Ảnh minh họa.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã khẳng định sự đóng góp của mình trong việc phát triển nền kinh tế, nâng giá trị tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và hơn 50% sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho thị trường lao động nước ngoài giai đoạn hiện tại, đặc biệt tập trung lao động tại các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Với bước tiến hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự xuất hiện của lao động nước ngoài đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa và cân đối trong việc quản lý nguồn lao động nước ngoài, việc xây dựng và thi hành các quy định pháp luật liên quan trở nên vô cùng cần thiết. Người sử dụng lao động và người lao động cũng cần nắm bắt được các quy định pháp luật điều chỉnh để đảm bảo xây dựng một môi trường làm việc an toàn, tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam và cung cấp các cơ hội phát triển cả lao động nước ngoài và lao động trong nước. Đồng bộ xây dựng phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an toàn an ninh quốc gia và xây dựng môi trường đầu tư hoàn thiện. Việc quản lý lao động nước ngoài được tiếp cận dưới các góc độ sau đây:
Hệ thống pháp lý điều chỉnh về quản lý lao động nước ngoài
Pháp luật Việt Nam hiện nay đang điều chỉnh việc quản lý lao động nước ngoài thông qua các văn bản pháp luật, các chính sách về điều kiện làm việc, thực hiện việc quản lý, báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xây dựng hoàn thiện các chính sách quản lý phù hợp, thông qua một số văn bản pháp luật điều chỉnh chính sau đây:
Bộ luật Lao động 2019 quy định về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật cốt lõi cơ bản điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam, các khịa cạnh như lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện làm việc tại Việt Nam…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 23/2023/QH15 quy định về thủ tục nhập cảnh, cư trú và làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam. Điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cấp thị thực làm việc, thời hạn cư trú, các quy định liên quan đến việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lao động về việc làm cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Chi tiết hóa các quy định pháp luật về việc làm, pháp luật về lương, bảo hiểm cho người lao động nước ngoài.
Thông tư số 22/2019/TT-BLDTBXHBan hành Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Thông tư này hướng dẫn việc cấp giấy phép làm việc cho người nước ngoài tại Việt Nam và các điều kiện, yêu cầu cần thiết để làm việc.
Các văn bản pháp luật này cùng với các quy định, thông tư và các quy chế khác liên quan đến quản lý lao động nước ngoài đã tạo hành lang pháp luật quan trọng trong việc điều chỉnh, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.
Những lưu ý trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Các doanh nghiệp cần nằm rõ và tuân thủ các quy định pháp luật liêm quan và đặc biệt các quy định tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP về cấp giấy phép lao động và miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo đến cơ quan quản lý về lao động trong quá trình tuyển dụng người nước ngoài làm việc. Thực tiễn hoạt động cho thấy, quá trình cấp phép và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhiều vấn đề cần lưu ý, một số vấn đề điển hình như sau:
Về xác định vị trí làm việc cho lao động nước ngoài: Pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài làm việc tại các vị trí bao gồm: Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật. Mỗi vị trí có những yêu cầu những tiêu chuẩn và điều kiện khác nhau. Ngoài ra đối với một số vị trí đặc thù như bác sĩ, luật sư, cầu thủ bóng đá, phi công, tiếp viên hàng không, thuyển viên, huấn luyện viên thể thao… sẽ cần thêm những chứng chỉ nghề nghiệp phù hợp để đảm bảo năng lực, trình độ chuyên môn khi làm việc.
Về thẩm quyền cấp phép: Thực tiễn hiện nay có 3 cơ quan chủ yếu cấp phép lao động cho người nước ngoài, bao gồm: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cấp tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) cấp tỉnh, Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTBXH. Việc xác định cơ quan có thẩm quyền cấp phép lao động phụ thuộc và địa chỉ đặt trụ sở công ty và cơ quan cấp phép thành lập đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Ví dụ: Những công ty nằm trong KCN sẽ xin giấy phép lao động (GPLĐ) cho người nước ngoài tại Ban quản lý các KCN cấp tỉnh; hoặc những Ngân hàng hoặc Trường Đại học do cơ quan cấp Bộ cấp phép thành lập thì sẽ phải xin GPLĐ cho người nước ngoài tại Cục Việc làm.
