/ Đời sống - Xã hội
/ Quảng Bình: Bồi thường thiệt hại cho người dân có vi phạm quy chế dân chủ?

Quảng Bình: Bồi thường thiệt hại cho người dân có vi phạm quy chế dân chủ?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc bồi thường thiệt hại để ổn định đời sống cho các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cơ bản đã hoàn thành, nhưng trong quá trình thực hiện, một số cán bộ có vi phạm quy chế dân chủ, thiếu trách nhiệm làm thiệt hại lớn tài sản của người dân, dẫn đến nhiều hộ dân có đơn thư khiếu nại kéo dài nhiều năm nay.

Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của người dân xã Quảng Kim, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch phản ánh quá trình thực hiện bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, một số cán bộ huyện, xã tắc trách hoặc có thể thiếu hiểu biết nắm bắt các văn bản quy định nên thực hiện không đúng quy chế dân chủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, dẫn đến việc bồi thường cho người dân chưa đảm bảo đúng quy định của Chính phủ.

Theo đó, đơn của ông Từ Đình Sen xã Quảng Kim khiếu nại về việc UBND xã Quảng Kim thực hiện kê khai xác định thiệt hại trái với Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện không đúng Công văn số 3165/BNN-TCTS ngày 14/4/2017 của Bộ Nông nghiệp & PTNT (Công văn số 3165) về hướng dẫn kê khai bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Trao đổi với PV, ông Từ Đình Sen cho biết cụ thể: “Là hộ nuôi thủy sản bị chết hoàn toàn do sự cố môi trường biển, thuộc đối tượng được bồi thường tại Điểm a, Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 1880 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016 tôi đã kê khai theo mẫu 1.2 có xác nhận cả Chủ tịch UBND xã, ngày 20/02/2017 thôn 1 tổ chức Hội nghị họp xét duyệt, bỏ phiếu ghi nhận kết quả 94,4% nhất trí gia đình tôi thuộc đối tượng được hưởng bồi thường diện tích 7.900m2 nuôi tôm thẻ chân trắng bị chết trên 70%. Nhưng sau đó, xã nói không được nên chờ hướng dẫn của cấp trên để tiếp tục hướng dẫn cho các hộ làm thủ tục. Đến ngày 23/6/2017, UBND xã có thông báo thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch “buộc” chúng tôi kê khai đền bù thiệt hại theo suất lao động bị mất việc làm 4 suất/1ha. Nhận thấy thông báo của UBND xã trái với hướng dẫn của Công văn số 3165. Từ tháng 8 năm 2017 đến nay tôi liên tiếp gửi đơn kiến nghị, khiếu nại đến các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện nhưng vẫn chưa được UBND huyện Quảng Trạch giải quyết đúng quy định".

Được biết, tại Phiên tiếp dân định kỳ của tỉnh Quảng Bình tháng 8 năm 2017, nhiều hộ dân xã Quảng Kim có đơn trực tiếp kiến nghị. Sau Phiên tiếp dân UBND tỉnh có Công văn số 2840/VPUBND-TCD về việc xử lý đơn kiến nghị của người dân và Sở Nông nghiệp & PTNT thành lập Tổ công tác phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch trực tiếp đối thoại với ông Từ Đình Sen. Sau đối thoại, ngày 29/8/2017 Sở Nông nghiệp & PTNT có Công văn số 1981/SNN-CCTS: “... đề nghị UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo UBND xã Quảng Kim thực hiện theo Công văn số 3165 về việc hướng dẫn kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển để rà soát, kiểm tra và niêm yết công khai theo quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Đề nghị của Sở Nông nghiệp là đúng tinh thần của Công văn (hỏa tốc) số 3165 hướng dẫn: “Trường hợp không có biên bản xác minh thủy sản nuôi bị chết tại thời điểm đó thì Hội đồng xã có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và niêm yết công khai theo quy chế dân chủ ở cơ sở ”.

Làm việc với PV, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Kim ông Phan Thanh Hóa cho biết: “Thời điểm thực hiện bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do bận họp nhiều, công việc bối rối nên chúng tôi quên thực hiện niêm yết công khai, không thông báo công khai trên loa truyền thanh mà chỉ gửi thông báo về cho các hộ bị thiệt hại và làm theo chỉ đạo của huyện”. Để rõ hơn việc xã Quảng Kim có thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở  (PV) “Là người chỉ đạo bồi thường sự cố môi trường biển ở xã Quảng Kim, chắc rằng sau đề nghị của Sở Nông nghiệp, huyện có văn bản chỉ đạo nhưng hồ sơ lưu lâu rồi chúng tôi phải tìm lại đã mới cung cấp được cho anh (PV), thông tin qua Công chức Nông nghiệp xã Quảng Kim nói có gửi thông báo về cho các hộ bị thiệt hại không có thông báo niêm yết công khai theo quy chế dân chủ”, ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho biết thêm.

Có chăng đề nghị vẫn chỉ là đề nghị trên giấy, còn việc huyện có chỉ đạo xã rà soát, niêm yết công khai theo quy chế dân chủ ở cơ sở hay không là điều đáng nói. Và đáng nói hơn nữa là hậu quả thiệt hại của người dân, đơn thư khiếu nại đến nhiều cấp, nhiều ngành kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết. 

Do vậy, mà người dân nơi đây đang đặt câu hỏi tại sao sau Hội nghị họp thôn bỏ phiếu nhất trí các đối tượng nuôi thủy sản bị chết trên 70% được hưởng bồi thường thiệt hại, UBND xã Quảng Kim không thực hiện niêm yết công khai theo quy chế dân chủ?.

Người dân bị thiệt do sự cố môi trường biển năm từ 2016 đang mong lãnh đạo huyện Quảng Trạch sớm có lời giải và cần kịp thời, khẩn trương xem xét giải quyết đúng quy định, đảm bảo đúng quyền lợi để ổn định đời sống.

QUY CHẾ

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở XÃ

(Ban hành kèm theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP
ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ)

Điều 4. Chính quyền địa phương có trách nhiệm thông tin kịp thời và công khai để nhân dân biết những công việc chính sau :

1. Chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương về thủ tục hành chính giải quyết các công việc liên quan đến dân.

14. Những việc khác mà chính quyền thấy cần thiết và nhân dân yêu cầu được thông báo.

Điều 5. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở xã và trưởng thôn, làng, ấp, bản cung cấp các thông tin ghi ở Điều 4 để nhân dân biết thông qua các hình thức :

2. Niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân xã và các trung tâm dân cư, văn hóa.

ĐẠI XUÂN

Loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thi hành mệnh lệnh cấp trên theo quy định của Bộ luật Hình sự

Lê Minh Hoàng