/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

08/05/2024 06:20 |

(LSVN) - Trước những ảnh hưởng nhiều mặt của người nổi tiếng trên mạng xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội bằng pháp luật là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Bài viết tập trung phân tích về hành vi, tác động của người nổi tiếng trên mạng xã hội và đề xuất giải pháp quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội trong thời đại công nghệ số.

Ảnh minh họa. 

Trong thời đại số hóa, người nổi tiếng trên mạng xã hội đã trở thành một hiện tượng quan trọng, được biết đến và theo dõi rộng rãi. Những người này thường có những đặc điểm riêng biệt, được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng mạng xã hội. Sức ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội có thể có các tác động lớn với những người dùng khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một số người nổi tiếng có thể sử dụng sự ảnh hưởng này để tạo ra thông điệp sai lệch, gây tranh cãi, hoặc thậm chí lan truyền tin tức giả mạo bao gồm sự quấy rối, đe dọa, hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Điều này có thể gây mất cân bằng và căng thẳng trên mạng xã hội và cộng đồng. Để có thể xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, một trong những nội dung quan trọng đó là phải nhận thức rõ sự cần thiết quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Khái quát về hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội 

Được hình thành từ sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, mạng xã hội là một khái niệm phổ biến trong xã hội hiện đại. Từ điển Oxford định nghĩa: “mạng xã hội là một trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng điện tử mà qua đó người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng cách thêm thông tin, tin nhắn, hình ảnh và các hình thức tương tự khác”(1). Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đưa ra giải thích tại khoản 22 Điều 3: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

Hiện tại có rất nhiều loại hình mạng xã hội để có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ mạng xã hội cá nhân như Facebook và Instagram đến mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn; cả các nền tảng chia sẻ video như YouTube và TikTok. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép ở Việt Nam và tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu có thể đạt tới 80 triệu người(2).

Mạng xã hội đã thay đổi cách mà con người giao tiếp, tạo mối quan hệ và tiêu thụ thông tin, trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người trên khắp thế giới.

Trong môi trường mạng xã hội, định danh “người nổi tiếng” không chỉ giới hạn trong các nhóm như ca sĩ, diễn viên, chính trị gia hay doanh nhân. Mở rộng hơn, nó bao gồm cả những cá nhân có lượng người theo dõi đáng kể. Các hoạt động chủ yếu của họ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, TikTok. Hành vi của người nổi tiếng thường được theo dõi một cách cận cảnh bởi công chúng rộng lớn và phương tiện truyền thông. Các hành vi này có thể là chia sẻ nội dung cá nhân hoặc quảng cáo dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích tương tác với người theo dõi để thu hút sự chú ý và lan truyền thông điệp hoặc sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý hình ảnh, bảo vệ sự riêng tư và duy trì mối tương tác tích cực với người hâm mộ trong một môi trường trực tuyến có tính cách thù địch và theo dõi chặt chẽ. Hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội đang có sức ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng, bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực.

Những tác động tích cực

Người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể dùng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Bởi họ có rất đông người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội nên họ có thể dựa vào tầm ảnh hưởng của mình đối với công chúng để truyền tải những thông điệp tốt đẹp, quảng bá văn hóa đặc sắc đến một lượng lớn người hâm mộ.

Tầm ảnh hưởng của họ không chỉ giúp nâng cao nhận thức và giáo dục mà còn thúc đẩy những hành động tích cực và tạo động lực cho sự thay đổi trong xã hội. Người nổi tiếng trên mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc định hình một xã hội tốt đẹp hơn thông qua tầm ảnh hưởng của họ. Điển hình là Hoa hậu Hòa bình Thế giới năm 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã dùng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng như khơi dậy tình yêu thương trong xã hội bằng cách kêu gọi mọi người quyên góp để giúp những người khó khăn có thể vượt lên chính mình hay việc khơi dậy sự nhiệt huyết trong nhiều bạn trẻ để có thể tiếp tục chiến đấu, trau dồi bản thân vì ước mơ của chính họ.

Không chỉ vậy, người nổi tiếng trên mạng xã hội thường được xem là mô hình lý tưởng cho những người theo đuổi ước mơ và khao khát sự thành công. Bằng cách chia sẻ câu chuyện cá nhân về sự đối mặt với khó khăn và phấn đấu để thực hiện mục tiêu, họ truyền cảm hứng và động viên người khác tự vươn lên; thúc đẩy tinh thần lạc quan và lối sống tích cực thông qua thông điệp, hình ảnh và trải nghiệm cá nhân của họ.

