Ảnh minh họa.
Sáu nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác phòng chống bao lực gia đình
Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện nay đã quy định rõ tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có vai trò thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình. Nhà nước đã xác định vấn đề phòng chống bạo lực gia đình không chỉ là trách nhiệm riêng của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan tổ chức, của các đoàn thể xã hội. Trên thực tế, khi thực hiện tuyên truyền pháp luật để phòng ngừa, hỗ trợ, phòng chống bạo lực gia đình các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) gặp không ít khó khăn.
Để góp phần ngăn ngừa, phòng chống bạo lực gia đình thì trong thời gian qua các hội viên, thành viên của các tổ chức khi thực hiện tuyên truyền pháp luật để phòng ngừa, hỗ trợ, phòng chống bạo lực gia đình đã thực hiện dưới các hình thức rất đa dạng, phong phú.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng xong công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về việc phòng, chống bạo lực gia đình trong nhiều năm qua tại địa phương vẫn còn một số hạn chế như: Một số nơi chưa thực sự quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; Kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế; Nhân sự làm công tác ở cơ sở vừa thiếu vừa yếu; Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương xảy ra bạo lực gia đình trong việc thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình còn chưa đồng bộ, chưa thực sự đi vào chiều sâu; Công tác giải quyết đối với một số vụ việc chưa kịp thời, chưa đạt hiệu quả cao.
Với kinh nghiệm thực tiễn tham gia nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, tác giả xin nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật mặc dù thường xuyên được quan tâm tiến hành nhưng vẫn chưa thực sự đúng trọng điểm; việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền ở các cấp, các ngành nhiều lúc còn mang tính hình thức, nặng nề về phong trào; chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tiến độ, nhất là ở cơ sở dẫn đến việc đạt được hiệu quả chưa cao. Hình thức triển khai ở cấp cơ sở chưaphong phú và đa đạng.
Thứ hai, một số đơn vị, địa phương còn thụ động trông chờ, ỷ lại vào hướng dẫn của cấp trên, chưa làm tốt vai trò tham mưu đề xuất với chính quyền cùng cấp và lãnh đạo cơ quan để chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác tuyên truyền.
Thứ ba, việc cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc thực hiện các đợt tuyên truyền cònbị động trong việc triển khai, không có kinh phí thực hiện một cách liên tục thường xuyên.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ chuyên trách, báo cáo viên,tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên tuy đã được củng cố có kiện toàn đông đảo về số lượng nhưng chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đội ngũ báo cáo viên ở cơ sở chưa đồng đều, một số còn hạn chế về trình độ.
Thứ năm, các hội viên, thành viên tại tổ chức còn phải thực hiện nhiệm vụ, công việc riêng khác tại tổ chức của mình, việc thực hiện tuyên truyền pháp luật về việc phòng, chống bạo lực gia đình chỉ là công việc phụ, mang tính hỗ trợ phối hợp chứ không phải là công việc thường xuyên chính.
Thứ sáu, bên cạnh đó nhận thức của đối tượng tuyên truyền còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc ít người còn chịu nhiều ảnh hưởng của luật tục, hủ tục, tập quán dân tộc nên việc đưa pháp luật đến với họ còn gặp nhiều khó khăn. mặt khác do điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nông dân và đồng bào dân tộc chiếm đa số. Địa bàn dân cư rộng, đi lại khó khăn cho việc tuyên truyền.
Xin đừng im lặng khi bị bạo hành
Hiện nay, tình trạng người bị bạo hành thường chọn cách hành xử là im lặng, chịu đựng. Đây là một ứng xử lệch lạc, làm cho tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Khi người nào là nạn nhân của bạo lực gia đình mà hiểu được đúng về pháp luật thì có thể giãi bày tâm sự, lắng nghe những chia sẻ, dồn nén và cơ hội được giải tỏa bản thân. Để xóa bỏ tình trạng này, theo tác giả cần nâng cao vai trò của giáo dục trong cộng đồng, trong đó tuyên truyền pháp luật luôn gắn với công tác phòng ngừa. Đây cũng là định hướng các hội viên giúp cộng đồng và các bên liên quan hiểu rõ về những nguy cơ, nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi bạo lực gia đình, hình thành cho cá nhân những khái niệm về bạo lực, hình thức, hậu quả, quy định pháp luật là gì từ đó giúp cho cộng đồng có những hiểu biết đúng đắn về hành vi bạo lực gia đình và cách phòng ngừa, ngăn chặn.
Một trong những giải pháp để làm tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình là đẩy mạnh vai trò kết nối các nguồn lực. Các hội viên, thành viên trong các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ và tận dụng triệt để nguồn lực của địa phương để áp dụng và thực thi luật phòng chống bạo lực gia đình một cách tốt nhất. Để thực hiện được vai trò này, các hội viên phải phát hiện ra những vấn đề bạo lực gia đình xảy ra tại địa phương mình ở giai đoạn từ sớm để kịp thời xử lý. Một người hội viên riêng lẻ rất khó nhận biết những điều này, do vậy cần có sự hỗ trợ của những thành viên khác của những người dân khác, các tổ chức khác. Bên cạnh đó, những đặc điểm tâm lý, tính cách của một số gia đình “điểm” để theo dõi, giúp phân vùng đơn vị làm việc tốt hơn.
Song song đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Tư vấn pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình sẽ mang lại nhiều lợi ích:
Tư vấn luật về bạo lực gia đình đóng vai trò quan trọng vào việc phổ biến giáo dục pháp luật, giúp định hướng hành vi ứng xử cho các cá nhân theo khuôn khổ pháp luật. Thông qua hoạt động tư vấn luật, nhiều người khác có thể hiểu rõ hơn về những quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Hoạt động tư vấn được diễn ra với rất nhiều hình thức khác nhau như tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua trang web… Qua đó mà có nhiều giải đáp về pháp luật giúp cho các đối tượng được tư vấn hiểu về quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp phải tình trạng bạo lực gia đình.
