha, được chia thành 5 làng, xã có 444 hộ/1.618 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc Ba na chiếm trên 80% dân số.
Trước đây, địa bàn xã rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo cao. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước các chính sách về phát triển kinh tế xã hộimiền núi, chính sách dân tộc như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ con giống, thực hiện kết nghĩa... Đồng thời triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn của xã có những chuyển biến tích cực, kinh tế xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả.
Qua chuyến thăm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang rất vui mừng trước sự khởi sắc đi lên của địa phương. Đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định).
Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ có chủ trương là phải thường xuyên đi về thăm nhân dân ở cơ sở. Có như vậy thì trong chỉ đạo điều hành và việc ban hành các chính sách mới sâu sát. Qua việc khảo sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở, Chính phủ sẽ có cái nhìn thực tế về những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
THÚC PHƯƠNG