/ Góc nhìn
/ Cần quản lý chặt các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

Cần quản lý chặt các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

11/04/2022 17:01 |

(LSVN) - Việc lập, quản lý hồ sơ trẻ em hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Nghị định 19/2011/NĐ-CP (được sửa đổi theo Nghị định 24/2019/NĐ-CP).

Ảnh minh họa.

Hiện nay, đa số các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ mô côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Các cơ sở nuôi dưỡng đã nhận nuôi hàng ngàn trẻ em không may mắn trong cuộc sống có được chổ ở, mái ấm tình thương được chăm sóc, yêu thương. Đặc biệt, không chỉ được chăm sóc mà các em còn được đến trường học tập, vui chơi, nhiều em đã thành đạt từ các cơ sở này. Tuy vậy, đây là các cơ sở được cấp phép hoạt động và được sự theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương xuất hiện các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em một cách tự phát, không được sự cấp phép hoạt động, không có sự quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Nhiều cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trá hình thành lập nên vì mục đích trục lợi. Một số cơ sở tự phát thành lập nên chỉ để tổ chức quyên góp tiền bạc, vật chất sau đó sử dụng trái mục đích, phục vụ, làm giàu cho một số người liên quan.

Ngoài ra, một số cơ sở có các hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động trái phép xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, nhất là hành vi xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em. Điển hình là mới đây vụ việc xảy ra rất nghiêm trọng ở Tịnh Thất Bồng Lai, cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra và một số người đã bị khởi tố, tạm giam.

Việc các cơ sở nuôi dưỡng không đủ điều kiện, không được cấp phép hoạt động, không có sự theo dõi quản lý của cơ quan chức năng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực; có nguy cơ rất cao sẽ ảnh hưởng xâm phạm đến quyền, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của trẻ em.

Do đó, cần có sự quan tâm, chấn chỉnh, xử lý kịp thời của cơ quan chức năng đối với lĩnh vực này. Theo đó, cần tăng cường quản lý các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, thực hiện nghiêm túc việc lập, quản lý hồ sơ trẻ em.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt, rà soát đối với những cơ sở không đăng ký hoạt động, không đủ điều kiện thì phải xử lý, kiên quyết dẹp bỏ, chấm dứt tồn tại.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt, rất dễ bị xâm hại, tổn thương do các em còn nhỏ, ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Bảo vệ trẻ em không chỉ là khẩu hiệu, quy định này, văn bản nọ mà phải bằng hành động thiết thực, cụ thể. Bởi nếu chậm trễ, lơi lỏng thì hậu quả sẽ khó lường không chỉ đối với trẻ em mà ảnh hưởng tiêu cực đến cả xã hội.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Hạn chế tối đa việc giao cho bộ, ngành hướng dẫn luật

Lê Minh Hoàng