/ Góc nhìn
/ Phòng, chống tiêu cực

Phòng, chống tiêu cực

13/09/2021 03:03 |

(LSVN) - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa bổ sung nhiệm vụ mới là phòng chống tiêu cực. Cả tham nhũng và tiêu cực đều mang lại hậu quả là làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước và tác hại rõ ràng ai cũng nhìn thấy là làm mất lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Ảnh minh họa.

Biểu hiện của tiêu cực có trong cả suy nghĩ và hành động, cách nhìn và cách sống. Hành vi tham nhũng đã được "định vị" bằng pháp luật với những quy chiếu điều luật rõ ràng. Hành vi tiêu cực thì biểu hiện ở muôn hình vạn trạng và khó có thể có một duy danh định nghĩa chính xác để nhận diện và xử lý. Tuy nhiên, ở vào những hành vi cụ thể, trong một hoàn cảnh nhất định không khó để nhận biết đó là tiêu cực. Ví dụ, đi đánh golf trong hoàn cảnh thực hiện việc giãn cách xã hội hoặc "đi xem đất" với phụ nữ trong đêm và trong xe ô tô. Đã một thời tiêu cực thường gắn liền với "móc ngoặc", chỉ hành vi bắt tay với nhau nhằm trục lợi, bòn rút tài sản nhà nước. "Đi đêm", "cưa đôi", "làm luật", "bổ nhiệm thần tốc", "quân xanh, quân đỏ" trong đấu thầu,... đều là những hành vi tiêu cực phát sinh từ thực tế và được gọi bằng những từ ngữ đã trở nên quen thuộc với bất cứ ai và ai cũng hiểu đó là hành vi gì. 

Tiêu cực cùng "chủng loại" với tham nhũng nhưng ở mức độ thấp hơn và là tiền đề cho tham nhũng. Chẳng hạn, "suy thoái đạo đức, lối sống" là một hành vi tiêu cực và đã như vậy thì tham nhũng là bước tiếp theo tất yếu, ngược lại, tham nhũng chính là vì suy thoái, tha hóa quyền lực, quan hệ nhân - quả là vậy. 

Hành vi của các cán bộ lãnh đạo Tòa án Quảng Ninh khi xét tha tù sớm hơn thời hạn thiếu cơ sở và không đủ điều kiện cho Phan Sào Nam là một sự tiêu cực điển hình khi không đủ chứng cứ để chứng minh mục đích của hành vi này nhằm ăn tiền của đương sự. Nếu chứng minh được thì đó là tham nhũng và xử lý hình sự chỉ không chỉ là sự kỷ luật đảng hay hành hành chính. Những doanh nghiệp ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nộp tiền cho bà Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng dù có bị "dọa dẫm" đi chăng nữa cũng là hành vi tiêu cực. Họ may mắn thoát khỏi tội danh “Đưa hối lộ” vì hành vi của chủ thể là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", theo đó, họ chỉ là nạn nhân của sự chiếm đoạt này.

Tuy nhiên, tiêu cực không xử lý đến nơi, đến chốn thì tất yếu, hậu quả cũng không kém gì tham nhũng. Chẳng hạn, nếu Phan Sào Nam không phải tiếp tục ngồi tù thì rõ ràng hành vi tiêu cực của cán bộ đã tạo ra một tiền lệ là họ làm sai rõ ràng nhưng mục đích vẫn đạt được. Tương tự, nếu những người đưa tiền ở Vĩnh Tường không bị xử lý (dù số tiền đó đã sung công quỹ) thì những trường hợp nộp tiền để tránh thanh tra vẫn cứ tiếp tục xảy ra và đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhận diện tiêu cực, đánh giá đúng tình trạng và sự "lộng hành", "tác oai, tác quái" của nó cùng mức độ phổ biến của hành vi tiêu cực trong xã hội hiện tại thì mới có được kết quả như mong muốn.  

NHỊ NGỌC

Việc cấp giấy đi đường cho Luật sư là phù hợp với quy định của Chính phủ

Lê Minh Hoàng