(LSO) - Đó là quan điểm chỉ đạo quyết liệt của toàn thể chính quyền huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong đó có xã đảo Hòn Thơm. Làm việc với báo chí, ông Dương Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Hòn Thơm khẳng định, tuy có nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, chính quyền xã đảo vẫn cố gắng làm tốt công tác quản lý trên địa bàn.
Địa hình quản lý rất khó khăn
Hòn Thơm là một xã đảo, bao gồm 20 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành quần đảo nam An Thới với tổng diện tích là 724,05ha. Một số đảo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ năm 2013, số còn lại chưa được cấp sổ do còn có người dân sinh sống ở đây lâu năm. Nơi này được xem là “thiên đường du lịch" vì sở hữu rất nhiều bãi biển và cảnh đẹp hoang sơ, nước biển xanh trong, cộng thêm hệ sinh thái tự nhiên đa dạng với nhiều loài hải sản và nhiều rặng san hô, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch.
Lợi thế về du lịch là vậy, nhưng đây lại là một địa bàn có địa hình rời rạc không như đất liền. Chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, chưa kể mùa mưa to, gió lớn thì việc di chuyển đường biển rất “gian truân”. Do vậy, một số cá nhân với mục đích tư lợi đã lén lút phá rừng để chiếm đất, tự ý cải tạo, xây dựng không phép, thậm chí còn lấn cả biển…
Chủ tịch UBND xã Dương Thanh Vân cho biết, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng luôn được UBND huyện chỉ đạo quyết liệt. Xã Hòn Thơm đã xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ tuần tra để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả thứ 7, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ…
Kiên quyết xử lý
Theo Chủ tịch Vân, thời gian qua, chính quyền đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp sai phạm. Từ năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý 15 vụ, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ, vận động tự tháo dỡ 37 căn nhà cất trên đất quy hoạch rừng phòng hộ và đất Nhà nước quản lý, cưỡng chế tháo dỡ 11 căn, trả lại đất cho Nhà nước gần 10.000m2…
Chủ tịch Vân nêu trường hợp điển hình, khu đất hơn 23.000m2 (Hòn Đụng, ấp Bãi Nam, xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc) do ông Phạm Văn Thêm (SN 1982, ngụ Hòn Thơm) đang sử dụng nằm sát biển. Nguồn gốc đất từ gia đình bà Trần Thị Lùng khai phá trước năm 1978, đến năm 2005 bán cho ông Thêm. Ngày 21/4/2020, cơ quan chức năng phát hiện ông Thêm bao chiếm đất công và lấn biển. Xã đã lập biên bản vi phạm hành chính, qua đo đạc xác định ông Thêm chiếm tổng cộng 9.694,3m2, liền kề với 23.000m2 của ông. Trước đó, UBND xã Hòn Thơm đã ban hành Quyết định số 783/QĐ-XPVPHC ngày 12/12/2019, xử phạt ông Thêm 2 triệu đồng về việc ông Thêm đã có hành vi chiếm 864m2đất công. Xã cũng đề nghị huyện áp dụng tình tiết tăng nặng do ông Thêm chưa nộp phạt.
Ngày 29/4/2020, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 2299/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thêm số tiền 50 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Ông Thêm đang khiếu nại Quyết định này nên chưa nộp phạt.
Chủ tịch Vân cho biết, ngày 30/9/2020, UBND xã Hòn Thơm phối hợp cùng Vườn Quốc gia Phú Quốc và Hạt Kiểm lâm huyện Phúc Quốc đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận hiện trạng ông Thêm vẫn chưa khắc phục hậu quả theo Quyết định số 2299/QĐ-XPVPHC của UBND huyện Phú Quốc. UBND xã đề nghị UBND huyện Phú Quốc ra Quyết định cưỡng chế, buộc ông Thêm nộp phạt và khắc phục hậu quả, trả lại đất công đã chiếm. Trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Xuất hiện thông tin phản ánh sai sự thật
Liên quan đến vi phạm về xây dựng tại Hòn Đụng, vừa qua xuất hiện một số thông tin cố tình thổi phồng, bóp méo sự thật. Điển hình như vụ bà Nguyễn Thu Huyền (SN 1973, ngụ Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), bà Huyền đã phải gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng.
Hồ sơ thể hiện, ngày 10/4/2020, UBND xã Hòn Thơm cùng Vườn Quốc gia Phú Quốc với Hạt và Kiểm lâm huyện tiến hành kiểm tra, phát hiện tại khu đất 17.000m2 do bà Huyền đang sử dụng, đã san lấp mặt bằng, xây 1 căn nhà tường diện tích 63,6m2, 3 căn nhà tạm bằng lá, xây bờ kè, sân, lát gạch vỉa hè... Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, tổ chức đo đạc, ghi nhận hiện trạng.
Ngày 30/4/2020, bà Huyền đã tự tháo dỡ căn nhà 63,6m2 xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu nên không bị xử phạt chính. Đối với 3 căn nhà tạm, bà Huyền xin giữ lại để người nhà ở trông coi vườn, làm rẫy. Ngày 16/8/2020, đại diện các ngành chức năng của huyện Phú Quốc và xã Hòn Thơm đã họp và thống nhất không xử lý đối với 3 căn nhà tạm.
Chủ tịch xã Hòn Thơm cho biết, UBND xã theo dõi sát trường hợp này, nếu còn vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ngày 30/9/2020, lực lượng phối hợp đã tiến hành kiểm tra hiện trạng khu đất của bà Huyền, ghi nhận không phát sinh mới.
Vụ việc chỉ dừng lại ở đó, nhưng bà Huyền lại bị vu cáo, đã có hành vi “ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất biển tại Hòn Đụng; lấn chiếm gần 10.000m2 đất công tại Bãi Kem, thị trấn An Thới”, rồi bị quy chụp có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, bao che, làm ngơ của chính quyền địa phương, nên bà Huyền mới “ngang nhiên”, bất chấp các quy định của pháp luật”?.
Bà Huyền trình bày: “Năm 2007, tôi có nhận chuyển nhượng giấy tay thành quả lao động gắn liền với đất của bà Lê Thị Mực (diện tích 17.000m2, tại Hòn Đụng, ấp Bãi Nam, xã Hòn Thơm). Họ khai hoang năm 1960, có cất nhà ở và trồng cây lâu năm như: mít, xoài, đào, hoa màu, diện tích 20.000m2. Họ đào một giếng nước, trên thửa đất có 3 ngôi mộ (gồm bà nội, cháu bà Mực và ông On là chồng bà Mực, mất 1974). Canh tác và sử dụng đến năm 1980, bà Mực và các con chuyển về Hòn Thơm sinh sống cho đến nay. Hàng năm gia đình bà Mực vẫn qua trồng trọt và chăm sóc mồ mả. Năm 2007, bà Mực chuyển nhượng cho tôi toàn bộ 17.000m2 đất và vườn cây. Năm 2012, tôi trồng thêm dừa và tràm bông vàng. Hàng năm, tôi đều sang chăm sóc và sử dụng ổn định cho đến nay. Thửa đất của tôi đã được ký giáp ranh và xác nhận của UBND Hòn Thơm”.
Bà Huyền cũng khẳng định: “Ngoài thửa đất nói trên, tôi không có đất, cũng không giao dịch mua bán với bất kỳ ai tại thị trấn An Thới. Thông tin về tài sản của tôi trên một số tạp chí là bịa đặt, vô căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí”.
Theo Vườn Quốc gia Phú Quốc, hơn 23.000m2đất của ông Thêm và 17.000m2 đất của bà Huyền không nằm trong ranh giới rừng phòng hộ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013 do UBND tỉnh Kiên Giang cấp cho rừng phòng hộ Phú Quốc (nay do Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý).
Chính quyền công nhận, toàn bộ công trình xây dựng không phép của bà Huyền đều nằm trong phần đất 17.000m2mua của bà Mực đã được chính quyền xử lý. Ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 633/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc. Đến năm 2030, cả hai khu đất trên được quy hoạch rừng phòng hộ. Về mặt pháp lý, 17.000m2đất của bà Huyền đã hình thành, sử dụng ổn định hơn 50 năm, trước khi Chính phủ ban hành Quyết định nêu trên.
Trước những thông tin sai sự thật, bà Huyền đang tiến hành hoàn tất thủ tục khởi kiện, yêu cầu cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Về phía địa phương, Chủ tịch xã Hòn Thơm nhìn thẳng vào sự thật: “Lãnh đạo xã có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chiếm đất công, lấn biển, xây trái phép. Chúng tôi xin ghi nhận và tiếp thu những gì mà dư luận phản ánh. Tuy nhiên, báo chí cũng cần tìm hiểu, biết rõ hơn về xã đảo để có cái nhìn khách quan, chia sẻ khó khăn với lãnh đạo địa phương”.
Những việc sai phạm về xây dựng xảy ra khắp cả nước, tuy nhiên không dựa vào đó mà thổi phồng sự việc, quy chụp vô căn cứ, cho rằng chính quyền “bao che, lợi ích nhóm”… Đặc biệt là đối với những xã đảo có dân trí chưa cao, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo làm mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương. Do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm các nguồn thông tin bịa đặt, trái pháp luật…
QUANG MINH