Ngoài việc tạo ra những hình tượng, thương hiệu cá nhân, những người này còn tạo ra những giá trị trong cộng đồng như dựa vào hình ảnh của bản thân để giúp những thương hiệu khác phát triển, từ đó cũng tạo ra không ít những công việc mới, cơ hội mới cho những người xung quanh.

Những tác động tiêu cực

Người nổi tiếng có thể có lúc không kiểm soát được hành vi của mình đã chia sẻ những thông tin không lành mạnh. Với người nổi tiếng trên mạng xã hội có lượng theo dõi và tương tác cao, đặc biệt là nhóm những người nổi tiếng lĩnh vực đòi hỏi sự uy tín và sức ảnh hưởng như chính trị, khoa học…, thông tin họ chia sẻ không chỉ có độ phổ biến mà còn tạo sự tin tưởng cho những người theo dõi và có thể tạo thành một trào lưu. Nếu thông tin giả mạo được đăng lên bởi những người này có thể lan truyền nhanh chóng và ảnh hưởng đến người hâm mộ, đặc biệt là các đối tượng trẻ tuổi. Điều đó có thể gây nên những hệ lụy lớn cho xã hội.

Ví dụ như trường hợp của “giang hồ mạng” Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”) xảy ra vài năm trước đây. Đối tượng đã đăng tải trên trang facebook cá nhân những clip, hình ảnh thể hiện lối sống ăn chơi thiếu lành mạnh. Không dừng lại đó, Khá có những phát ngôn, livestream (trò chuyện trực tiếp) chia sẻ những quan điểm lệch lạc trong lối sống. Thậm chí việc phải cải tạo trong trường giáo dưỡng (đối tượng phạm tội trong độ tuổi vị thành niên) do đánh người gây thương tích cũng được Khá thêu dệt, thổi phồng theo chiều hướng “xã hội đen” nhằm tạo dựng sự nổi danh trên mạng xã hội. Hành vi của Khá trên mạng xã hội phần nào đã kích động tính tò mò của một bộ phận giới trẻ, nhất là lứa tuổi học trò(3).

Tác động tiêu cực của người nổi tiếng trên mạng xã hội không chỉ giới hạn ở mức lan truyền thông điệp tiêu cực mà còn có thể gây tác động đến tâm lý và tinh thần của họ cũng như người dùng mạng xã hội nói chung. Một khía cạnh đặc biệt quan trọng là mối quan hệ phụ thuộc giữa người nổi tiếng và người hâm mộ của họ, khi tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể là một trong những yếu tố khiến người hâm mộ trở nên nghiện mạng xã hội.

Không thể phủ nhận rằng sự nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đi kèm với những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư và an ninh trực tuyến là xâm phạm quyền riêng tư và quấy rối trực tuyến, khi thông tin cá nhân của họ trở nên dễ dàng tiếp cận. Họ có thể bị theo dõi, đánh giá và bị xâm phạm quyền riêng tư thông qua việc lục lọi thông tin cá nhân hoặc lấy cắp hình ảnh riêng tư. Sự xâm phạm quyền riêng tư này có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin cá nhân, làm hỏng hình ảnh và danh tiếng của họ và gây ra sự phiền toái tinh thần cũng như mất an ninh cá nhân. Người nổi tiếng trên mạng xã hội thường trở thành mục tiêu của quấy rối trực tuyến, khi các người hâm mộ hoặc người dùng khác gửi thông điệp xúc phạm, đe dọa hoặc xâm phạm đến họ. Quấy rối trực tuyến có thể bao gồm những hành động công khai, có chủ đích như gửi thông điệp kỳ thị, bình luận xúc phạm dưới các bài đăng khi trực tuyến nhằm công kích họ(4). Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của người nổi tiếng, gây ra sự lo lắng, căng thẳng và trầm cảm. Những tấn công như vậy có thể dẫn đến việc lộ thông tin nhạy cảm hoặc bị kiểm soát trái phép, gây ra sự lo sợ, mất an ninh trực tuyến và ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Sự cần thiết phải quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội 

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và tạo ra tác động xã hội, việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên các nền tảng này không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một phần quan trọng của việc duy trì sự uy tín, trách nhiệm xã hội và tương tác tích cực với đại chúng. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người, chiếm 78,1% dân số. Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố nhân ngày Quốc tế An toàn internet, nước ta lại xếp trong “top” 5 những nước có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội kém nhất trên thế giới(5). Đây là tình trạng đáng báo động cho các nhà chức trách, những chủ thể quản lý trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn, văn minh cho người dùng trong nước và quốc tế.

Thứ nhất, việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội giúp duy trì một môi trường trực tuyến lành mạnh và an toàn cho tất cả mọi người. Những người theo dõi, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên có thể coi người nổi tiếng trên mạng xã hội trở thành hình mẫu cho các hành động và quyết định của họ. Mặc dù sự ngưỡng mộ của công chúng là sự xác nhận rõ ràng về giá trị cá nhân của người nổi tiếng, nhưng trong một thế giới mà người nổi tiếng hiếm khi bị nói “không”, xu hướng họ coi mình là trung tâm có thể xảy ra. Sự độc lập và quyền lợi ảo khiến người nổi tiếng dễ dàng đưa ra các quyết định mà không cân nhắc(6). Nếu người nổi tiếng trên mạng xã hội không được quản lý một cách cẩn thận, họ có thể lan truyền thông điệp không tốt đến cộng đồng mạng, dẫn đến những hậu quả tiêu cực như tăng cường hành vi bạo lực, gây gổ hoặc quấy rối trực tuyến.

Thứ hai, việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể bảo đảm rằng thông tin và tin tức được chia sẻ là đáng tin cậy và đúng sự thật. Đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội, thông tin có thể truyền tải rất nhanh và dễ dàng lan truyền. Nếu người nổi tiếng chia sẻ thông tin sai lệch hoặc không đáng tin cậy có thể gây ra sự hiểu lầm và rối ren trong xã hội. Do đó, việc theo dõi và quản lý thông tin mà họ chia sẻ có thể giúp bảo đảm tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin trên mạng xã hội.

Thứ ba, quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng giúp bảo vệ chính họ khi phải đối mặt với việc xâm phạm quyền riêng tư trên mạng xã hội. Những người nổi tiếng không chỉ có được lợi ích mà còn nguy hiểm từ “sự thân mật ảo tưởng” (Horton & Wohl, 1956)(7) do phương tiện truyền thông điện tử tạo ra. Một số người hâm mộ sẽ mong muốn điều này đến mức cực đoan và đây là những kẻ theo dõi nguy hiểm tiềm tàng mà những người nổi tiếng phải tự bảo vệ mình(8). Việc quản lý hành vi giúp họ bảo vệ thông tin cá nhân, tránh bị tiếp cận trái phép và bảo đảm rằng họ không vi phạm các quy tắc và luật pháp liên quan đến truyền thông và quảng cáo. Từ đó, họ có thể duy trì sự đáng tin cậy và tạo ra cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh cho người khác.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội

Dưới tác động mạnh mẽ của người nổi tiếng trên mạng xã hội cùng với việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, cấp thiết hơn, nhóm tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ở Việt Nam như sau:

Nâng cao ý thức cho người dùng mạng xã hội

Để quản lý hiệu quả hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội, cần xây dựng và phát triển một môi trường mạng xã hội lành mạnh. Việc định hướng, giáo dục về an toàn trực tuyến, quyền riêng tư hay hậu quả của hành vi trực tuyến có thể giúp người nổi tiếng và cộng đồng những người dùng mạng xã hội hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc thể hiện hành vi một cách tích cực và nhận thức được trách nhiệm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, tránh các hành vi “lệch chuẩn”. Đây là giải pháp có hiệu quả lâu dài nhằm nâng cao nhận thức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội một cách toàn diện, từ đó giúp mỗi người dùng xây dựng được bộ lọc của cá nhân mình.

Hoàn thiện chính sách

Tạo ra các chính sách và quy định rõ ràng là giải pháp quan trọng để thắt chặt việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Điều này có thể bao gồm việc xác định rõ ràng các hành vi vi phạm cụ thể và thiết lập các biện pháp kỷ luật phù hợp để bảo đảm tuân thủ. Hiện nay, mặc dù một số quy tắc ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội đã được ban hành nhưng có vẻ chưa đủ hiệu quả vì không có chế tài xử lý mạnh mẽ. Mức phạt với mỗi hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội chỉ từ 10-20 triệu đồng(9), đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm theo hướng tăng nặng mức độ, hình thức xử lý. Tuy nhiên, các chính sách và quy định cần bảo đảm sự minh bạch và công bằng, đồng thời cũng cần phải được thiết lập dựa trên các nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Bằng cách này, những người nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ có được một khung pháp lý cụ thể để tuân thủ, giúp họ tránh những hành vi có thể gây hậu quả tiêu cực.

Nâng cao nguồn nhân lực quản lý nội dung trên mạng xã hội

Yếu tố nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Với phạm vi hoạt động rộng rãi của người nổi tiếng, Nhà nước phải nâng cao về số lượng và chất lượng của các cơ quan, bộ phận chuyên môn để thực hiện các cuộc điều tra và phân tích dữ liệu từ các nền tảng mạng xã hội nhằm hiểu rõ xu hướng và hành vi của người nổi tiếng. Họ cần có kiến thức và kỹ năng để thu thập thông tin, đánh giá bằng chứng, xác định và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Giải pháp kỹ thuật

Là giải pháp không thể thiếu trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển bởi cùng với việc thông tin lan truyền rộng rãi, vẫn còn tồn đọng những khó khăn trong việc kiểm soát, kiểm duyệt, lọc, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng, tích cực tìm kiếm, sáng chế ra những công cụ kỹ thuật hữu hiệu trong việc rà quét, kiểm duyệt những hình ảnh, video hay những nội dung được tung trên mạng xã hội để kịp thời đưa ra những chế tài xử lý thích hợp. Song song với việc sáng tạo ra công cụ kỹ thuật hữu hiệu, các chủ thể quản lý vẫn cần phải tích cực, nghiêm túc và chủ động trong việc quản lý, tìm kiếm, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của những người nổi tiếng trên không gian mạng, nhằm tạo ra một không gian mạng an toàn cho những người dùng mạng khác trong xã hội.

Giải pháp với các nền tảng mạng xã hội

Cơ quan chức năng cần hợp tác với các nền tảng mạng xã hội để xử lý vi phạm và bảo đảm tuân thủ luật pháp. Sự hợp tác này có thể bao gồm việc xác định quy tắc và quy định chung, thỏa thuận về chia sẻ thông tin, cung cấp cơ hội tương tác, hỗ trợ trong công tác quản lý. Từ đó, tạo ra cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan như chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để thực hiện các biện pháp quản lý hành vi của người nổi tiếng mạng xã hội.

Gần đây, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh xây dựng quy chế xử lý đối với người nổi tiếng cũng như tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm những người nổi tiếng có hành vi vi phạm trên mạng xã hội, tuy nhiên trên mạng xã hội nhiều người nổi tiếng vẫn thực hiện một số hành vi “lệch chuẩn”. Sự răn đe kịp thời của pháp luật sẽ là lời cảnh báo để bất cứ ai cũng cần có ý thức thượng tôn pháp luật, dù ở đời thực hay trên không gian mạng để hướng tới môi trường mạng xã hội lành mạnh và văn minh cho tất cả người dùng.

(1)       Oxford English Dictionary. s.v. “social media, n.”, https://doi.org/10.1093/OED/5718206998, ngày 09/9/2023.

(2)       Lan Phương (2021), Chỉ mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream, https://baochinhphu.vn/chi-mang-xa-hoi-co-giay-phep-moi-duoc-cung-cap-dich-vu-livestream-102295749.htm, ngày 10/9/2023

(3)       Thu Thủy (2019), “Hiện tượng Khá Bảnh” là rất nguy hiểm, “cực kỳ không tốt” trên mạng xã hội, https://cand.com.vn/Su-kien- Binh-luan-thoi-su/Bo-cong-an-bat-Kha-banh-la-rat- mung-i515995/, ngày 10/9/2023.

(4)       Ybarra, M. L., & Mitchell, K. J. (2004). Online aggressor/targets, aggressors, and targets: a comparison of associated youth characteristics. Journal of child psychology and psychiatry, and allied disciplines, 45(7), 1308-1316. https://doi.org/10.1111/j.1469- 7610.2004.00328.x

(5)       Digital-Civility-Index-2019-Global-Report.

(6)       Giles, D.C., & Rockwell, D. (2009). Being a Celebrity: A Phenomenology of Fame. Journal of Phenomenological Psychology, 40, 178-210.

(7)       Horton, D., & Wohl, R. R. (1956). Mass-communication and para-social interaction: Observations on intimacy at a distance.

Psychiatry, 19(3), 215–230.

(8)       Ferris, K. O. (2005). Threat management: moral and actual entrepreneurship in the control of celebrity stalking. Sociology of Crime, Law and Deviance, 6, 9-29.

(9)       Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

PHẠM MINH ANH-TRẦN MINH NGỌC

Trường Đại học Luật Hà Nội

Thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực công: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

Nguyễn Mỹ Linh