Thông qua vụ việc mà họ yêu cầu tư vấn, hội viên sẽ giúp họ có cái nhìn cụ thể và rõ hơn về vấn đề mình đang vướng mắc, để từ đó cho họ nâng cao hiểu biết pháp luật để có nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử đúng, hình thành và phát huy ý thức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Bên cạnh đó, khi được tư vấn luật, cung cấp cho cá nhân, tổ chức những hiểu biết pháp luật ở mức cơ bản về một vấn đề nhất định, giúp họ hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong mối quan hệ pháp luật cụ thể nảy sinh trong chính gia đình mình. Khi họ hiểu được những quyền và nghĩa vụ của mình thì sẽ cư xử đúng với pháp luật, hạn chế được sự xâm phạm về quyền và lợi ích của người khác. Khi mọi người đã hiểu những quyền và nghĩa vụ của mình thì cũng tránh được những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xảy ra trong xã hội. Tỉ lệ phạm tội sẽ giảm xuống, những tranh cãi mâu thuẫn với nhau được hạn chế và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, đời sống được nâng cao, xã hội ổn định.
Huy động nội lực của bản thân người bị hại
Bản thân người bị hại hơn ai hết phải nhận thức sâu sắc về tính phi đạo lý và tính phi pháp lý của hành vi bạo lực gia đình. Nếu bản thân người bị hại không nhận thức đúng mức về tính phi đạo lý và tính phi pháp lý của hành vi bạo hành gia đình dẫn đến tình trạng âm thầm chấp nhận và cam chịu, không có ý thức phản kháng để tự bảo vệ mình thì rất khó để cộng đồng có thể can thiệp có hiệu quả, càng rất khó để can thiệp bằng con đường pháp lý. Thậm chí trong một số ít trường hợp, người bị hại còn đứng về phía thủ phạm gây ra bạo hành đối với chính bản thân mình nhằm vô hiệu hóa sự can thiệp của pháp luật để xử lý người vị phạm. Ví dụ người vợ che giấu hành vi xâm hại của người chồng đối với người con riêng của mình.
Nội dung và biện pháp để huy động nội lực của bản thân người bị hại trong quá trình phòng, chống bạo lực gia đình cần phải có những giải pháp: Thứ nhất, giúp cho họ tự nhận thức được rằng dẫu do bất kỳ nguyên nhân, lý do nào thì bạo lực gia đình đều không thể chấp nhận được cả về phương diện đạo lý cũng như phương diện pháp lý. Thứ hai, tạo được nơi tin cậy vững chắc để nạn nhân của việc bạo lực gia đình có thể trông cậy, nương dựa. Chỗ dựa ấy có thể là một hoặc một số người láng giềng hay một số người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong cộng đồng đại gia đình, trong cộng đồng họ tộc... để các nạn nhân được bảo vệ nhanh chóng, kịp thời khi xảy ra bạo lực gia đình đối với bản thân họ.
Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật
Một trong những giải pháp hết sức quan trong và căn cơ là hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động về phòng chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết và sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư và cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, góp phần bảo vệ hạnh phúc, sự phát triển lành mạnh của mỗi gia đình.
Khi chọn giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cần hướng đến hai mục tiêu chính đó là cái đích cuối cùng của việc đưa luật vào cuộc sống để luật có hiệu lực thực sự trên thực tế và các cơ chế để thực hiện luật này.
Khi Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì người thực thi pháp luật sẽ có thêm nhiều căn cứ cơ sở pháp lýđể tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đưa luật này đi sâu vào cuộc sống. Hiện nay, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhiều gia đình vượt lên, thoát khỏi cảnh đói, nghèo và ý thức gìn giữ hành phúc gia đình càng được chú trọng. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo lực trong gia đình theo đúng quy định của pháp luật, xử lý người vi phạm đồng thời răn đe, phòng ngừa những đối tượng khác. Ở đây không phải là xử lý mà còn nhằm mục đích cao cả khác đó là giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa bạo lực trong gia đình, để người người tuân thủ pháp luật và luật thực sự bảo vệ lợi ích của mỗi người.
Xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư
Bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, việc ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, phản ánh sự suy thoái về đạo đức của một vài cá nhân, thành viên trong gia đình. Với tính tự giác, mỗi người dân, mỗi cá nhân trong xây dựng môi trường văn hóa phải chủ động điều chỉnh các hoạt động, hành vi của mình theo các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa. Mặt khác, khi mỗi cá nhân, thành viên trong xã hội luôn được định hướng bằng những tiêu chí tốt đẹp và tự giác,như vậy sẽ khơi dậy lòng tự trọng của con người để tuân theo cái chân - thiện - mỹ, biết xấu hổ khi đã có những hành vi thô bạo hay bạo hành trong gia đình.
Theo tác giả, có năm giải pháp cơ bản phòng chống bạo lực gia đình thông qua xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng khu dân cưmà các hội viên trong các tổ chức thực hiện:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người nhận thức rõ tính cấp bách và thách thức về bạo lực gia đình để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực.
- Tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm đầu tư tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí lành mạnh cho quần chúng nhân dân.
- Phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, đa dạng về hình thức, phong phú và lành mạnh về nội dung.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, để gia đình văn hóa thực sự là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, là pháo đài vững chắc trong phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng chống bạo lực trong gia đình với xây dựng môi trường văn hóa và xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam