/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quan điểm về việc loại bỏ hình phạt tử hình

Quan điểm về việc loại bỏ hình phạt tử hình

02/08/2023 05:56 |

(LSVN) – Tử hình là một loại hình phạt truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam, đây có thể coi là hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội.

Ảnh minh hoạ.

Hình phạt tử hình được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định. Việt Nam đã ban hành các Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực ngày 01/01/2018). Dưới góc độ so sánh hình phạt tử hình giữa Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tác giả sẽ đưa ra những quan điểm, đánh giá về những ưu điểm cũng như điểm hạn chế của nó.

Về ưu điểm

Việc thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chú ý đến những đặc điểm, sinh lý của người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ thời điểm phạm tội.

Việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng trong Bộ luật Hình sự, đảm bảo được mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo chất lượng cuộc sống và an toàn xã hội.

Hình phạt tử hình góp phần đem lại công lý cho nạn nhân của tội phạm, bảo vệ một cách hiệu quả giá trị tính mạng của con người. Mặt nào đó hình phạt tử hình sẽ “nhân đạo” hơn vì “việc giam cầm cả đời hoặc thời gian dài trong tù còn gây đau khổ hơn” cho người bị kết án.

Việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và chuyển thành tù chung thân sẽ tạo điều kiện cho người phạm tội có điều kiện khắc phục thiệt hại do mình gây ra.

Về nhược điểm

Việc loại bỏ hình phạt tử hình ở một số tội như tội “Cướp tài sản” (Điều 168) và tội “Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” (Điều 303)... tạo ra mâu thuẫn trong quần chúng vì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm đến tài sản mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong thời gian qua, đã có một số đối tượng phạm các tội này gây bức xúc, hoang mang, lo lắng trong nhân dân về môi trường an toàn xã hội. Tội phạm có khả năng liều lĩnh hơn trong việc thực hiện tội phạm.

Do tính tàn khốc của hình phạt tử hình nên việc tiếp tục áp dụng hình phạt này sẽ đi ngược lại với những giá trị đạo đức, đặc biệt là làm tổn hại lòng nhân đạo và sự khoan dung…

Hiện nay, việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình vẫn còn là một vấn đề được pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và quan điểm của nhà làm luật, ở mỗi quốc gia khác nhau có các quy định khác nhau về vấn đề này.

Tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Một số ý kiến cho rằng, hình phạt tử hình được xem là điều kiện tốt để mang lại một cuộc sống có chất lượng và an ninh cho toàn xã hội. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, khi các điều kiện chưa cho phép thì không nên nghĩ đến việc loại bỏ hình phạt tử hình. Bởi vì, sau khi loại bỏ hình phạt tử hình, họ phải khôi phục lại hình phạt tử hình nhằm trấn áp, răn đe tội phạm vốn chưa được kiểm soát nay có điều kiện phát triển bởi không còn sợ nguy cơ bị xử phạt tử hình. Ngoài ra hình phạt tử hình đảm bảo mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm của hệ thống hình phạt.

Tại Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 (UDHR) đề cập đến quyền sống là quyền đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Theo đó, khoản 1 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) đã cụ thể hóa quyền này; thừa nhận mọi người đều có quyền được sống và được pháp luật bảo vệ, không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện.

Trên thế giới, luật pháp các quốc gia đã từng quy định hình phạt khắc nghiệt này cho rất nhiều tội phạm khác nhau (phản quốc, giết người, hiếp dâm, thông dâm…). Theo thời gian, phạm vi những tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình trên thế giới ngày càng thu hẹp lại. Những tội có tính chất chính trị, tôn giáo hay tình dục… dần dần bị loại bỏ khỏi danh sách những tội danh có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.

Hiện nay có 89 quốc gia trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình, 28 quốc gia chưa xử tử người nào trong 10 năm qua và 9 quốc gia chỉ áp dụng án tử hình trong các trường hợp đặc biệt (như tội ác chiến tranh), 74 quốc gia vẫn còn áp dụng nó. Các quốc gia hủy bỏ án tử hình cho rằng tác dụng của hình phạt này với việc ngăn chặn tội phạm cũng giống như các loại hình phạt khác. Các cuộc khảo sát do Liên Hợp quốc thực hiện (năm 1988, 1996 và 2002) về mối quan hệ giữa hình phạt tử hình và tỷ lệ phạm tội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã kết luận rằng: “Không tìm thấy những chứng cứ khoa học cho thấy việc thi hành án tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm tốt hơn so với việc áp dụng hình phạt tù chung thân...”.

Cho đến khi nào còn được sống, cho dù bị kết án tù chung thân, một người tù vẫn còn có hy vọng được tái hòa nhập cộng đồng, được giảm án, ân xá hay được giải tội. Việc thi hành án tử hình sẽ triệt tiêu những cơ hội này của họ. Thêm vào đó, hình phạt tử hình không chỉ gây đau đớn cho phạm nhân về thể chất khi bị hành quyết, mà còn khiến họ bị khủng hoảng tinh thần vô cùng nặng nề trong thời gian chờ đợi thi hành án. Bởi vậy, không thể nói là so với hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình có tính nhân đạo hơn.

Theo tác giả, tại sao không sử dụng hình phạt chung thân không được phép hưởng khoan hồng. Thay vì tước đoạt mạng sống, chúng ta bắt phạm nhân phải lao động suốt đời để biết thế nào là giá trị của lao động, bù đắp cho những mất mát của người bị hại, làm ra của cải vật chất để bù đắp lại.

Hiện nay đang là xu thế hội nhập, và việc hợp tác về mọi mặt giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã trở thành yêu cầu mang tính tất yếu khách quan. Để hòa nhập với tiến trình phát triển chung đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự điều chỉnh về chính sách, pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng cho phù hợp, trong đó có sự tương thích các quy định về hình phạt tử hình.

Trong tương lai, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội là một xu hướng tất yếu. Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đặc biệt là những dạng tội phạm đặc biệt nguy hiểm như giết người, tội phạm ma túy… Điều này không chỉ đặt gánh nặng và gây sức ép với các cơ quan nhà nước trong việc phải tìm ra các biện pháp ngăn chặn tội phạm hiệu quả mà còn tác động đến tâm lý người dân trong việc ủng hộ việc áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm.

Hiện nay, việc bãi bỏ, duy trì hay khôi phục hình phạt tử hình đang thu hút được mối quan tâm chung của nhân loại. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng đang được Nhà nước, xã hội và giới luật học đặc biệt quan tâm, đây không chỉ là vấn đề pháp lý hình sự mà còn liên quan đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đạo đức và dư luận xã hội… Vì vậy, việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình không nên phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà làm luật mà cần phải cân nhắc thận trọng. 

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Thách thức của trí tuệ nhân tạo với ‘quyền được lãng quên’ và một số khuyến nghị cho pháp luật Việt Nam

Nguyễn Mỹ Linh