/ Dọc đường tố tụng
/ Vụ án liên quan đến kết luận giám định tư pháp tại Quảng Bình: Ý kiến của người trong cuộc và các chuyên gia

Vụ án liên quan đến kết luận giám định tư pháp tại Quảng Bình: Ý kiến của người trong cuộc và các chuyên gia

01/08/2021 04:35 |

(LSVN) - Đã là kết luận giám định tư pháp thì tất cả moị thứ trong đó phải kết luận rõ ràng và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Không thể có kết luận giám định tư pháp mà đưa ra những con số mang tính “giả định và tham khảo", nếu vậy thì Bản kết luận giám định không có giá trị pháp lý.

Giấy xác nhận của hai công dân có diện tích ao hồ lớn nằm trong dự án.

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Tuấn và tài liệu hồ sơ vụ án cho thấy, năm 2018 Ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới được UBND tỉnh Quảng Bình giao làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý, điều hành, thực hiện hai gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ vơi tổng trị giá 13,5 tỉ đồng. Các đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện gồm: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) là đơn vị thi  công; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình - giám sát thu gom bom đạn và hủy nổ; Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế (thuộc Quân khu 4 ) là đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán và giám sát thi công ; Bộ Tư Lệnh Công binh thẩm định và Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Sau khi hoàn thành thi công và bàn giao mặt bằng dự án, ngày 30/12/2018, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng có giấy Cam kết an toàn với nội dung: “Đơn vị thi công đã thi công sạch bom mìn, vật nổ và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư, pháp luật về toàn bộ mặt bằng trong khu vực đã dò tìm bom mìn xử lý…”. Vậy nhưng sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức trưng cầu giám định lại toàn bộ dự án vì có đơn tố giác cho rằng đơn vị thi công đã khai khống khối lượng. Oái ăm thay người thực hiện giám định tư pháp vụ việc là ông Nguyễn Phước Khoa - chuyên viên Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình - nguời không có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ rà phá bom mìn thực hiện. Quá trình giám định đối với hai gói thầu DH-3.1 và DH-NC1: Rà phá bom mìn vật nổ của Dự án không tuân theo quy định pháp luật về giám định, lập khống các số liệu và đưa ra Bản Kết luận giám định số 29 ngày 29/11/2019 đưa ra số tiền quyết toán vượt số lượng công việc đã thực hiện thuộc 02 dự án là gần 5,6 tỉ đồng.

Dựa vào con số này mà Công an, VKS tỉnh Quảng Bình khởi tố ông Nguyễn Văn Tuấn và 03 cán bộ khác của Ban quản lý dự án về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, ông Nguyễn Phước Khoa đã có dấu liệu làm khống các số liệu trong kết luận của mình dẫn đến Công an, VKSND tỉnh Quảng Bình khởi tố truy tố oan cho ông và các cán bộ khác. “Ông Khoa là nguời không có trình độ chuyên môn giám định về rà phá bom mìn theo quy định của Bộ Quốc phòng. Giám định bằng cách chỉ thuê các người dân đi nhặt các ống nhựa sót lại, trong quá trình giám định ông Khoa không có mặt tại hiện trường nên không thể có số liệu để tính toán mà chỉ đưa ra các con số có dấu hiệu làm khống mang tính giả định và tham khảo… Các cơ quan tố tụng dựa vào kết luận này để khởi tố truy tố là không có căn cứ pháp lý gây oan sai cho tôi và nhiều người”, ông Tuấn bức xúc nói.

Cùng bàn về thẩm quyền giám định và nội dung bản Kết luận giám định số 29 ngày 29/11/2019, Đại tá Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Thẩm phán Cao cấp Tòa án Quân sự Trung ương phân tích: Ông Nguyễn Phước Khoa - Giám định viên tư pháp không có “Chứng chỉ hành nghề, không đủ năng lực, không có chuyên môn rà phá bom mìn, vật nổ theo quy định tại Bộ Tiêu chí Quốc gia TCVN 10299-2014 về khắc phục hậu quả bom mìn ban hành theo Quyết định số 441 ngày 17/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Mặt khác ông Nguyễn Phước Khoa là chuyên viên Sở KH&ĐT - Cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Quảng Bình - Chủ đầu tư dự án.

Sở KH&ĐT Quảng Bình là một thành viên trong Ban chỉ đạo Dự án, tham gia thẩm định, phê duyệt Dự án, kế hoạch đấu thầu, bố trí vốn thực hiện Dự án…, tức Sở KH&ĐT là một trong các bên liên quan đến vụ án thì không được giám định theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định Tư pháp và Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự… Đại tá Cường nhấn mạnh: “Ông Khoa không hề có chuyên môn, kỹ năng cũng như các điều kiện trang thiết bị máy móc để thực hiện giám định các dự án liên quan đến rà phá bom mìn… Đối với hai dự án thăm dò rà phá bom mìn, vật nổ DH-3.1 và DH-NC, tất cả các công đoạn đều do các đơn vị quân đội thực hiện. Để giám định chính xác đối với các dự án này chỉ có chuyên môn trong lực lượng quân đội công binh… Do đó, kết luận giám định do ông Khoa thực hiện không hợp lệ nên không được dùng làm căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố đối với các bị can”.

Trong quá trình thực hiện việc giám định, ông Khoa đã áp dụng phương thủ công - nhặt đếm các lỗ khoan và ống cọc nhựa sót lại tại một số khu vực dự án, nên khu vực dự án có nhiều hồ nuôi trồng thủy sản, những đoạn sông sâu người giám định không thể kiểm đếm được… hoặc vì đã bị các đơn vị thi công san lấp mặt bằng xây dựng, hoặc hoàn lại lỗ khoan theo quy định pháp luật về thăm dò địa chất tại Mục 14.3 TCVN 9437/2012, để đảm bảo giữ nguyên hoặc hạn chế các biến đổi về tính chất và trạng thái của địa tầng; đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương…. Có nhiều vùng ông Khoa bỏ sót không thực hiện giám định…

Hai người dân ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới - những người có diện tích ao hồ rộng lớn nằm trong dự án thăm dò, rà phá bom mìn (đây cũng là một trong những địa bàn trọng điểm của Dự án) mà ông Khoa đã bỏ sót trong quá trình giám định cho biết: Vào năm 2018 có đơn vị bộ đội thi công khoan lỗ cắm cọc trên khu đất của chúng tôi và cả vùng rộng lớn trong vùng. Chỗ nào cạn thì thì họ dò khoan bằng máy, chỗ nào nước sâu thì họ dùng xuồng hơi bơi ra đóng cọc giống như khoan giếng,..họ cắm nhiều lắm trong 03 hồ của tôi hết cả một ô tô cọc. Họ bảo khi nào bàn giao xong xuôi rồi thì nhổ bẻ đi giờ họ vẫn vứt bỏ lung tung khắp mặt hồ, một số lớn đã bị vùi lấp dưới bùn. Khu vực giải tỏa ao của tôi là 06 sào đều là ao nuôi cá, vào tầm tháng 6/2018 thấy một đơn vị bộ dội đến thăm dò xử lý mìn, thấy họ khoan đóng cọc xuống bùn sâu, họ khoan như khoan giếng, hết ống này thì họ nối ống khác, cứ cách nhau 02m về các phía họ khoan đóng một cọc. Cả một vùng rộng lớn từ đầu đường tránh đến nửa đồng xã Nghĩa Phúc họ đóng kín hết…”.

Với phương pháp giám định bằng trực quan, đo đếm các lỗ khoan và các ống nhựa còn sót lại, nhiều khu vực do nước sâu hoặc đã bị san lấp không đo đếm được, rồi bỏ sót các khu vực như vậy nhưng ông Nguyễn Phước Khoa đưa ra số liệu các đơn vị thi công mới thực hiện khối lượng công việc trị giá gần 06 tỉ đồng, số các bên quyết toán khống khối lượng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 5,6 tỉ đồng. Những con số này và nhiều con số khác nêu ra trong Bản Kết luận giám định đều kèm theo dòng chú giải “Giả định” hoặc “Tham khảo”. Khi được hỏi căn cứ vào đâu để đưa ra số liệu thực tế các đơn vị đã thực hiện và kết luận quyết toan vượt khối lượng gây thiệt hại 5,6 tỉ đồng? Giám định viên Nguyễn Phước Khoa cho rằng đó là con số mang tính "Tham khảo" và "Giả định" chứ không hề kết luận cái gì. Việc sử dụng nó như thế nào là trách nhiệm của cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng.

“Tôi không kết luận làm thừa, làm thiếu bao nhiêu cả… Con số đó là để tham khảo, còn việc tham khảo hay không, có lấy và sử dụng kết quả đó làm căn cứ là quyền và trách nhiệm của Công an và kiểm sát và các ông phải chịu trách nhiệm..”, ông Khoa nói.

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Hữu Cảm, đã là kết luận giám định tư pháp thì tất cả moị thứ trong đó phải kết luận rõ ràng và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Không thể có kết luận giám định tư pháp mà đưa ra những con số mang tính “giả định và tham khảo". Nếu vậy thì Bản kết luận giám định không có giá trị pháp lý. Và như vậy các cơ quan tiến hành tố tụng không thể sử dụng nó làm căn cứ để khởi tố, truy tố. Ông Cảm phân tích rõ hơn: “Về nguyên tắc Giám định viên tư pháp khi được chỉ định giám định thì phải làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Khi kết luận là kết luận phải hẳng định một cách dứt khoát rõ ràng là có hay không và cụ thể là bao nhiêu, chứ không thể chỉ là giả định và tham khảo… Nếu chỉ giả định và tham khảo thì coi như không kết luận, như vậy chính Giám định viên làm mất giá trị pháp lý của kết luận. Cơ quan điều tra, truy tố dựa vào cái "Giả định" và "Tham khảo" để quy kết cũng là sai pháp luật và không đảm bảo tính khách quan và có nguy cơ lớn dẫn đến vụ án oan sai…”.

Để đảm bảo khách quan công bằng tránh những sai sót đáng tiếc có thẻ xảy ra trong quá trình tố tụng tiếp theo, thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng ở Quảng Bình cần trưng cầu giám định lại bằng một Giám định viên khác hoặc một Hội đồng giám định có đủ kiến thức năng lực chuyên môn với các trang thiết bị chuyên ngành.

SỸ LÝ - TRUNG THÔNG 

Quảng Bình: Một vụ án có dấu hiệu oan sai xuất phát từ bản kết luận giám định tư pháp

Lê Minh Hoàng