Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

26/06/2021 09:55 | 2 năm trước

(LSVN) - Cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và dẫn tới nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp lao động trẻ em; những nỗ lực quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức cần sớm được thực hiện.

Luật Trẻ em năm 2018 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tuy nhiên, theo cuộc điều tra gần đây nhất vào năm 2018 (Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam) xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài những nguy cơ về sức khỏe và sự an toàn của trẻ, cuộc điều tra đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc tham gia các hoạt động kinh tế đến việc đi học của trẻ. Khi mức độ tham gia các hoạt động kinh tế của các em càng tăng thì tỷ lệ trẻ được đến trường càng giảm. So sánh với tỷ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4% thì chỉ có một nửa số lao động trẻ em được đi học, con số này trong nhóm lao động trẻ em  làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm còn thấp hơn, chỉ có 38,6%.

Tuy nhiên, số liệu điều tra cho thấy có xu hướng tiến triển tích cực trong tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường là 63%, so với con số này năm 2012 chỉ là 43,6%. Mặc dù vậy, lao động trẻ em hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng lao động trẻ em như một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội. Đồng thời, do hậu quả tàn phá của các trận lũ lụt miền trung gần đây, nguy cơ các gia đình bị ảnh hưởng phải đối mặt với gánh nặng kép của cả đại dịch lẫn thảm họa thiên nhiên.

Vì vậy, cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và dẫn tới nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp lao động trẻ em; những nỗ lực quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức cần sớm được thực hiện.

Để nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thúc đẩy những nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn năm 2021 là Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em. Để có thể vượt qua những thách thức và thực hiện vai trò là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7[1], Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7. Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình được thực hiện hướng đến 3 mục tiêu cụ thể:

(1) Phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (sau đây gọi là lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em

Nội dung của mục tiêu này là phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%. 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

(2) Truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Nội dung của mục tiêu này là phấn đấu 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sỡ nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

(3) Đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Mục tiêu cần đạt là 90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 70% cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, đặc biệt là doanh  nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Với những mục tiêu trên, định hướng đến năm 2030 phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nói trên, nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra bao gồm:

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, cụ thể là nghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trinh, sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng các phương thức thông tin tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, giáo dục hỗ trợ quyền trẻ em phù hợp với từng địa phương, cộng đồng, dân tộc.

Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho giảng viên nguồn các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương về việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao dộng. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm trao đổi kinh nghiệm, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em. Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chương trình, định kỳ khảo sát quốc gia về lao động trẻ em.

[1] Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em - hay còn gọi là Liên minh 8.7, được khởi động từ năm 2016 với mục đích hỗ trợ các quốc gia hoàn thành Điều 7 trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8: một thế giới không còn lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em dưới mọi hình thức.

LÊ KIM ANH

Trường Đại học Tân Trào

Những bất cập, hạn chế và giải pháp hoàn thiện trong quy định của Bộ luật Hình sự về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự”

Từ khoá : lsvn.vn LSVN