Trị Thiên – Huế thuộc vùng chiến thuật của địch, bởi đây nơi tiếp giáp với miền Bắc và vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị. Tại đây, địch bố trí 7 khu vực phòng thủ kiên cố, gồm những đơn vị tinh nhuệ, gồm có: Sư đoàn bộ binh 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Liên đoàn biệt động quân 4 và 15, các Liên đoàn bảo an 913 và 914, Thiết đoàn 17 và 20, với 10 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ tự hành, 1 phi đoàn trực thăng, 2 phi đội trinh sát, hải đoàn biên phòng 106.
Quân đoàn 2 cùng bộ đội địa phương đánh chiếm thành phố Huế. Ảnh tư liệu.
Ngày 08/3/1975, mặt trận Trị Thiên - Huế nổ súng, Quân đoàn 2 đảm nhiệm các hướng tấn công chủ yếu. Trước sức mạnh tấn công của quân ta, địch tổn thất vô cùng lớn, quân, tướng hoang mang dao động ngay từ đợt tấn công đầu. Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 huênh hoang tuyên bố: “Tử thủ Huế, không để mất một viên sỏi ở vùng 1”. Sau 17 ngày đêm liên tục chiến đấu, đúng 10h30 ngày 25/3/1975, quân giải phóng kéo cờ lên cột cờ Phu Văn Lâu, trước Ngọ Môn (Huế). Hàng ngàn người dân Huế mừng vui vì thành phố đã được giải phóng. Hôm sau, lực lượng Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 tiêu diệt quân địch từ Phú Lộc đến Lăng Cô. Ngày 26/3, Trị Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng.
Thừa thắng, Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 lệnh cho các đơn vị vượt đèo Hải Vân, cùng với Sư đoàn 304 từ hướng Thượng Đức đánh vào Đà Nẵng. Ngày 29/3, Quân đoàn 2 cùng với lực lượng Quân khu 5, quân và dân địa phương giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Quân đoàn 2 cùng các đơn vị đánh chiếm Phan Rang. Ảnh tư liệu.
Giải phóng Đà Nẵng, Quân đoàn 2 được Bộ tổng tư lệnh giao nhiệm vụ hành quân thần tốc dọc theo duyên hải miền Trung. Vừa hành quân vừa đánh địch theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, giải phóng miền Nam”. Nếu thiếu lương thực, thực phẩm thì lấy các kho của địch, thiếu xe vận chuyển lấy xe của địch, thiếu người lái lấy lực lượng bổ sung các địa phương. Khi Quân đoàn 2 vào giải phóng Phan Rang, tại đây địch lập tuyến phòng thủ “lá chắn thép” để bảo vệ Sài Gòn từ xa. Chúng bố trí trên 10.000 quân, tổ chức thành một tuyến phòng thủ liên hoàn.
Quân đoàn 2 với phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” làm cho địch không kịp trở tay, không có thời gian củng cố trận địa. Đúng 05h30 ngày 14/4/1975, ta đồng loạt nổ súng đánh Phan Rang, quân địch chống trả quyết liệt, tập trung máy bay đánh vào đội hình để chia cắt quân ta. Nhưng quân địch không chịu nổi sức công phá của xe tăng, bão lửa của pháo binh Quân đoàn 2. Đến 09h30 ngày 16/4, Phan Rang, Ninh Thuận được giải phóng. Ta bắt sống 1 Trung tướng, 1 Chuẩn tướng và 1 Đại tá cố vấn Mỹ.
Xe tăng 390, Lữ đoàn tăng, thiết giáp 203, Quân đoàn 2 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 (Ảnh tư liệu).
Đánh xong Phan Rang, Quân Đoàn 2 tiến đánh Xuân Lộc và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch, Quân đoàn 2 đánh theo hướng Đông Nam, chia làm 2 mũi. 17h ngày 26/4, pháo binh Quân đoàn bắn liên tục xuống các mục tiêu quân địch, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa A72 tập trung bắn máy bay bảo vệ đội hình tấn công.