Lưu ý về thời hạn cư trú và làm việc: Người lao động nước ngoài sẽ được cấp một thời hạn visa hay thời hạn theo thẻ tạm trú bởi cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như vị trí công việc khác nhau, thời hạn công tác khác nhau… tuy nhiên về cơ bản sẽ phụ thuộc vào thời hạn của giấy phép lao động được cấp. Ngoài ra cũng có một số vị trí được cấp giấy phép miễn giấy phép lao động cho một số vị trí lao động đặc thù. Thời hạn lao động của người lao động nước ngoài thông thường sẽ có các mức như 12 tháng đến 24 tháng. Hết thời hạn làm việc và cư trú được cấp phép, người lao động phải thực hiện việc gia hạn thời gian làm việc, cư trú, hoặc hoàn thành nghĩa vụ lao động và trở về nước, trường hợp chuyển công tác cần có công ty mới bảo lãnh và tuân thủ các quy định về quản lý lao động như trên.
Người lao động nước ngoài cần tuân thủ luật pháp và chấp hành nghĩa vụ đối với doanh nghiệp và xã hội nơi họ làm việc. Việc này vừa bảo đảm được quyền lợi cho người lao động, vừa góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và tuân thủ pháp luật.Tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích của họ, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các quy định về lao động, an toàn lao động, cũng như báo cáo về tình hình sử dụng nước ngoài định kỳ đến cơ quan quản lý.Việc cấp visa và thẻ tạm trú cho người nước ngoài cần tuân theo quy trình và điều kiện cụ thể quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để đảm bảo an ninh quốc gia.Người lao động nước ngoài cần thực hiện đúng quy định về xuất nhập cảnh và cư trú theo luật pháp của Việt Nam. Những trường hợp cố tình vi phạm quy định có thể bị phạt tiền, hay thậm chí trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại.Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần quản lý người lao động, đảm bảo rằng người lao động nước ngoài hoạt động hợp pháp và được hỗ trợ trong quá trình cư trú và làm việc tại Việt Nam.
Biện pháp thi hành và xử phạt vi phạm
Các biện pháp hành chính như phạt tiền, thu hồi giấy phép lao động, trục xuất, cấm nhập cảnh có thể được áp dụng đối với các vi phạm trong quản lý lao động nước ngoài, bao gồm các vi phạm liên quan đến việc tuân thủ quy định về giấy phép lao động, quy định về cư trú hợp pháp, chế độ báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ đến cơ quan quản lý...Ngoài ra, các hành vi nghiêm trọng như buôn người, tàng trữ, sử dụng lao động nước ngoài trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật Việt Nam. Người lao động nước ngoài phải đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện đúng quy định và đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nước ngoài là rất quan trọng để đảm bảo môi trường làm việc bền vững, thúc đẩy sự hòa nhập và phát triển kinh tế trong nước.
Địnhhướng phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ, nhằm xây dựng một hệ thống pháp lý khép kín, đảm bảo quyền lợi của người lao động nước ngoài và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, xã hội. Một số định hướng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý lao động nước ngoài như:
(i) Tăng cường hợp pháp quốc tế: Việc chủ động mở cửa thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ là nền tảng của việc thu hút nguồn chuyên gia lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Việt Nam sẽ tích cực hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo ra các thỏa thuận trong việc quản lý lao động nước ngoài nói chung, cải thiện môi trường quản lý lao động nước ngoài được hiệu quả nhất;
(ii) Đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động: xây dựng các chính sách quản lý mạnh mẽ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động nước ngoài, bao gồm cả việc cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm việc trả lương và bảo hiểm xã hội, và các quyền lợi khác của người lao động…;
(iii) Quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về người lao động nước ngoài: áp dụng công nghệ trong việc quản lý lao động sẽ giúp cải thiện quá trình đăng ký, theo dõi được tình hình cư trú, tạm trú, thường trú của người lao động trên địa bàn. Qua đó các cơ quan quản lý cũng sẽ thuận tiện hơn trong việc theo dõi tình hình cư trú và thời hạn cư trú, thu thập dữ liệu và tình hình làm việc của người lao động trên địa bàn;
(iv) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Xu hướng thu hút nhân tài hoặc các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trên thế giới vào làm việc tại Việt Nam, qua đó sẽ giúp nâng cấp chất lượng công việc, hỗ trợ và đào tạo nâng cao chất lượng lao động trong nước, xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển thị trường, chia sẻ kinh nghiệm làm việc, chia sẻ văn hóa với người lao động trong nước;
(v) Giám sát và thúc đẩy tuân thủ pháp luật của lao động nước ngoài: các cơ quan quản lý cần có các kế hoạch xử lý tình huống khẩn cấp, tăng cường giám sát và xây dựng môi trường hòa nhập, thân thiện, giúp người lao động nước ngoài hòa nhập thuận tiện và đảm bảo tínhtuân thủ pháp luật tốt nhất.
Luật sư LÊ THỊ DUNG
Công ty Luật TNHH Siglaw
Bàn về việc xác định tuổi của bị hại dưới 18 tuổi và bị hại đủ 70 tuổi trong vụ án hình sự