Bộ Quốc phòng đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chế độ nghỉ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức quốc phòng. Theo đó, dự thảo Thông tư quy định cụ thể các chế độ nghỉ, thẩm quyền giải quyết, đăng ký, quản lý, đình chỉ chế độ nghỉ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng nêu trên cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng các chế độ nghỉ gồm: Nghỉ hằng ngày ngoài giờ làm việc; nghỉ hằng tuần; nghỉ phép hằng năm; nghỉ phép đặc biệt; nghỉ ngày lễ, tết; nghỉ an điều dưỡng; nghỉ chuẩn bị hưu. Các đối tượng còn được nghỉ chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động.

Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, về nghỉ phép hằng năm, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng có dưới 15 năm công tác được nghỉ 20 ngày; từ đủ 15 năm đến dưới 25 năm được nghỉ 25 ngày; từ đủ 25 năm trở lên được nghỉ 30 ngày. Nếu đóng quân xa gia đình (nơi cư trú của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng), thì được nghỉ thêm:
- 10 ngày đối với một trong các trường hợp sau: đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; đóng quân ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK.
- 05 ngày đối với một trong các trường hợp sau: đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có hệ số phụ cấp khu vực 0,5 trở lên và cách gia đình từ 200 km đến dưới 300 km; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực.
Ngoài nghỉ phép hằng năm, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép đặc biệt, mỗi lần không quá 10 ngày nếu thuộc một trong các trường hợp sau: bản thân kết hôn hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp kết hôn; gia đình gặp khó khăn đột xuất do vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng bị đau ốm nặng, tai nạn rủi ro, hy sinh, từ trần hoặc bị thiệt hại nặng về tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm gây ra...