Với sáng kiến chiến thuật cũng là tài mưu lược của Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã tổ chức được “lực lượng thọc sâu chiến dịch” với binh chủng hợp thành gồm: Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp, Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Đại đội bộ binh của Trung đoàn 18 cùng một số đơn vị công binh, pháo binh, pháo cao xạ. Nửa đêm ngày 29/4, “lực lượng thọc sâu chiến dịch” vượt sông Buông tiến ra xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Sáng 30/4, xe tăng giải quyết nhanh các mục tiêu trên cầu xa lộ, đánh lướt cụm ngặn chặn của địch ở ngã tư Thủ Đức, hành quân cấp tốc thẳng hướng Sài Gòn. Đến cầu Sài Gòn, địch bố trí lực lượng rất mạnh, gồm có xe tăng, dày đặc hỏa lực, ngăn chặn không cho quân ta vượt sông (Đây là yết hầu chốt chặn cuối cùng của địch để bảo vệ Sài Gòn và Dinh Độc Lập).
Cách đầu cầu 500m, quân ta triển khai đội hình chiến đấu. Thấy xe tăng và bộ binh của ta chuẩn bị vượt cầu, hỏa lực của địch hai bên cầu và từ Thủ Đức bắn đến dữ dội. Ba xe tăng của ta bị trúng đạn, Thượng úy Ngô Văn Nhỡ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 xe tăng hy sinh ngay tại chỗ. Thấy vậy, ngay lập tức Thiếu tá Trần Minh Công - Tham mưu trưởng lên thay thế. Tiểu đoàn 8 bộ binh, Trung đoàn 66 bị thương và hy sinh 10 đồng chí.
Quân đoàn 2 bắt Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Khi Thiếu tá Trần Minh Công lệnh cho Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 xe tăng chuẩn bị vượt cầu, địch cho máy bay đánh vào đội hình. Tuy các chiến sĩ trên xe đều hy sinh, Trung úy Vũ Đăng Toàn, Trung úy Bùi Quang Thận tiếp tục lệnh các chiến sĩ vượt cầu, hỏa lực trên xe tăng, hỏa lực của bộ binh bắn chế áp các mục tiêu của địch. Xe tăng, bộ binh quân ta băng qua bom đạn vượt cầu.
Xe tăng 390 và 387, cùng với Đại 5, Đại đội 6 bộ binh Trung đoàn 66, vượt cầu Sài Gòn. Xe 390 tiến lên chiếm ngã tư Hàng Xanh diệt 1 chiếc xe tăng M113, xe 387 bắn cháy 2 chiếc xe tăng M41 và M113 của địch. Mặc dù sau đó xe 387 bị địch bắn cháy, xe 390 vượt lên dẫn đầu đội hình và húc sập cổng chính của Dinh Độc Lập. Cùng lúc đó, đồng chí Bùi Quang Thận tiến vào Dinh Độc Lập leo lên sân thượng hạ cờ ba que của địch xuống treo cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên nóc Phủ tổng thống ngụy quyền Sài Gòn vào lúc 11h30 phút ngày 30/4/1975.
Quân ta bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ngụy quyền Sài Gòn, đưa Tổng thống Dương Văn Minh và nội các sang Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân giải phóng.
Để kịp thời bảo đảm trật tự, an ninh trong thành phố, các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 có mặt ở Dinh Độc Lập gồm Tư lệnh Nguyễn Hữu An; Phó chỉnh ủy Nguyễn Công Trang; Phó tư lệnh Hoàng Đan đã cho ra bản Thông cáo số 1 Quân giải phóng gồm 6 điểm. Cứ 15 phút, Thông cáo số 1 được phát đi 1 lần trên Đài phát thanh Sài Gòn. Tối hôm đó, Sài Gòn vui như hội, dân đổ ra đường hân hoan chào đón Quân giải phóng, mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Quân đoàn cho xe thiết giáp đi tuần các phố. Đêm 30/4/1975, cả Sài Gòn rợp trời cờ, hoa.
HẢI HƯNG
Quân Liên Xô thất bại nặng dưới tay phát xít Đức do sai lầm của viên tướng Ba Lan