/ Luật sư - Bạn đọc
/ Phòng vệ chính đáng vẫn có tội

Phòng vệ chính đáng vẫn có tội

05/01/2021 18:07 |

(LSO) - Trong đời sống pháp luật của chúng ta, đã xảy ra nhiều trường hợp chống trả khi bị tấn công, nạn nhân trở thành bị cáo hoặc chủ nhà bắt trộm rồi mình phải vào tù, kẻ trộm không sao cả...

TAND quận Tân Phú (TP. HCM) vừa tuyên xử một bị cáo 1 năm 6 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" trong trạng thái tinh thần kích động mạnh.

Ảnh minh họa.

Vụ việc xảy ra vào lúc nửa đêm, khi bị cáo chạy xe ôm đưa khách về, dừng lại ven đường xem điện thoại thì bất ngờ có người lao vào đánh, văng cả điện thoại. Anh xe ôm xuống xe bỏ chạy, người bất ngờ tấn công anh đạp đổ xe máy và đuổi theo, nắm mũ áo khoác kéo lại. Bị cáo dùng mũ bảo hiểm đánh lại nhằm thoát thân nhưng không được. Trong lúc xô xát, bị cáo dùng mũ bảo hiểm đánh lại khiến người này ngã xuống bất tỉnh. Bị cáo đỡ nạn nhân dậy nhưng thấy mọi người chung quanh tri hô, định đánh mình thì hoảng sợ bỏ chạy đến Công an trình báo. Hôm sau, nạn nhân chết vì chấn thương sọ não.

Đáng chú ý là nạn nhân đi nhậu về, vô cớ tấn công bị cáo và đuổi đánh đến cùng. Sự chống trả của bị cáo hoàn toàn là tự vệ để thoát thân, gây nên cái chết cho nạn nhân là điều hoàn toàn không có ý thức. Đây có thể được coi là hành vi "phòng vệ chính đáng" mà thôi. Giữa đêm khuya, vô cớ bị tấn công đến cùng thì phải đáp trả lại, ai rơi vào trường hợp này cũng phải làm như vậy, trừ trường hợp quá yếu đuối mà phải quỳ xuống van xin và bị đánh.

Tòa buộc tội "Cố ý gây thương tích" trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Ngoài một năm rưỡi tù, bị cáo phải bồi thường 224 triệu đồng, cấp dưỡng cho con nạn nhân mỗi tháng 2 triệu đồng. Gia đình bị cáo ở Thanh Hóa rất nghèo, bị cáo đã tốt nghiệp cao đẳng, vừa học, vừa làm, mượn chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm thì xảy ra cơ sự. Một gia cảnh như thế, một nhân thân tốt đến thế, cách ứng xử khi sự cố xảy ra rất tôn trọng pháp luật mà phải chịu một gánh nặng tinh thần, thân xác và vật chất đến thế sao?

Nạn nhân đã không may tử vong. Song, không phải thế mà anh ta vô tội. Cần xem xét đến tình tiết này mà giảm nhẹ hình phạt và tiền bồi thường cho bị cáo. Trong đời sống pháp luật của chúng ta, đã xảy ra nhiều trường hợp chống trả khi bị tấn công, nạn nhân trở thành bị cáo hoặc chủ nhà bắt trộm rồi mình phải vào tù, kẻ trộm không sao cả. Thiết nghĩ, không nên để tình trạng này tái diễn và để góp phần giữ thăng bằng cán cân công lý, giới báo chí nên lên tiếng và giới luật sư cần vào cuộc, đem lại sự công bằng cho người bị gặp những hoàn cảnh trớ trêu như thế. Đó chính là bảo vệ pháp luật mà giúp phần làm cuộc sống bình yên, đảm bảo trật tự xã hội, tôn trọng đạo lý, lẽ phải, nâng đỡ người yếu thế.

NHỊ NGỌC

/con-bat-hop-ly-khi-ap-dung-dieu-260-bo-luat-hinh-su.html